Các cường quốc từ lâu đã “âm thầm” chạy đua nghiên cứu và phát triển vũ khí tên lửa thế hệ mới. Tuy nhiên, những bí mật liên quan tới các chương trình vũ khí siêu thanh của các "ông lớn" thế giới gần đây mới được hé lộ.
(Ảnh minh họa vũ khí siêu thanh: Errymath)
Hé lộ dự án…
Vào cuối năm 2013, dự án phát triển hệ thống “Tấn công toàn cầu tức thì” của Mỹ đã được hé lộ. Theo dự án này, Mỹ có thể đưa các vũ khí tầm xa tới bất kỳ nơi nào trên thế giới mà vẫn có thể tránh bay qua các quốc gia thù địch.
Theo đó, “Vũ khí siêu thanh tiên tiến” (AHW) đã được thử nghiệm thành công, phóng từ một căn cứ quân sự ở Hawaii đánh trúng mục tiêu trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương cách đó 3.700km chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút.
Với chương trình này Mỹ có thể tấn công các mục tiêu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng 1 giờ với độ chính xác tuyệt đối và tới Nga chỉ mất 16 phút.
“Tấn công toàn cầu tức thì” là dự án phát triển vũ khí chiến lược đầy tham vọng của Mỹ nhằm mục đích chế tạo các loại vũ khí siêu tốc, mang đầu đạn mạnh, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ trong vòng 30 phút.
Theo giới quan sát một tên lửa đạt Mach 5 (6.125 km/h) được coi là tên lửa “siêu thanh”, vì chúng rất khó phát hiện và bắn chặn bằng hệ thống cảnh giới và vũ khí phòng không của đối phương.
Tên lửa siêu thanh gần như “không thể cản phá”, vì nó có một quỹ đạo bay khó dự đoán hơn các tên lửa đạn đạo thông thường. Nhưng chủ yếu còn vì chúng có tốc độ quá cao, khiến cho việc đánh chặn nó gần như là không tưởng.
Bước nhảy công nghệ…
Theo tờ báo Telegrap (Anh) dẫn lời ông Charlie Brink - người quản lý chương trình X-51A ở căn cứ không quân Wright - Patterson Ohio (Mỹ). “Phóng thử thành công tên lửa siêu âm X-51A Waverider giống như là bước nhảy vọt từ máy bay cánh quạt sang máy bay phản lực sau Thế chiến II”
Chế tạo tên lửa siêu thanh có yêu cầu rất cao về tính cân bằng, tạo sự ổn định khi bay nhanh. Chỉ thêm 1 kg trọng lượng là giảm cự ly hàng trăm km. Giữa các bộ phận cấu thành tên lửa, chỉ cần lệch 1 lượng nhỏ, hoặc lệch trọng tâm là tên lửa mất ổn định, phá vỡ tính cân bằng, dẫn đến mất điều khiển bay.
Các chuyên gia nhận định: “Bay với tốc độ cao hơn cả vận tốc âm thanh, là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất cho các hãng nghiên cứu và chế tạo. Tốc độ càng cao thì tính phức tạp càng lớn, có thể nói là tăng theo cấp số nhân”.
Vật liệu chế tạo cần có độ siêu bền, chịu nhiệt tốt, do cọ xát trong không khí, công nghệ chế tạo yêu cầu hiện đại để bảo đảm tính khí động học, khả năng điều khiển cũng là khó khăn phải vượt qua.
Điều khiển vũ khí siêu thanh trước, trong hành trình và quá trình công phá mục tiêu đòi hỏi chính xác tuyệt đối. Dựa và các hệ định vị vệ tinh nên việc khắc phục sai số trong “ít phút bay” được đặt ra rất cao cho công nghệ dẫn đường…
Quốc hội Mỹ đã thông qua ngân sách chi cho chương trình phát triển tên lửa siêu thanh là: X-51A Waverider, Falcon HTV-2, và AHW, đồng thời bày tỏ lo ngại về lần thử nghiệm thiết bị đẩy siêu thanh mang tên lửa hạt nhân của Trung Quốc hồi đầu năm 2014.
