Theo hãng tin AP, các công tố viên Đức bắt đầu mở cuộc điều tra hình sự đối với ông Martin Winterkorn, cựu giám đốc điều hành tập đoàn chế tạo xe hơi lớn nhất châu Âu Volkswagen (VW) do liên quan tới vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử hãng xe nổi tiếng này.
Lật tẩy “thiết bị thủ tiêu”
Ông Daniel Carder kiểm tra lượng phát thải trên 1 xe hơi
Các điều tra viên sẽ làm rõ những liên quan của ông Winterkorn đối với vụ bê bối gian lận khí thải trên các mẫu xe VW sử dụng động cơ dầu diesel. Ngoài ông Winterkorn, bản thân tập đoàn VW cũng sẽ là đối tượng điều tra với mục đích tìm ra những cá nhân hoặc đơn vị phải chịu trách nhiệm trong vụ gian lận quy mô lớn này. Ông Winterkorn đã từ chức vào ngày 23-9 sau khi vụ bê bối của VW lan rộng.
Bê bối của VW bị 5 nhà nghiên cứu của Trường Đại học West Virginia (Mỹ) lật tẩy trong một nghiên cứu từ năm 2012, nhằm đánh giá mức khí thải của các dòng xe hơi châu Âu sử dụng nhiên liệu dầu diesel đang lưu hành tại Mỹ. Nhóm nghiên cứu của ông Daniel Carder, kỹ sư 45 tuổi, có mục đích ban đầu là thu thập càng nhiều dữ liệu kỹ thuật về xe càng tốt để chứng minh rằng dầu diesel ít ô nhiễm hơn xăng. Ba mẫu xe được sử dụng là BMW X5, VW Passat và VW Jetta. Trải qua hành trình 2.400km, trong khi BMW X5 cho ra kết quả tương đồng với số liệu hãng đã công bố, thì chiếc Passat lại bị đặt nghi vấn khi loại sedan này thải ra lượng nitơ ôxít cao gấp 20 lần mức cho phép. Tiếp đến, chiếc Jetta cũng cho ra mức khí thải gấp 30 lần con số do VW cung cấp.
Sau khi những nghiên cứu này được công bố, Ủy ban an toàn khí thải Mỹ (EPA) mở một cuộc điều tra và phát hiện một thiết bị có tên gọi “thiết bị thủ tiêu” được VW gắn vào mô-đun điều khiển điện tử của các mẫu xe chạy nhiên liệu diesel sản xuất trong giai đoạn 2008 - 2015, có tác dụng làm giảm lượng khí thải của xe máy dầu diesel khi tham gia các bài thử nghiệm đánh giá. Ngay khi nhận ra xe không phải đang chạy trên đường, thiết bị này lập tức đưa động cơ vào “chế độ thử nghiệm”, điều chỉnh công suất, giảm nhiệt độ máy, bật các hệ thống kiểm soát dẫn tới mức khí thải cũng được cắt giảm đáng kể. Do đó, khi những chiếc xe máy dầu diesel của VW chạy trong điều kiện bình thường, lượng khí thải phát ra có thể gấp 40 lần so với con số do EPA quy định để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thiết bị này giúp VW vượt qua được quy trình kiểm định của EPA. Trên thực tế, các mẫu xe VW Jetta, Beetle, Passat, Golf và Audi A3 thải ra lượng nitơ ôxít cao gấp 10 - 40 lần quy định của chính phủ Mỹ. Ban đầu, VW đã bác bỏ những cáo buộc trên nhưng sau đó đã buộc phải thừa nhận khi bị EPA gây sức ép đe dọa sẽ không chứng nhận các đời xe 2016 sắp tới của hãng. Ngay khi vụ việc vỡ lở, VW lại tiếp tục làm cả thế giới chấn động khi thừa nhận có đến 11 triệu xe được cài phần mềm kể trên đã bán ra toàn cầu tại các thị trường khác như châu Âu và Australia. Tại CH Czech, nhà sản xuất xe hơi Skoda Auto thuộc VW mới đây thừa nhận có khoảng 1,2 triệu xe chạy bằng động cơ diesel gồm: Fabia, Octavia, Superb, Yeti, Roomster và Rapid có lắp đặt thiết bị gian lận lượng khí thải. Theo EPA, ước tính, vụ gian lận khí thải kéo dài từ năm 2008 đến nay đã giúp tập đoàn này thu về lợi nhuận khổng lồ. Báo cáo mới nhất trước khi vụ bê bối của VW bị phanh phui cho thấy, mức lợi nhuận của hãng trong năm 2014 đạt hơn 18 tỷ USD.
Khoảng nửa đầu năm 2015, VW đã lần đầu tiên vượt qua Toyota, giành ngôi vị nhà sản xuất xe hơi số 1 thế giới. Nhưng doanh nghiệp này đã phải trả giá đắt vì hành vi lừa đảo. Thay vì đầu tư thiết bị giảm khí thải khiến giá thành của sản phẩm tăng lên, WW đã dùng “thiết bị thủ tiêu” để qua mặt cơ chế kiểm soát, nhằm mở rộng thị phần tại Mỹ và thu thêm được từ 1.000 - 7.000 USD cho mỗi chiếc xe “thân thiện với môi trường”.
