Từ hệ thống giao thông cũ nát lại bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, các thế hệ lãnh đạo ngành giao thông-vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương đã phát huy truyền thống “Đi trước mở đường”, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều quyết sách nhằm xây dựng và thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển hệ thống GTVT. Qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, ngành GTVT Bình Dương đã góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giao thông làm nhiệm vụ đi trước, mở đường phát triển đô thị Bình Dương văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Đường Phạm Ngọc Thạch, TP.Thủ Dầu Một vừa được nâng cấp mở rộng. Ảnh: D.CHÍ
Phát huy tính sáng tạo, đi đầu
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hệ thống hạ tầng giao thông còn lại của Bình Dương rất yếu kém, chủ yếu là đường đất với quy mô nhỏ hẹp, lại bị tàn phá nặng nề. Tuy tình hình kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Sông Bé nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục và bảo đảm giao thông huyết mạch gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, lãnh đạo ngành GTVT đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung công sức duy tu các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; khôi phục và khai thác hệ thống cầu... Từ chủ trương Đổi mới của Đảng (năm 1986), ngành GTVT tiếp tục được giao nhiệm vụ: “Đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân, là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng’’, lãnh đạo ngành GTVT Bình Dương đã nhạy bén nắm bắt tình hình, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối liên thông với các tỉnh, thành trong khu vực mà bước đột phá là việc đề nghị Bộ GTVT cho phép tỉnh Bình Dương nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 (nay là đại lộ Bình Dương) bằng nguồn vốn của tỉnh. Công trình này như một cú đột phá đã góp phần mở toang cánh cửa luân chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất khẩu cho doanh nghiệp, tạo đà thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ đổi mới.
Tiếp sau đó, hệ thống cầu, đường được Bình Dương quan tâm nâng cấp, mở rộng và nhựa hóa như đường ĐT741, ĐT742, ĐT744… Các cầu sắt được thay thế bằng cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu như cầu Phước Hòa, cầu Ông Cộ, cầu Ông Tiếp, cầu Bà Kiên, cầu Tổng Bản…
Kết nối liên hoàn, đồng bộ
Từ chủ trương xã hội hóa, Bình Dương đã đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 dài 62km, tiêu chuẩn đường cấp I với 6 làn xe; nâng cấp, mở rộng đường ĐT741 dài 49km, với tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 6 làn xe. Đây là 2 trục giao thông xương sống của tỉnh, kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía nam của tỉnh với các khu công nghiệp, đô thị và vùng nguyên liệu, nông thôn phía bắc của tỉnh, đồng thời kết nối thông suốt với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên và Campuchia.
Bên cạnh việc tập trung phát triển hệ thống đường tạo lực, Bình Dương đã phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) - chỉnh trang đô thị. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đại bộ phận người dân đồng tình ủng hộ nên kết quả năm sau cao hơn năm trước; kể từ năm tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện 9.174 công trình với tổng kinh phí 2.319 tỷ đồng. Đến nay, mạng lưới đường GTNT được phủ kín, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của nhân dân vùng sâu, vùng xa.
Toàn tỉnh hiện có 20 tuyến xe buýt với trên 225 phương tiện vận chuyển, khối lượng vận chuyển tăng bình quân hàng năm từ 3 - 5%; 8 bến xe khách, trong đó có 192 tuyến cố định, với 512 phương tiện tham gia khai thác đến 34 tỉnh, thành phố trong cả nước. Giao thông đường thủy có 20 bến khách ngang sông và 79 bến thủy nội địa. |
Hệ thống giao thông đô thị của Bình Dương cũng được quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ, phù hợp với tiến trình đô thị hóa theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng đô thị Bình Dương.
Nhờ có hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại cơ bản đồng bộ, thông suốt đã đưa hệ thống giao thông của Bình Dương hòa mình nhanh chóng vào dòng chảy giao thông khu vực, giao thông quốc gia.
Hướng tới đô thị văn minh, hiện đại
Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, môi trường đầu tư ổn định, thuận lợi, Bình Dương đã phát triển 28 khu công nghiệp tập trung và đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bình Dương đang phấn đấu đến trước năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với dân số đạt khoảng 2,5 triệu người, đô thị gồm 6 quận nội thành và 4 huyện ngoại thành.
Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GTVT cho biết, để phù hợp trong tình hình mới, tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển các loại hình giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại, hạn chế phương tiện cá nhân và bảo đảm sự phát triển bền vững. Ngoài ra, một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả sẽ hỗ trợ ngược lại trong việc phát triển đô thị. Do vậy, để phát triển bền vững loại hình vận tải hành khách công cộng trong đô thị, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025, trong đó quan tâm phát triển đến các loại hình vận chuyển khối lượng lớn (xe buýt nhanh BRT, tàu điện ngầm và đường sắt đô thị...) và thực hiện việc đưa công nghệ - kỹ thuật vào công tác quản lý như sử dụng giám sát hành trình trên phương tiện, triển khai bước đầu việc sử dụng thẻ IC (Free Pass) trên xe buýt.
Bên cạnh đó, Bình Dương còn phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực hệ thống giao thông tập trung vào giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh Bình Dương; thực hiện dự án xe buýt nhanh (BRT) và đưa vào sử dụng các loại hình vận tải mới như xe buýt “phong cách Nhật”, tàu điện ngầm, đường sắt đô thị nối thông với tuyến Metro Bến Cát - Suối Tiên kết nối với Thành phố mới Bình Dương để sớm đưa Bình Dương trở thành thành phố văn minh, điện đại.
Ông Nguyễn Thế Phương, nguyên Giám đốc Ty Giao thông tỉnh Sông Bé kể lại, dù kinh tế còn rất khó khăn nhưng với truyền thống đi trước mở đường, lãnh đạo ngành GTVT đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung xây dựng mới các cầu như cầu Ông Tiếp bắc qua sông Đồng Nai để kết nối với tỉnh Đồng Nai; cầu Phú Cường, cầu Bến Súc, cầu Tàu bắc qua sông Sài Gòn để tăng khả năng kết nối với TP.Hồ Chí Minh và Tây Ninh… Từ đó tạo nền tảng cơ bản để ngành GTVT tiếp tục nâng cấp mở rộng các tuyến ĐT743, ĐT744, ĐT746, ĐT747 với quy mô đường cấp II, III, từ 4 đến 6 làn xe để kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía nam với các khu công nghiệp, đô thị phía bắc của tỉnh, các tỉnh, thành lân cận và các đầu mối giao thông của khu vực.
DUY CHÍ