Người chăn nuôi heo cần tỉnh táo

Cập nhật: 20-03-2012 | 00:00:00

Từ thông tin về các loại hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi heo đã gây ra những bất lợi cho người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh. Không chỉ các chủ trang trại chăn nuôi lớn mà ngay cả những người nuôi heo nhỏ lẻ cũng đang trong tâm trạng thấp thỏm, âu lo!

Người nuôi heo rớt nước mắt!

Bình Dương là một trong những địa phương có số lượng đàn heo lớn và được chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại. Thông tin về những trường hợp người nuôi heo sử dụng hóa chất cấm trong thời gian gần đây đã gây ra những hậu quả lớn đối với người nuôi heo. Bởi chỉ nghe thịt heo có hóa chất cấm là thị trường “giảm nhiệt” và gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là những người nuôi heo. Sức mua thịt heo của thị trường giảm là nguyên nhân kéo giá heo hơi giảm, đó là chưa kể thương lái vin vào cớ này để ép giá người nuôi heo!

 Lực lượng thú y lấy mẫu thức ăn xét nghiệm tại các trại nuôi heo

Nhiều người nuôi heo chân chính đã cho rằng chỉ vì một vài “con sâu” đã làm rầu cả thị trường thịt heo. Hiện nay, giá heo hơi đã giảm xuống ở mức 41.000 - 43.000 đồng/kg. Anh Phạm Công Khải, ngụ ấp Cây Chanh, xã Tân Định, huyện Tân Uyên là một trong những người có thâm niên trong nghề nuôi heo mấy ngày nay đứng ngồi không yên trước thông tin các loại hóa chất cấm sử dụng bị đưa vào thức ăn chăn nuôi được cơ quan chức năng phát hiện. Trang trại nuôi heo của anh được xây dựng khá quy mô và hiện có khoảng 1.400 con heo thịt sắp đến kỳ xuất bán. Nếu thị trường thịt heo “giảm nhiệt”, đồng nghĩa với việc gia đình anh phải gánh lấy thua lỗ! Anh Khải buồn rầu cho biết, chính những hộ nuôi heo sử dụng hóa chất cấm đã làm liên lụy đến những người nuôi heo chân chính. Anh cho biết thương lái vào mua heo lấy lý do thị trường tiêu thụ chậm để ép giá. “Tôi nghĩ cần phải xử lý mạnh tay với những trường hợp vi phạm và cũng phải tuyên truyền để người chăn nuôi không sử dụng các loại hóa chất một cách vô tội vạ như vậy”, anh Khải nói.

Tương tự, ông Phạm Mạnh Cường, ngụ ấp 3, xã Tân Định, huyện Tân Uyên cũng là một chủ trang trại nuôi heo với quy mô lớn đang rất lo lắng vì giá heo hơi rớt liên tục, trong khi đại lý bán thức ăn chăn nuôi thì hối thúc đòi nợ. Ông Cường cho biết: “Những thông tin về việc có hộ sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi khiến chúng tôi bất bình. Nếu đã bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng chuồng trại quy mô lớn như chúng tôi thì không ai dại gì mà đi phá cái sự làm ăn của mình, bởi chúng tôi xác định làm ăn lâu dài. Với những trường hợp vi phạm, theo tôi cần xử lý nghiêm minh nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng trong chăn nuôi”.

Không riêng những chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn gặp khó, mà ngay cả những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đang cùng chung số phận. Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì chủ yếu là “lấy công làm lời”, trước thông tin về thịt heo có tồn dư hóa chất cấm, không bán được heo hay giá heo hơi thấp cũng khiến họ lo lắng không kém. Ông Phạm Văn Bảy, người chăn nuôi heo nhỏ lẻ tại ấp 6, xã An Linh, huyện Phú Giáo, than: “Từ hôm có thông tin heo ăn chất nở mông, bung đùi là heo bị giảm giá liên tục. Tự nhiên mỗi tấn heo hơi bỗng nhiên bị mất 6 - 7 triệu đồng, hỏi ai không lo! Đã vậy, phải là mối quen thương lái mới mua, còn mối lạ thì họ chỉ ậm ừ không mua, có mua thì giá cũng rất rẻ. Mà heo đến lứa không kịp bán sẽ càng thiệt bởi tăng chi phí thức ăn, heo càng lớn giá càng hạ”!