Tên lửa X-51A Waverider có tốc độ 6.438 km/h, gấp 6 lần tốc độ âm thanh; tên lửa Falcon HTV-2, có tốc độ bay 23.000 km/h; tên lửa AHW trong Dự án “tấn công toàn cầu tức thì” có thể bay tới bất kỳ nơi nào trên thế giới mà vẫn không qua các quốc gia thù địch. Tuy nhiên, lần thử nghiệm mới đây nhất, tên lửa này đã phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng.
Về lý thuyết với X-51A Waverider, Falcon HTV-2 và AHW thì bất cứ nơi đâu, và bất cứ lúc nào, các mục tiêu trên thế giới đều có thể nằm trong tầm ngắm của quân đội Mỹ.
Mỹ sẽ sử dụng các loại tên lửa siêu thanh này cho mục đích chiến tranh thì sẽ khó có loại vũ khí nào có khả năng “bắn hạ” chúng. Và các chuyên gia quân sự cho rằng, người ta chỉ còn trông chờ vào Nga có thể làm được điều đó.
Ngày 20/1/2015, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật của Nga là ông Boris Obnosov đã công bố với tạp chí “Defense of Russia” của Nga rằng: Các nhà khoa học Nga đã phát minh ra được công thức nhiên liệu đặc biệt, tạo điều kiện cho các tên lửa siêu thanh của Nga có thể bay nhanh hơn gấp năm lần tốc độ âm thanh. Và các nguyên mẫu đầu tiên sẽ được chế tạo trước năm 2020.
Ngang sức ngang tài...
Theo ông Obnosov, sự phát triển của tên lửa siêu thanh ở Nga và Mỹ hiện ở mức độ tương đương nhau, tuy nhiên, kế hoạch triển khai của Moscow sẽ nhanh chóng biến các Hệ thống phòng thủ tên lửa (BMD) của Mỹ trở nên lỗi thời, thậm chí “quá đát” khi Chương trình chưa hoàn thành.
Được biết, Tập đoàn Tên lửa chiến thuật Nga thành lập từ năm 2002 bao gồm 26 công ty, chủ yếu sản xuất tên lửa và bom dẫn đường. Năm 2014, Tập đoàn này có doanh thu lớn nhất tại Nga, doanh thu tăng tới 118%.
Trung Quốc cũng vừa mới thử nghiệm siêu tên lửa được gọi là Wu-14 khiến các quan chức quốc phòng Mỹ hết sức lo ngại, việc phát triển tên lửa siêu thanh của Trung Quốc đã đưa nước này lọt vào “câu lạc bộ” nghiên cứu siêu tên lửa cùng Mỹ và Nga.
Trung Quốc cũng cho biết tên lửa siêu thanh của họ có thể bắn được cả từ mặt đất, trên không và có thể tiêu diệt mọi mục tiêu trên phạm vi toàn cầu chỉ trong 60 phút.
Tuy nhiên, nhìn chung công nghệ vũ khí siêu thanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn khác nhau, nhất là thiết kế phức tạp và giá thành còn quá cao. Mặc dù vậy, một số nước khác cũng tiết lộ về khả năng nghiên cứu chế tạo vũ khí siêu thành và họ bước đầu cũng đạt được một số tiến bộ như Ấn Độ và Anh Quốc.
Mới đây, một tuyên bố của ông Anatoly Serdyukov, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã gây sự chú ý của giới nghiên cứu rằng: “hệ thống phòng không - vũ trụ Nga (ASD) có thể đánh chặn tất cả các loại tên lửa siêu thanh trên thế giới”. Đó là hệ thống phòng không thế hệ mới nhất S-500 của Nga có khả năng tiêu diệt được vũ khí siêu thanh của Mỹ.
Vì thế, giới nghiên cứu công nghệ quân sự - quốc phòng và dư luận cho rằng, các cường quốc từ lâu đã “âm thầm” chạy đua nghiên cứu và phát triển vũ khí thế hệ mới. Tuy nhiên, trong cuộc đua “vũ khí siêu thanh” hiện nay ai thắng ai câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.
Theo Dân Trí