Nghề luyện kim - đúc đồng của cư dân Bình Dương xưa

Cập nhật: 03-10-2015 | 07:48:43

Với các di tích khảo cổ học trên địa bàn Bình Dương, các nhà khảo cổ học đang dần hé mở bức tranh kinh tế - xã hội của cư dân cổ Bình Dương, ngoài đời sống tâm linh, họ còn phát triển kinh tế như nông nghiệp và thủ công nghiệp. Thủ công nghiệp của các cư dân xưa với các nghề như xe sợi - dệt vải, chế tác đá, luyện kim - đúc đồng, sản xuất gốm mà ngày nay đang phát triển mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các ngành nghề thủ công của họ góp phần làm tư liệu trong quá trình nghiên cứu về các làng nghề truyền thống ở mảnh đất này…

Những phát hiện khảo cổ học

Các nhà Khảo cổ học phát hiện ra những dấu hiệu đầu tiên về nghề luyện kim - đúc đồng tại Bình Dương. Đó là phát hiện một mảnh khuôn đúc rìu tại di tích Cù lao Rùa (xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên trước đây) và một mảnh khuôn đúc tại di tích Dốc Chùa (xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên trước đây).

Trong các đợt khai quật từ năm 1976-1979, các nhà Khảo cổ học đã phát hiện 76 khuôn đúc đồng các loại, 3 mảnh khuôn đúc (năm 2009) ở di tích Dốc Chùa. Ở di tích Cù lao Rùa, một người Pháp phát hiện một mảnh khuôn, các đợt khai quật sau năm 1975 phát hiện thêm 4 mảnh khuôn. Như vậy, trên địa bàn Bình Dương phát hiện được tổng số 85 khuôn đúc các loại, có cả nguyên và vỡ trong địa tầng các hố khai quật. Sản phẩm đồ đồng được cán bộ Bảo tàng Bình Dương thu thập trong nhân dân với 68 tiêu bản chủ yếu tại di tích Dốc Chùa. Năm 1932, người Pháp phát hiện được trống đồng tại đây, trong di tích Phú Chánh phát hiện 5 trống đồng, Bảo tàng Bình Dương sưu tầm được 1 chiếc tại Phú Giáo.

Quá trình sưu tầm, điều tra và khai quật khảo cổ học đến nay số lượng khuôn đúc đồng, công cụ - vũ khí bằng đồng và cả trống đồng phát hiện trên địa bàn Bình Dương nhiều nhất Đông Nam bộ. Khuôn đúc - đồ đồng có những hiện vật có thể tra vừa khớp với khuôn, cho thấy có một nghề luyện kim - đúc đồng đã ra đời và phát triển tại khu vực này để rồi đạt đến trình độ đỉnh cao. Quy trình luyện kim - đúc đồng với các bước cơ bản là tạo khuôn - xử lý nguyên liệu - đúc sản phẩm - hoàn thiện sản phẩm. Khuôn đúc được đánh giá là sản phẩm kỹ thuật cao của thợ thủ công chế tác đá có niên đại khoảng 2.500 năm cách ngày nay, hầu hết là loại khuôn làm bằng đá cấu tạo chủ yếu là loại khuôn hai mang dùng đúc như rìu, giáo, lao. Tuy nhiên, do môi trường mà các hiện vật đồng bị phong hóa rất mạnh nên hiện vật tìm thấy không nhiều. Địa điểm khảo cổ học Dốc Chùa nơi phát hiện được nhiều đồ đồng nhất, với nhiều kiểu dáng và loại hình khác nhau như loại hình rìu, loại hình lưỡi giáo, loại hình mũi lao.

Về chức năng sử dụng thì có sự khác biệt nhất định nhiều nhất vẫn là loại hình rìu dùng để chặt cây phá rừng làm rẫy hoặc làm nhà, các loại dụng cụ dùng để săn bắt như mũi lao, mũi tên và cả những vũ khí. Sự đa dạng các loại hình sản phẩm cho thấy trình độ luyện kim của cộng đồng cư dân này rất cao. Từ sưu tập phát hiện được trong các di tích khảo cổ học đến những công cụ vũ khí bằng đồng đã phản ánh những công đoạn của quá trình chế tác. Tuy nhiên, việc nhận thức đầy đủ về một quy trình công nghệ, vấn đề nguyên liệu và pha chế các hợp kim trong công nghệ chế tác cũng là một vấn đề quan trọng của các cư dân cổ Bình Dương.

