Sau nhiều ngày biểu tình nhỏ lẻ trên đường phố, phe đối lập tại Gruzia tuyên bố “Ngày thịnh nộ” kêu gọi Tổng thống nước này, Mikheil Saakashvili từ chức, sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (25-5).
Irakli Okruashvili, cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Gruzia, người bị chính quyền Tbilisi truy nã, cho biết sẽ trở về Gruzia sau 4 năm lưu vong tại Pháp để lãnh đạo cuộc biểu tình lớn lần này.
Phát biểu trên kênh truyền hình Maestro của Gruzia, ông Okruashvili thề rằng ngày 25-5 sẽ là ngày cuối cùng của chính phủ đương nhiệm Gruzia. Tuy nhiên, tối 24-5, hãng AFP dẫn lời nhà lãnh đạo đảng Gruzia đối lập, Sozar Subari cho rằng do một số lý do, cũng có thể sẽ hủy bỏ cuộc biểu tình lớn ngày 25-5.
Người dân Tbilisi biểu tình ngày 23-5.
Trước đó, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình trong hòa bình nhiều ngày liên tiếp kêu gọi ông M.Saakashvili từ chức. Những lý do chính khiến người dân nổi cơn thịnh nộ, đời sống không được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp cao, triển vọng kinh tế không có gì sáng sủa… Tuy nhiên, nguyện vọng của người dân Gruzia đã bị đáp trả bằng dùi cui, hơi cay, ít nhất 10 người đã bị bắt ở Tbilisi và Batumi.
Bà Nino Burdzhanadze, một trong những thủ lĩnh của phe đối lập, tuyên bố “cuộc cách mạng đã bắt đầu khi chính phủ sử dụng vũ lực để đáp trả các biện pháp hòa bình”. Theo Tập hợp quần chúng, một nhóm thuộc tổ chức đối lập tại Gruzia, trong Ngày độc lập Gruzia (24-5) người dân tiến hành nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn quốc nhằm thể hiện sự bất bình đối với Tổng thống M.Saakashvili và chính phủ đương nhiệm.
Kinh tế trì trệ
Ông George Khutsishvili, Giám đốc Trung tâm quốc tế về xung đột và thương lượng, một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Tbilisi, cho biết tình hình kinh tế và chính trị tại Gruzia tiếp tục trì trệ trong năm qua. Làn sóng phản đối ông M.Saakashvili đang lan rộng khi thu nhập người dân ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao. “Người dân đã nghe những lời hứa cải cách (từ ông M.Saakashvili) nhưng rốt cuộc kết quả ngược lại” - ông Khutsishvili nói.
Theo mạng tin Bussinessweek (Mỹ), tỷ lệ thất nghiệp tại Gruzia trong tháng 4-2011 là 9,9%. Mặc dù ở mức cao nhưng đây đã là một “tín hiệu mừng” cho Gruzia khi gần 2 năm trước tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức 2 con số. Trong khi đó, kết thúc năm 2010, tỷ lệ lạm phát của Gruzia ở mức 11,2%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Nhà kinh tế Gruzia, ông David Onoprishvili, nhận định chính quyền Tbilisi sẽ khó có thể giải quyết được vấn đề lạm phát và nhiều khả năng lạm phát trong năm 2011 sẽ tăng lên mức 14%.
Cách mạng hoa hồng 2.0?
Cuộc bầu cử tổng thống Gruzia sẽ diễn ra vào năm 2013. Tờ Christian Science Monitor (Mỹ) dẫn lời một số chuyên gia cho rằng những cuộc biểu tình tại Gruzia có thể sẽ trở thành một cuộc Cách mạng hoa hồng thứ 2, tương tự cuộc cách mạng đã từng giúp ông M.Saakashvili lên nắm chức tổng thống.
Iosif Shatberashvili, thủ lĩnh đảng Lao động đối lập tại Gruzia, cho biết đối thoại với chính quyền ông M.Saakashvili là vô ích khi họ không bao giờ giữ lời hứa. Hơn nữa, bà N.Burdzhanadze, người từng đứng chung chiến tuyến với ông M.Saakashvili trong cuộc cách mạng năm 2003, đang nhận được sự ủng hộ từ phía các đảng phái và người dân Gruzia.
Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Euro-Atlantic tại Tbilisi, Mamuka Nebieridze, nhận định không một ai biết các cuộc biểu tình tại Gruzia bao giờ kết thúc. Người dân đã quá chán nản với chính phủ đương nhiệm, phần lớn các đảng đối lập không tin sẽ có một cuộc bầu cử công bằng, sòng phẳng khi ông M.Saakashvili còn tại vị. Nhiều năm qua, mọi thứ không hề thay đổi và đó chính là nguyên nhân người dân Gruzia biểu tình. Họ muốn thay đổi.
Theo SGGP