Bên cạnh khoản tiền mặt tạm ứng của các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm, hỗ trợ thủ tục hành chính pháp lý của các ngành chức năng, các ngân hàng (NH) thương mại tại Bình Dương đã và đang tiếp tục làm việc với các DN bị thiệt hại để có phương án hỗ trợ tối ưu theo chủ trương chung của ngành.
Các DN rất cảm kích trước sự quan tâm đúng lúc của hệ thống NH tại Bình Dương. Trong ảnh: Ban Giám đốc Agribank chi nhánh Sóng Thần tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty TNHH Vượng Tuế (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) Ảnh: THANH HỒNG
“Một miếng khi đói...”
Công ty TNHH Vượng Tuế 100% vốn Đài Loan (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, TX.Tân Uyên) là một trong những khách hàng của NH Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Sóng Thần. Trong vụ việc đáng tiếc hồi tháng 5 vừa qua, công ty bị thiệt hại khá nặng nề. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn của NH, công ty đã nhanh chóng tái thiết một khu văn phòng mới cùng nhiều nguyên liệu, vật liệu mới vừa được nhập về phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Ông Jason Chen, Giám đốc công ty, cho biết mặc dù sớm hoạt động trở lại nhưng công ty vẫn chưa thể thực hiện được toàn bộ hợp đồng xuất khẩu đã ký với khách hàng do trang thiết bị văn phòng, nhà ở… chưa thể khắc phục ngay vì thiếu vốn. “Vừa gặp khó khăn, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất cụ thể từ Agribank chi nhánh Sóng Thần như giảm lãi suất các khoản vay cũ, tiếp tục giải ngân với lãi vay ưu đãi; đồng thời ngân hàng còn trao tặng laptop, máy in, máy fax… Giờ thì đơn đặt hàng mới rất nhiều, 200 công nhân phải làm việc liên tục, thậm chí công ty dự kiến phải tăng 3 ca mới có thể đáp ứng kịp yêu cầu khách hàng”, ông Jason Chen chia sẻ.
Hơn một tháng qua, Ban lãnh đạo Agribank chi nhánh Sóng Thần đã đến 32 khách hàng khác có quan hệ tín dụng và tiền gửi tại NH để động viên, xác định thiệt hại từ đó có các giải pháp hỗ trợ thiết thực theo chủ trương của hệ thống Agribank và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Sóng Thần Vương Thị Lang Hương, cho biết 32 DN bị thiệt hại có dư nợ vay khoảng 750 tỷ đồng. NH đã chủ động cơ cấu lại nợ cho 4 DN với số tiền gần 2,5 triệu USD. Ngoài ra, NH đã hỗ trợ giảm lãi vay với tổng số tiền 963 triệu đồng; trong đó giảm lãi các khoản vay mới từ 0,5 - 2%/năm cho 12 DN, thời hạn hỗ trợ từ 3 - 6 tháng. Đối với các khoản nợ cũ, lãi vay giảm từ 1 - 2%/năm, thời gian hỗ trợ từ 3 - 6 tháng tùy tình hình DN. Hiện nay Agribank chi nhánh Sóng Thần đang trình Agribank tăng hạn mức cho vay thêm 15 triệu USD đáp ứng nhu cầu vốn các DN thiệt hại…
Không dừng lại ở việc hỗ trợ về vốn vay, miễn, giảm lãi suất cho vay, Agribank chi nhánh Sóng Thần còn là NH đầu tiên giúp 22 DN bị thiệt hại cháy, mất mát tài sản lớn có phương tiện làm việc ngay trong những ngày đầu khắc phục sự cố vừa qua thông qua việc chuyển giao miễn phí các thiết bị văn phòng gồm 25 máy tính, 15 máy in, 1 két sắt, 3 máy đếm tiền, 1 máy fax... trị giá gần 500 triệu đồng....
Tương tự Agribank chi nhánh Sóng Thần, những ngày qua nhiều các NH khác trên địa bàn tỉnh như NH Đầu tư và phát triển chi nhánh Bình Dương, Shinhan Việt Nam, Indovina… đã thực hiện mọi khả năng trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình nhằm hỗ trợ tối đa cho các DN bị thiệt hại.
Tiếp tục đồng hành
Theo Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương Bùi Văn Nu, sau sự cố ngày 13-5 vừa qua, hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh vẫn ổn định. Trong vòng 1 tháng qua, NHNN chi nhánh Bình Dương đã có 4 cuộc họp với các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn để chỉ đạo các TCTD xây dựng phương án an toàn trong hoạt động, đồng thời xây dựng các giải pháp hỗ trợ DN khắc phục thiệt hại. Đặc biệt, sau khi Phó Thống đốc NHNN Việt Nam đến thăm và nắm tình hình hoạt động của các TCTD, đặc biệt là các TCTD nước ngoài, NHNN chi nhánh Bình Dương và các TCTD đã đẩy mạnh việc hỗ trợ DN phục hồi sản xuất thông qua việc thành lập các tổ công tác, tiếp xúc và nắm tình hình.
NHNN chi nhánh Bình Dương cho biết đến nay, hệ thống NH tỉnh vẫn cam kết với các DN có quan hệ với NH là ổn định hạn mức tín dụng đã được ký kết trước đây. Ngoài ra, các TCTD còn hỗ trợ khách hàng trong việc thực hiện các nghiệp vụ NH, sao lục lại hồ sơ pháp lý đang lưu giữ, hỗ trợ trong việc liên hệ cơ quan liên quan để làm lại các hồ sơ, thủ tục pháp lý một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất. Ngành NH tỉnh cũng đã tính tới việc phải khoanh nợ. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có DN nào đề nghị được khoanh nợ mà chủ yếu đề nghị tiếp tục vay vốn để đáp ứng sản xuất, kinh doanh bình thường.
“Trong thời gian tới, với trách nhiệm của ngành, để hỗ trợ DN khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN và UBND tỉnh, NHNN chi nhánh Bình Dương đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc các TCTD tiếp tục hoạt động tiếp xúc DN; kiến nghị đề xuất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của DN. Tất cả sẽ được hệ thống NH ở Bình Dương thực hiện một cách đồng bộ, tận tâm, tận lực để cộng đồng DN và hệ thống NH trên địa bàn thật sự gắn kết và cùng nhau phát triển”, ông Bùi Văn Nu nói.
THANH HỒNG