Nghiên cứu khoa học: Hành trang tốt cho sinh viên

Cập nhật: 16-03-2012 | 00:00:00

Học tập và tích cực sáng tạo, suy nghĩ, tìm kiếm và hoàn thành tốt đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) đối với sinh viên (SV) là một công việc thú vị, nhưng phần đông SV còn rất bỡ ngỡ. Những bỡ ngỡ đó đều được làm sáng tỏ trong một hội thảo hướng dẫn NCKH vừa được tổ chức dành cho SV các trường cao đẳng, đại học (ĐH) trên địa bàn tỉnh.   SV đặt nhiều câu hỏi xoay quanh việc NCKH trong Hội thảo “Hướng dẫn phương pháp NCKH trong SV năm 2012”

Qua tham khảo nhiều SV, tâm lý chung của các bạn NCKH rất là cao siêu, thường dành cho những SV xuất sắc. Những suy nghĩ như vậy làm cho không ít SV muốn nghiên cứu một đề tài hữu ích vẫn không dám thực hiện. Lê Quý, SV năm 1 ngành ngành tài chính - ngân hàng, trường CĐ Việt Nam - Singapore cho biết: “Mình mới bắt đầu học năm đầu tiên nên còn chưa hiểu lắm về NCKH. Theo mình, NCKH đòi hỏi khả năng rất cao và không phải ai cũng có thể làm được”. Phạm Thị Thanh, SV năm 4, ngành xã hội học trường ĐH Bình Dương nói, ban đầu Thanh cũng có tâm trạng như Quý, nhưng được sự động viên của nhà trường và các bạn, Thanh bắt tay vào làm và đam mê lúc nào không hay.

Có nhiều trường hợp, khi đăng ký đề tài và thực hiện được một phần, SV thường lâm vào trình trạng bế tắc, không biết phải làm gì tiếp theo hoặc ngán ngại và lo lắng công trình nghiên cứu của mình có hữu ích hay nguy cơ bị phá sản. Phạm Minh Thành, SV năm 4, ngành xã hội học lý giải: “SV chúng mình thường có rất nhiều khó khăn khi bắt tay vào NCKH, không chỉ do tâm lý mà còn hạn chế về nhiều mặt như việc sắp xếp thời gian sao cho khoa học để vừa học, vừa NCKH, khả năng thu thập thông tin, kinh nghiệm làm việc nhóm, hình thành và phát triển ý tưởng”.

NCKH không dễ nhưng cũng không quá khó. Theo tiến sĩ Trần Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Xã hội học, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, NCKH có nhiều thể loại và mức độ khác nhau. Có loại đề tài sẽ đưa vào ứng dụng trong cuộc sống, nhưng cũng có đề tài chỉ mang tính nghiên cứu, tham khảo và định hướng thiên về các giá trị tư tưởng, tinh thần. “NCKH không khó, miễn SV phải nắm được phương pháp, có ý tưởng và quyết tâm thực hiện là có thể thành công”. Lời khuyên của tiến sĩ Xuyến đối với SV Bình Dương là “Các bạn hãy làm hết sức mình. Hình thành ý tưởng và thực hiện ở mức độ này hay mức độ khác, các bạn sẽ được nhiều hơn mất, ngay cả khi đề tài thất bại, các bạn cũng đóng góp cho khoa học một điều gì đó hữu ích”.

Là SV từng thực hiện 2 đề tài NCKH, Thanh cho biết thêm: “Khi tiến hành NCKH, mình mới bắt đầu khám phá ra nhiều vấn đề hết sức thú vị. Chưa nói đến kết quả đạt được ở mức độ nào nhưng việc cố gắng hoàn thành một đề tài nghiên cứu đã giúp cho mình hình thành tính chủ động trong công việc, kinh nghiệm làm việc nhóm, hoàn thiện bản thân và tự tin hơn hẳn trong công việc”. Thành, SV trường ĐH Bình Dương cũng đã từng nghiên cứu thành công đề tài “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng chi đoàn trường ĐH Bình Dương” chia sẻ: “NCKH cho mình nhiều bài học quý giá để hình thành ý tưởng và triển khai công việc. Đó sẽ là hành trang tốt cho mình trong quá trình học tập và làm việc sau này”.

NGỌC TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=337
Quay lên trên