Cần chủ động bảo vệ mình...

Mặc dù Chi cục Thú y tỉnh đã phát hiện và tiến hành xử phạt 2 trường hợp sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhưng theo thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh thì người dân không nên quá lo lắng với các loại thịt heo, vì đây chỉ là 2 trường hợp chăn nuôi nhỏ, số lượng đàn rất ít, không gây ảnh hưởng đến thị trường thịt heo. Hiện số lượng heo của 2 hộ này cũng đã được lực lượng thú y tiến hành kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt. Cùng với đó, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã lập các đoàn kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm tại các trang trại có nghi ngờ sử dụng hóa chất cấm tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Việc kiểm tra, lấy mẫu này là nhằm đưa ra những đánh giá chính xác hơn về thực trạng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Đối với người chăn nuôi heo, vấn đề đặt ra hiện nay là cần hết sức tỉnh táo trước những thông tin cũng như việc sử dụng các loại thuốc, vì có nhiều người sử dụng các loại thuốc thú y mà không biết chính xác công hiệu của loại thuốc đó. Thực tế này chủ yếu rơi vào các trường hợp chăn nuôi heo nhỏ lẻ. Họ chỉ dựa vào các kinh nghiệm tích lũy là chính chứ ít khi được tập huấn, cũng như có rất ít các tài liệu hướng dẫn về chăn nuôi. Việc cho heo ăn thứ gì của những hộ này cũng chủ yếu là theo cảm tính, không nhằm bổ sung các chất dinh dưỡng hợp lý. Khi heo có dấu hiệu bị bệnh, một vài hộ tự mua thuốc về tiêm cho heo, trong khi họ chưa hề qua một khóa đào tạo nào, cũng như chưa hiểu rõ hết các công dụng của loại thuốc mà họ sử dụng. Bà Vũ Thị Hảo, ngụ xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát là một trong những trường hợp như thế và đã bị xử phạt vì sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi. Bà Hảo trần tình: “Đàn heo của tôi bị viêm phổi nên khi nghe nhân viên một công ty thuốc tiếp thị nên mua loại thuốc này về điều trị thì heo sẽ hết bệnh, tôi liền mua về dùng mà không hề biết đó là loại hóa chất cấm sử dụng!”.

Từ trường hợp của bà Hảo cho thấy, việc quản lý các đại lý bán thuốc thú y còn nhiều kẽ hở, mặc dù thời gian qua cơ quan thú y tỉnh cũng đã tiến hành xử phạt nhiều trường hợp bán thuốc thú y ngoài danh mục. Trong khi đó, đa số người nuôi heo, nhất là những người nuôi heo nhỏ lẻ còn thiếu hiểu biết về phương thức nuôi heo an toàn, thiếu các kiến thức chuyên môn nên rất dễ rơi vào tình trạng sử dụng các loại hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi một cách vô tội vạ. Trước tình hình này, người chăn nuôi cần bình tĩnh cập nhật thông tin về giá cả thịt heo một cách thường xuyên để tránh bị thương lái ép giá; cũng như cần tham khảo trước khi sử dụng các loại thuốc cho đàn heo nuôi của gia đình.

ĐÀ BÌNH

Nghị định 08 của Chính phủ quy định, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm chứa chất cấm nguy hiểm sẽ bị xử phạt, thông báo trên báo đài, rút giấy phép kinh doanh 6 tháng, thu hồi và tiêu hủy chất cấm và vật nuôi tang vật. Cơ sở giết mổ phải chịu trách nhiệm chi trả các chi phí này. Còn theo Bộ luật Hình sự, các đối tượng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị xử tù từ 3 - 5 năm. Người sử dụng chất cấm còn bị xử lý hành chính theo mức từ 10 - 40 triệu đồng tùy từng mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=387
Quay lên trên