Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 của tỉnh tiếp tục được giữ vững trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động với tổng kim ngạch ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 53,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 24 USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong bức tranh xuất khẩu vẫn còn những gam màu sáng - tối đan xen, buộc doanh nghiệp (DN) phải chủ động hơn để đạt mục tiêu vào cuối năm.
Sản xuất tại Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing (Khu công nghiệp VSIP I)
Bám chặt thị trường
Trong 8 tháng năm 2022 hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều đạt mức tăng trưởng khá. Trong đó, đối với các sản phẩm gỗ, ước đạt 4,96 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 19,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngành da giày cũng đang giữ được mức tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,74 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 6,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 8 tháng qua, dệt may vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu bất chấp nhiều khó khăn vây bủa, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,16 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trước các biến động của thị trường, các DN đều thực hiện rất tốt tôn chỉ bám chặt diễn biến thị trường, giữ chặt đơn hàng, chia sẻ khó khăn chung cùng khách hàng và người lao động. Bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách tỉnh, cho biết do có rất nhiều tương đồng trong sản xuất, các DN trong 2 lĩnh vực này buộc phải xây dựng kế hoạch linh hoạt đáp ứng theo từng thời kỳ ngắn chứ không xây dựng chiến lược dài hạn nguyên năm hay 6 tháng. “Ở mỗi đơn hàng đều có sự thương lượng kỹ với các đối tác, lựa chọn thiết kế phù hợp với xu hướng, số lượng hàng được cả hai bên cân nhắc kỹ tránh hàng tồn kho và theo kịp những biến động khó lường diễn ra. Tuy nhiên, các đơn vị đều tập trung các mặt hàng trung cấp, không chú trọng những đơn hàng cao cấp nhằm bảo đảm tính an toàn trong sản xuất, kinh doanh”, bà Liên chia sẻ về những cách thức vượt khó khăn chung.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Hiệp Long (TP.Thuận An), cho rằng hiện các DN trong ngành gỗ phải nỗ lực, linh hoạt và thích ứng nhanh với thay đổi, tìm kiếm thị trường phù hợp để sản xuất. Năm nay, khả năng tăng trưởng khoảng vài phần trăm đã là rất tốt, không thể đạt được con số 19% như năm 2021. Bởi lẽ, dư địa cho ngành gỗ phát triển là rất khó. Các DN vẫn cố gắng để chờ đợi những đột biến về thị trường, cũng như thương mại điện tử và chuyển đổi số.
Vượt qua khó khăn
Thông tin từ cộng đồng DN cho biết mặc dù nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu của các ngành vẫn duy trì, song kể từ quý III, thị trường thế giới, cụ thể là EU và Mỹ đã có những tín hiệu chậm lại bởi lạm phát. Các đơn hàng xuất khẩu vì thế cũng “dè dặt” hơn trong việc tính toán lại nhu cầu thị trường cũng như phương hướng sản xuất phù hợp để tránh bị tồn kho. Không chỉ vậy, nhiều ngành cũng đang đối diện nguy cơ thiếu nguyên liệu, phải thu mua giá cao nhưng vẫn không bảo đảm sản xuất. Ngoài ra, chuỗi cung ứng logistics thế giới 2 năm nay bị ảnh hưởng dịch nên đường di chuyển của hàng hóa chậm hơn. “Do hàng tới chậm, tồn kho nhiều, các nhà phân phối hàng hóa phải giải quyết số hàng này và lượng đặt hàng cũng chậm lại nên đa phần các DN đều có kế hoạch sản xuất rất chi tiết”, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các DN, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của bộ, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, DN và các bộ, ngành liên quan. Qua đó, cung cấp thông tin kịp thời, định hướng cho DN chuyển nhanh, mạnh hoạt động xuất khẩu sang hình thức chính ngạch, đẩy mạnh nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước nhằm thay thế cho nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, hoạt động xuất khẩu thời gian tới kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và các hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi một cách đầy đủ với những cam kết tạo thuận lợi, giảm thiểu các rào cản. Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để cơ cấu lại chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp cũng sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất khẩu. Trong nước, các DN cũng tiếp tục kỳ vọng gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí được kỳ vọng sẽ có thêm động lực vượt qua khó khăn, thách thức.
TIỂU MY