Ngày 1-7-2014, Luật Đất đai được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29-11-2013 chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế Luật Đất đai năm 2003. Luật Đất đai năm 2013 đánh dấu những đổi mới về chính sách đất đai phù hợp tình hình kinh tế - xã hội trong thời kỳ hiện nay.
Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương, 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Nổi bật là 9 điểm mới được sửa đổi, bổ sung: Quy định cụ thể hơn về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp; hoàn thiện quy định về điều tra, đánh giá đất đai; tăng cường hơn việc vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, khắc phục tình trạng “xin - cho” trong sử dụng đất; hoàn thiện hơn cơ chế nhằm phát huy nguồn nhân lực từ đất đai thông qua quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất; tăng cường hơn công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất; thiết lập sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai, thực hiện quyền và nghĩa vụ sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài cho phù hợp với yêu cầu hội nhập và thu hút đầu tư; quan tâm hơn đến việc bảo đảm quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; quy định cụ thể các nội dung có liên quan đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành một số Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013, như: Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15- 5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về giá đất; Nghị định 45/2014/ NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất; Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15- 5-2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.