Châu Âu tẩy chay
Ngoài việc thu hồi 2,8 triệu xe ngay tại thị trường Đức, hãng xe VW đang đối mặt với nguy cơ thu hồi khoảng 1,5 triệu xe sử dụng dầu diesel tại Anh. Còn tại Thụy Sĩ, giới chức nước này cũng vừa ban hành lệnh cấm tạm thời việc kinh doanh các dòng xe sử dụng dầu diesel của VW. Hãng xe Đức còn hứng chịu những tổn thất nghiêm trọng khi cổ phiếu giảm đến 38%. Như vậy, chỉ trong vài tuần VW đã mất đi một phần ba giá trị, dẫn đến thiệt hại to lớn cho các nhà đầu tư. Các thương hiệu xe Đức khác, dù không liên quan nhưng cũng gặp tổn thất liên đới, như cổ phiếu của Daimler AG, công ty mẹ của Mercedes-Benz, giảm 7%; cổ phiếu của BMW giảm 6%. Ban giám đốc của VW còn đối mặt với những cáo buộc hình sự.
Không dừng ở đó, vụ việc này còn là một đòn trời giáng xuống ngành công nghiệp ô tô Đức, vốn rất tự hào về uy tín và công nghệ của mình. Tuy nhiên, đó chỉ là những hệ lụy tức thời. Vụ gian dối này sẽ khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới quay lưng lại với động cơ dầu diesel - vốn đang bị “soi” khá kỹ trong thời gian gần đây xoay quanh mức độ ô nhiễm của nó. Trong trường hợp xấu nhất, động cơ máy dầu diesel có thể sẽ bị xóa sổ. Thủ tướng Angela Merkel cũng lên tiếng kêu gọi VW không tiếp tục che giấu mà hãy chủ động làm sáng tỏ mọi việc
VW công bố đã dành riêng khoản tiền hơn khoảng 7,2 tỷ USD để giải quyết vụ bê bối và đây chưa phải cái giá cuối cùng mà tập đoàn này phải trả cho hành vi gian dối của mình. Theo luật Mỹ, với mỗi chiếc xe vi phạm tiêu chuẩn khí thải, VW có thể bị phạt tối đa tới 37.500 USD và số tiền phạt cho nửa triệu chiếc xe bán ra tại Mỹ có thể lên tới 18 tỷ USD. Mặc dù mức phạt lớn như vậy, nhưng vẫn nằm trong khả năng tài chính của VW với lượng tiền mặt sẵn có của hãng là 24 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều lo ngại được dấy lên về khả năng công ty này sẽ mạnh tay cắt giảm lượng một lớn lao động của mình.
VW còn phải đương đầu với khả năng bị Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố về tội lừa đảo trong kinh doanh; một số hãng luật Mỹ đã bắt đầu tiến hành các vụ khởi kiện tập thể đòi VW phải bồi thường cho các khách hàng đã mua và sử dụng các mẫu xe vi phạm. Sau làn sóng bị thu hồi xe tại châu Âu, Pháp, Italia, Hàn Quốc đã lên tiếng yêu cầu cơ quan chức năng của mình tiến hành điều tra xe VW nhập khẩu, giống như EPA đã làm bên Mỹ.
Đe dọa kinh tế Đức
Vụ bê bối gian lận khí thải của VW đã làm “rung chuyển” ngành công nghiệp và chính trị nước Đức. Các nhà phân tích cảnh báo cuộc khủng hoảng của hãng sản xuất xe hơi nổi tiếng có thể phát triển thành mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ngành công nghiệp ô tô vốn là ngành công nghiệp lớn nhất ở Đức, đóng góp 2,7% GDP nước này. Doanh số bán xe hơi trong nước và xuất khẩu của Đức đạt 368 tỷ EUR, tương đương 411 tỷ USD trong năm 2014. Trong đó, VW là hãng sản xuất xe hơi lớn nhất nước Đức. Theo phân tích, cứ 10 chiếc ô tô được bán ra trên thế giới, lại có 1 chiếc thuộc các thương hiệu ô tô do VW sở hữu. Gần 70% xe VW được bán ra bên ngoài biên giới nước Đức. Hãng xe này có gần 600.000 nhân sự trên khắp thế giới. 1/3 trong tổng số 775.000 người Đức đang làm việc trong ngành công nghiệp ô tô là nhân viên của VW. Sau vụ bê bối của VW, một số mặt hàng logistics phục vụ ngành sản xuất xe hơi như platin, kim loại chuyên dùng làm bộ lọc khí thải của xe diesel đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua.
Theo Reuters, Giám đốc kinh tế của ING, ông Carsten Brzeski cho biết, VW đã trở thành một rủi ro lớn đối với kinh tế Đức, lớn hơn cả cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp. Nếu doanh số bán hàng của VW giảm sút mạnh ở Mỹ và các nước châu Âu trong những tháng tới, điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ công ty mà còn tác động đến cả nền kinh tế Đức. VW bán được hơn 500.000 xe tại thị trường Mỹ vào năm ngoái, chiếm khoảng 6% tổng doanh thu bán hàng toàn cầu với 9,5 triệu xe của mình. Mối quan tâm lớn hơn của chính phủ Đức hiện là các nhà sản xuất xe hơi khác như Daimler và BMW cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng từ vụ bê bối của VW. Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng, chính sự phụ thuộc của kinh tế Đức vào ngành công nghiệp xe hơi sẽ dẫn tới nguy cơ nước này không đạt được mức tăng trưởng 1,8% trong năm nay như dự kiến.
Theo SGGP