Từ khi thành lập cho đến nay, ngành tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Sông Bé - Bình Dương đã từng bước trưởng thành, phát triển mạnh mẽ về chất lượng xét xử, đảm đương được những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương…
Từng bước trưởng thành
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 26-3-1976, Bộ Tư pháp Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra quyết định thành lập TAND tỉnh Sông Bé. Ngành TAND tỉnh Sông Bé thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là vừa xây dựng lực lượng, vừa tiến hành hoạt động chống tội phạm, góp phần ổn định vùng mới giải phóng, xét xử các vụ án phản cách mạng, các vụ án hình sự khác; giải quyết các tranh chấp dân sự và hôn nhân gia đình trong nội bộ nhân dân. Đặc biệt là làm công tác phục vụ thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp đối với các phần tử chống đối phá hoại chủ trương của chính quyền cách mạng.
TAND tỉnh tổ chức trao kỷ niệm chương cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Tòa án tỉnh Sông Bé - Bình Dương
Đến cuối năm 1980, TAND tỉnh Sông Bé đã xét xử 47 vụ án vi phạm các tội: Hoạt động lật đổ chính quyền, bạo loạn, giết người, cướp tài sản, tham ô công quỹ, tàng trữ vũ khí trái phép… Trong lĩnh vực dân sự, tòa án các cấp đã giải quyết 62 vụ tranh chấp đất đai, vườn cây ăn trái, các tài sản khác và 23 vụ kiện về hôn nhân gia đình.
Công tác thi hành án dân sự, hình sự đạt từ 80 - 90% số vụ án. Ngày 1-7-1994, tòa Kinh tế được thành lập, chấm dứt vai trò của Trọng tài kinh tế hoạt động tại Sông Bé từ giai đoạn 1989-1994. Ngày 1-7-1996, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, hai Tòa Hành chính, Lao động được thành lập. Nhiệm kỳ thứ III, nhiệm kỳ thứ IV, TAND tỉnh Sông Bé có đủ 5 tòa chuyên trách: Hình sự, Dân sự, Kinh tế, Hành chính, Lao động, Giám đốc kiểm tra, Văn phòng.
Sự đổi mới tổ chức trong đơn vị phù hợp với sự đổi mới chung của đất nước, phù hợp với sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các TAND địa phương”, cùng với sự chỉ đạo trực tiếp về chính trị, tư tưởng về xây dựng Đảng của Tỉnh ủy Sông Bé và sự chỉ đạo nghiệp vụ của TAND tối cao đem lại thành công nổi bật so với nhiệm kỳ thứ hai trước đó.
Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX về điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh và thành phố, tỉnh Sông Bé được tách ra thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Ngày 16-12-1996 Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 1040/QĐ-QLTA thành lập TAND tỉnh Bình Dương và chính thức đi vào hoạt động ngày 1-1-1997 cho đến nay. Qua gần 20 năm, TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương không ngừng kiện toàn về mặt tổ chức, biên chế, cơ sở vật chất, đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng.
Theo ông Hồ Văn Mái, Chánh án TAND tỉnh, công tác xét xử các loại vụ án và thi hành án hình sự luôn được lãnh đạo và đội ngũ Thẩm phán quan tâm, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Trước tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp, nhiệm vụ đặt ra cho các hoạt động của cơ quan tư pháp nói chung và ngành TAND nói riêng là phải bảo đảm đạt về số lượng lẫn chất lượng, nghĩa là vừa bảo đảm tỷ lệ giải quyết các loại án, không để án tồn đọng, kéo dài, vừa hạn chế thấp nhất tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan.
Xây dựng đội ngũ cán bộ vững về nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị
“Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức tòa án 2014 và các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội, chỉ đạo của TAND tối cao, các chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện chiến lược cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020, TAND 2 cấp của tỉnh luôn tập trung đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử tất cả các loại án; tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ vững về nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm với công việc và tinh thần phục vụ nhân dân…”, ông Hồ Văn Mái, Chánh án TAND tỉnh cho biết. |
Thực hiện chương trình cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và địa phương, TAND tỉnh là đơn vị đầu tiên cũng là đơn vị duy nhất trong hệ thống Tòa án cả nước triển khai thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000. Đến nay, TAND tỉnh tiếp tục duy trì, cải tiến hệ thống tạo mọi thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ giải quyết công việc tại Tòa án.
Ông Hồ Văn Mái cho biết thêm: “Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức tòa án 2014 và các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội, chỉ đạo của TAND tối cao, các chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện chiến lược cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020, TAND 2 cấp của tỉnh luôn tập trung đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử tất cả các loại án; tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ vững về nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm với công việc và tinh thần phục vụ nhân dân; xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ, từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn”.
Năm 1997, lượng án phải giải quyết của toàn ngành TAND tỉnh Bình Dương chỉ có 2.035 vụ, đã giải quyết 1.897 vụ, đạt tỷ lệ 93,2%. Đến năm 2015, số lượng án đã thụ lý của TAND 2 cấp là 14.096, giải quyết 13.350, đạt tỷ lệ 94,71%. Trong những tháng đầu năm 2016, TAND 2 cấp đã thụ lý 7.874 vụ, giải quyết 5.075 vụ. Lượng án thụ lý và giải quyết tăng lên rất nhiều và tăng mạnh theo từng năm. Tính từ khi thành lập TAND 2 cấp tỉnh đến nay đã thụ lý 125.928 vụ, giải quyết 123.129 vụ án các loại, ban hành 34.353 quyết định thi hành án hình sự, xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho 35.949 phạm nhân.
Bên cạnh công tác xét xử tại trụ sở, nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm, trong gần 20 năm qua, TAND 2 cấp đã tổ chức 1.620 phiên tòa xét xử lưu động. Những năm gần đây, công tác xét xử lưu động được đẩy mạnh, hàng năm, TAND 2 cấp đã đưa ra xét xử lưu động từ 150 - 200 vụ án hình sự, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu phát động thi đua của TAND tối cao.
THỦY TRINH