Ngành gỗ: Nỗ lực phát triển, tỉnh táo trong hợp tác

Cập nhật: 31-07-2019 | 08:37:42

 Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ trong nước đang đứng trước nhiều thuận lợi nhờ quá trình hội nhập sâu rộng, sự chủ động của DN, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách của Chính phủ... Tuy vậy, trong thời điểm này, các chuyên gia khuyến cáo ngành gỗ cần đẩy mạnh liên kết, tỉnh táo lựa chọn đối tác để bảo đảm phát triển bền vững.

 Đạt mức tăng trưởng tốt

Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của các DN gỗ trong tỉnh ước đạt 1,528 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 10,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Các thị trường xuất khẩu gỗ chủ yếu của DN trong tỉnh như Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… lượng đơn hàng xuất khẩu tăng trung bình 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Cố vấn của Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), hiện nay dù chưa thể hiện rõ ràng trên doanh số xuất khẩu, song nhiều DN xuất khẩu gỗ đã, đang cảm nhận ngày một rõ rệt tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể ngày càng nhiều khách hàng Mỹ tìm đến các DN Việt Nam tìm hiểu, nắm bắt thông tin. Trong thời gian tới, nếu sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm trong khi nhu cầu thị trường vẫn còn đó thì sẽ là cơ hội rất lớn cho các quốc gia cung cấp vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, các DN Mỹ có thể đang tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, nếu chứng minh năng lực và nắm bắt được cơ hội thì các DN Việt Nam có thể mở rộng được thị phần tại Mỹ.


Lãnh đạo Sở Công thương và chuyên gia thăm Nhà máy chế biến gỗ Mifaco (TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY

Tuy vậy, các DN gỗ đang lo nhất là nguồn nguyên liệu, bởi nguyên liệu chiếm tới 45% giá thành của sản phẩm. Ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty Mtrade (TX.Tân Uyên), cho biết để có được nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp ổn định, bắt buộc phải triển khai các mô hình liên kết trồng rừng giữa các công ty chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ trồng rừng. Thời gian qua, ở trong nước mô hình này mặc dù đã được hình thành song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Thêm vào đó, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) được ký kết đòi hỏi DN nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu, trong đó có việc xác nhận nguồn gốc gỗ nguyên liệu minh bạch, các điều kiện về môi trường, lao động theo tiêu chuẩn châu Âu. Do đó, việc xác định tiêu chí loại rủi ro, vùng địa lý rủi ro khi xây dựng các quy định về kiểm soát chuỗi cung gỗ nhập khẩu sẽ gặp khó khăn. Chưa kể, nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ trong nước cũng phải tuân thủ các quy định của hiệp định và sẽ gặp trở ngại không hề nhỏ vì thương lái cung ứng gỗ khó có thể đáp ứng quy định…

Tỉnh táo trong hợp tác

Dù đứng trước cơ hội rất lớn song các chuyên gia cũng lưu ý cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới sự dịch chuyển đầu tư vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam từ các DN Trung Quốc. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn biến phức tạp, các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế bổ sung của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là nguy cơ bị điều tra lẫn tránh thuế đối với các DN Trung Quốc đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm kích thích nền sản xuất trong nước tăng trưởng kể cả ngành gỗ. Do đó, dự báo mặt hàng gỗ chế biến nói riêng và các hàng hóa khác nói chung xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ trong thời gian tới.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây nhiều DN nước ngoài sang Việt Nam tìm mua lại những DN làm ăn không hiệu quả trong ngành gỗ. Đây là vấn đề các DN trong nước cần cẩn trọng. Vì khi DN nước ngoài mua DN Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam làm cho sản lượng sản phẩm của Việt Nam tại một thời điểm nào đó tăng cao lên một cách đột biến. Khi đó ngành gỗ Việt Nam chắc chắn sẽ bị liên đới.

Điều quan trọng, DN gỗ trong nước cần chú ý xem DN nước ngoài khi vào Việt Nam sản xuất những mặt hàng gì và sản lượng có đạt đến ngưỡng có thể bị Mỹ kiện bán phá giá hay không. Bởi khi kiện bán phá giá, phía Mỹ sẽ chỉ nhắm tới một vài mặt hàng nào đó có sản lượng tăng đột biến và ảnh hưởng đến thị trường của họ. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn áp dụng loại thuế chống lẩn tránh. Theo đó, phía Mỹ sẽ theo dõi “đường đi” của các DN đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Khi phát hiện các DN FDI lấy xuất xứ của Việt Nam để xuất sang Mỹ, sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể sẽ bị áp thuế với mức từ 10% trở lên. Khi đó, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ thiệt hại rất lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, để tận dụng được những thuận lợi, khắc phục khó khăn, ứng phó kịp thời với những diễn biến khó lường trên thị trường thế giới, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cần sự đoàn kết của các DN ngành chế biến gỗ. Thời gian qua, BIFA đã làm tốt vai trò kết nối hội viên và trách nhiệm mà các hội viên đã tin tưởng giao phó. Trong thời gian tới, BIFA cần tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa DN và cơ quan chức năng. Quan trọng hơn, các DN gỗ cần liên kết tổ chức sản xuất vì mục tiêu lớn phía trước; nỗ lực vượt qua những rào cản để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, thúc đẩy ngành gỗ địa phương phát triển.

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, lưu ý các DN gỗ cần hết sức tỉnh táo, để xem đâu là cơ hội có thể mở rộng và đâu là rủi ro tiềm ẩn. Các cơ quan quản lý luôn ủng hộ các DN làm ăn chân chính, bài bản và tận dụng cơ hội hợp tác; tẩy chay những DN làm ăn không chân chính, chụp giật chạy theo những lợi ích trước mắt.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=479
Quay lên trên