Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) và định hướng hoạt động KHCN năm 2019, trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành KHCN tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu KHCN, dự án liên quan đến xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.
Thực hiện Đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn cây đầu dòng bưởi đường lá cam tại tỉnh Bình Dương” được đánh giá giúp nâng cao chất lượng bưởi trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Các hội viên nông dân huyện Bắc Tân Uyên tham quan mô hình trồng bưởi đường lá cam tại xã Hiếu Liêm. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Bàn giao nhiều đề tài KHCN
Để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thời gian qua Sở KHCN thông báo tuyển chọn các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh thông qua, nhất là những nhiệm vụ giải quyết các vấn đề bức xúc của các ngành, địa phương; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được triển khai thực hiện. Tính từ đầu năm đến nay, sở đã nghiệm thu 4 đề tài, bàn giao kết quả nghiên cứu 6 đề tài cho đơn vị thụ hưởng để triển khai kết quả nghiên cứu.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, cho biết bên cạnh việc nghiệm thu và bàn giao kết quả nghiên cứu cho các đơn vị thụ hưởng, 6 tháng qua sở đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ chuyên ngành, lĩnh vực nông nghiệp với nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng chuỗi cung ứng trái cây có múi tại Bình Dương. Sở còn thực hiện thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện đề tài Nghiên cứu đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải container trên mạng lưới đường bộ tỉnh Bình Dương.
Về hoạt động KHCN ở cơ sở, ngoài việc cung cấp thông tin kết quả nghiên cứu KHCN cấp tỉnh phù hợp với địa phương để nhân rộng các mô hình, Sở KHCN còn hợp tác liên kết giữa các sở, ngành, các tổ chức KHCN. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Sở KHCN đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao kết quả thực hiện 3 mô hình theo kế hoạch phối hợp với Liên hiệp các Hội Liên hiệp khoa học - kỹ thuật tỉnh, như mô hình nuôi thuần dưỡng lai tạo sinh sản tôm, tép cảnh, mô hình hệ thống thông tin quản lý an toàn bức xạ cấp cơ sở (huyện, thị, thành phố)...
Khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo
Nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trong 6 tháng đầu năm Sở KHCN đã triển khai các vấn đề liên quan đến chính sách dành cho hoạt động khởi nghiệp, như rà soát nội dung văn bản trình HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Sở cũng tổ chức họp thống nhất ý kiến các ngành và tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho điều chỉnh nội dung xây dựng nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến 2025.
Bên cạnh đó, ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh trong phát triển DN KHCN, DN ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ DN vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo… Sở KHCN đã phối hợp với Cục Thuế và Sở Tài chính triển khai Nghị định số 13/2019 về chính sách ưu đãi cho DN KHCN, hướng dẫn các DN trích lập Quỹ phát triển KHCN của DN. Đơn vị còn lập hồ sơ vay vốn Quỹ phát triển KHCN tỉnh để DN có điều kiện đầu tư thiết bị máy móc, có nguồn vốn triển khai các đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHCN tiên tiến vào sản xuất…
Ông Cường khẳng định, khởi nghiệp là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành KHCN trong việc thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Do đó, Sở KHCN đã tổ chức các hoạt động để định hướng, đưa ra giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đến nay, Dự án Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương (BIIC) đang được khẩn trương triển khai. Sở cũng đang lên kế hoạch xây dựng website và phần mềm quản lý vận hành BIIC.
“Với việc tăng cường hoạt động KHCN ở cơ sở đã góp phần thay đổi nhận thức cho người nông dân về sự ảnh hưởng quan trọng của KHCN trong sản xuất và vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu cho thương hiệu sản phẩm, giá trị kinh tế mà sản phẩm có nhãn hiệu mang lại”. (Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN) |
HOÀNG PHẠM