Bắt đầu từ 1-1-2013, việc thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện có hiệu lực. Hiện nay, Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đang cùng với các đơn vị liên quan gấp rút chuẩn bị cho việc thu, nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện.
Đây là thông tin được thông báo tại cuộc họp triển khai Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ và Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện diễn ra ngày 11-12, tại Hà Nội.
Các phương tiện đi quaTrạm thu phí Đường hầm sông Sài Gòn. Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, hiện Bộ Giao thông - Vận tải đã lên danh sách các trạm thu phí đường bộ sẽ phải xóa bỏ sau khi Quỹ Bảo trì đường bộ chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nếu đến thời điểm việc thu phí bảo trì đường bộ có hiệu lực mà danh sách vẫn chưa được thông qua thì Bộ Giao thông - Vận tải vẫn yêu cầu ngừng thu phí tại các trạm thu phí Nhà nước, quyết không để xảy ra tình trạng "phí chồng phí.
Bộ Giao thông - Vận tải cũng cho biết, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với ôtô, giao Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ, đăng kiểm viên tại các Trung tâm đăng kiểm. Yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm thực hiện việc thu, nộp phí theo đúng hướng dẫn của Thông tư 197/2012/TT-BTC.
Bên cạnh đó, các Trung tâm đăng kiểm phải kiên quyết từ chối đăng kiểm trước kỳ hạn cho các phương tiện cơ giới có thời hạn đăng kiểm dưới một năm để tránh việc chủ phương tiện trốn hoặc trì hoãn việc nộp phí. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương về mức thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy trong thời gian chờ UBND cấp tỉnh, thành quyết định mức thu.
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số tiền phí thu được, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông - Vận tải sẽ ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ. Phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện tuy nộp vào Quỹ Bảo trì đường bộ nhưng được quản lý, sử dụng chặt như đối với khoản thu ngân sách Nhà nước và kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.
Theo thống kế, trên hệ thống quốc lộ và đường cao tốc hiện nay có tổng số 57 trạm thu phí. Theo phân loại của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tại thời điểm hiện nay có 12 trạm nộp ngân sách, 5 trạm trả nợ vay, 5 trạm đang bán quyền thu phí, 29 trạm thu hoàn vốn dự án BOT, 4 trạm thu hỗ trợ vốn dự án BOT, 1 trạm thu để hình thành vốn điều lệ cho CIPM Cửu Long, 1 trạm thu hoàn vốn đường cao tốc.
Theo Đề án Quỹ Bảo trì đường bộ đã được Chính phủ phê duyệt, thì khi Quỹ Bảo trì đường bộ bắt đầu hoạt động, các trạm thu phí đường bộ sẽ được xử lý theo nguyên tắc: Tiếp tục duy trì những trạm thu phí theo hình thức BOT; Xóa bỏ ngay các trạm thu nộp ngân sách nhà nước; Các trạm bán quyền thu phí, các trạm thu phí hoàn vốn theo văn bản số 3170/KTN ngày 25-6-1997 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi thực hiện xong hợp đồng chuyển giao quyền thu phí và hoàn thành việc trả nợ vay, tối đa đến hết năm 2015, sau đó sẽ xóa bỏ.
Theo TTXVN