Đỉnh cao kỹ thuật lúc bấy giờ

Kỹ thuật luyện kim - đúc đồng là một trong những phát kiến quan trọng trong thời đại kim khí ở Đông Nam bộ. Từ quặng tan chảy thành nước, đồng phải nung quặng đạt nhiệt độ 1.000oC. Qua các kết quả khi phân tích quang phổ các chủng loại hiện vật như rìu, giáo và vòng tay của các nhà khoa học thì thấy rằng cư dân Dốc Chùa đã sử dụng 3 loại hợp kim: Hợp kim đồng - thiếc - chì với sản phẩm rìu là chủ yếu; Hợp kim đồng - chì - thiếc với sản phẩm giáo là chủ yếu; Hợp kim đồng - chì với sản phẩm qua là chủ yếu. Trong các loại hình hiện vật được phân tích quang phổ cho thấy, hầu hết đều sử dụng 3 loại hợp kim trên nhưng có sự phân hóa về số lượng. Sự phân hóa này do quá trình phát triển của kỹ thuật luyện kim. Có thể một hợp kim đầu tiên trong nguyên liệu đúc các sản phẩm bằng đồng, có thể đó là hợp kim chung cho hầu hết các sản phẩm nhưng trong quá trình phát triển có thể cư dân rút kinh nghiệm, loại bỏ những khiếm khuyết kỹ thuật và tùy theo yêu cầu tính năng sử dụng mà sẽ tạo ra những hợp kim phù hợp từng loại sản phẩm phục vụ cho hoạt động của họ.

Nghề luyện kim - đúc đồng của cư dân Dốc Chùa đã phát triển một cách toàn diện từ khâu làm khuôn, pha chế hợp kim, chọn hợp kim cho phù hợp với từng công năng của từng loại hình hiện vật và đúc ra các loại sản phẩm phục vụ hoạt động của họ. Việc phát hiện khuôn đúc và đồ đồng ở Bình Dương có thể thấy rằng nghề luyện kim - đúc đồng của các cộng đồng cư dân cổ Bình Dương đã thực sự là một nghề thủ công có điểm khởi đầu rất sớm từ di tích Cù lao Rùa và phát triển đến đỉnh cao qua di tích Dốc Chùa. Nghề thủ công này cũng đã đầy đủ các tiêu chí của nghề thủ công và có vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành nghề thủ công của cư dân cổ từ khoảng 2.500 năm cách ngày nay.

Mối quan hệ văn hóa của cư dân cổ Bình Dương

Nghề luyện kim - đúc đồng thời kỳ này đánh dấu sự phân công lao động và cũng là thời điểm đánh dấu sự phân hóa xã hội cơ bản trong lòng cộng đồng cư dân cổ vùng này, các cư dân cổ không chỉ có giao lưu nội vùng mà cả ngoại vùng.

Khi nghiên cứu các tập hợp đồ đồng, các nhà nghiên cứu ngoài đi tìm câu trả lời về công nghệ luyện kim, nguồn nguyên liệu mà cư dân Dốc Chùa đã sử dụng tạo ra những sản phẩm của mình, thì các nhà khoa học tìm ra mối quan hệ văn hóa thông qua kỹ thuật sản xuất, loại hình và cả hợp kim được cư dân Dốc Chùa sử dụng. Nguồn nguyên liệu có thể được trao đổi từ vùng Đông Bắc Thái Lan, các đồ đồng phát hiện ở đây có nhiều điểm tương đồng với đồ đồng khu vực đó. Theo Đào Linh Côn và Nguyễn Duy Tỳ thì “tất cả những biểu hiện giống nhau gộp chung lại gợi cho chúng ta ấn tượng về loại hình văn hóa chung ở vùng hạ lưu sông Mekong hay ở vùng Nam Đông Dương”. Theo Nguyễn Giang Hải thì cho rằng, giữa Dốc Chùa và vùng Đông Bắc Thái Lan có nhiều điểm tương đồng như tìm thấy dấu tích của nồi nấu đồng, xỉ đồng và đặc biệt có nhiều khuôn đúc được chế tác bằng sa thạch, hình dáng rìu đồng thì khá giống nhau, nguyên liệu thì không có sự khác biệt về cơ bản thành phần hợp kim. Như vậy, ngay từ khởi điểm giai đoạn đồng thau phát triển vùng đất Bình Dương đã có một mối quan hệ giao lưu văn hóa kỹ thuật rất rộng mà có lẽ dòng chảy Mekong cùng các dòng sông ở vùng này kết nối với Mekong với những bè mảng làm phương tiện đi lại, kết hợp gió mùa tây nam đã làm cho không gian giao tiếp mang tính chất vùng trở nên gần nhau hơn.

• HOÀNG LONG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1455
Quay lên trên