Sau nhiều thập kỷ chứng kiến sự di dân ồ ạt từ quê lên thành thị, ở châu Âu đang xảy ra hiện tượng đảo chiều: Cư dân bỏ phố về quê do không thể kham nổi chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thành thị.
Đảo ngược dòng chảy
Trước đây, những người dân thành thị châu Âu chỉ xem nông thôn như là nơi để nghỉ dưỡng thì nay vùng đất quê đã trở thành những mảnh đất màu mỡ đem lại cơ hội làm giàu cho chính họ. Trường hợp của ông Dominguez, sau thời gian “chống chọi” tại Madrid (Tây Ban Nha), đã cùng cả gia đình trở về sống tại ngôi làng nhỏ Rioseco de Soria. Với thu nhập từ các mảnh vườn dù chỉ khoảng 1.300 EUR/tháng nhưng ông cảm thấy rất dễ thở. Nói về cuộc sống trước đây tại thành thị, ông Dominguez cho biết trước thời khủng hoảng mọi chuyện thật dễ dàng. Nhưng chỉ vài năm gần đây, cuộc sống gia đình ông rất chật vật khi phải xoay xở trong khoản sinh hoạt phí 520 USD/tháng ngoài tiền thuê nhà. Trở về quê là một quyết định rất táo bạo nhưng ông cho rằng đó là sự thay đổi hợp lý. Con cái ông tuy chỉ học ở một trường địa phương nhưng lại có điều kiện học tập không quá cách biệt so với thành thị. Ngoài giờ học, chúng cùng với cha mẹ xuống nông trại tham gia sản xuất. Cuộc sống gia đình càng trở nên gắn bó.
Thu hoạch rau xanh tại một nông trại ở Tây Ban Nha.
Còn tại khu vực xa xôi nhất của Bồ Đào Nha là Tras-os-Montes, một nhóm cựu dân thành phố có tham vọng lớn hơn. Frederico Lucas đến từ Lisbon để mở một công ty tư vấn có tên New Settlers, nhằm thu hút người dân thành phố trở về nông thôn lập nghiệp. Công ty giúp họ hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, giúp các gia đình tái định cư và hòa nhập với nền kinh tế địa phương, đồng thời cũng giúp họ cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà. Hiện có hơn 1.000 gia đình đăng ký, 32 gia đình đã chuyển đến và sẽ có thêm 30 gia đình nữa gia nhập “khu kinh tế mới” này vào cuối năm nay.
Theo Christian Science Monitor, không chỉ riêng ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, làn sóng người thành thị đổ về nông thôn đang xuất hiện ở hàng loạt quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao như Hy Lạp, Italia… Những người trở về làng như ông Dominguez, Lucas, được địa phương chào đón rất nồng nhiệt. Ngoài việc được mua hoặc thuê những mảnh vườn với giá ưu đãi, họ còn được nhiều chính sách hỗ trợ về chăn nuôi, trồng trọt. Các mảnh vườn nhỏ giờ đây không chỉ giúp người dân chống đỡ khó khăn kinh tế mà còn như liều thuốc tinh thần giúp họ đủ kiên cường để vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Tạo đà cho kinh tế nông thôn
Để thúc đẩy kinh tế nông thôn, Chính phủ Bồ Đào Nha đã khởi động sáng kiến chuyển những vùng đất ruộng chưa sử dụng và đất không rõ chủ sở hữu cho những người có nhu cầu thuê khai thác. Đồng thời, thông qua một cơ chế trao đổi đất mà theo đó các chủ sở hữu đất chưa sử dụng sẽ được ưu đãi thuế nếu họ cho thuê lại đất để canh tác. Dự kiến có khoảng 1,5 triệu ha đất sẽ có thể được cho thuê khai thác theo cơ chế này. Một trong những mục tiêu của cơ chế trao đổi đất còn nhằm tăng thêm diện tích đất canh tác, để vừa tăng năng suất vừa giảm chi phí sản xuất. Chính sách này đánh dấu sự đảo ngược so với chính sách trước đây là tập trung phát triển kinh tế thành thị. Sau khi Bồ Đào Nha gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 1985, tăng trưởng kinh tế chỉ tập trung tại hai thành phố lớn nhất nước là Lisbon và Porto.
Các chính sách ưu đãi về nông thôn cũng được chính phủ các quốc gia khác trong EU ban hành như: Pháp, Italia, Ireland. Các chính sách này bao gồm các khoản cho vốn vay ưu đãi, ưu đãi về thuế sử dụng đất, các địa phương được khuyến khích chủ động trong việc giới thiệu đầu ra cho các sản phẩm nông sản có chất lượng tốt đem lại thu nhập cho những “nông dân mới”.
Đối vối những người chưa muốn rời khỏi thành phố thì cơ chế mới do các chính phủ châu Âu đề ra quả thật rất hấp dẫn. Vì thế, không có gì khó hiểu khi ngày càng có nhiều người quay trở về những vùng nông thôn. Chính những hiện tượng này đã khiến cuộc sống các vùng quê của nông thôn châu Âu trở nên sôi động. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu thì cho rằng đây chính là một cơ hội. Một mặt, nó giúp giảm áp lực đè nặng lên khu vực thành thị đang có tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng cao, mặt khác giúp lấy lại đà phát triển tại khu vực kinh tế nông thôn, vốn từng bị xem nhẹ khi không thu hút nhiều người tham gia trồng trọt, sản xuất.
Trong kế hoạch 5 năm (kết thúc cuối năm nay) EU đã chi khoảng 130 tỷ USD để phát triển kinh tế nông thôn. 18% trong số đó chi cho lĩnh vực phi nông nghiệp, du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng. Số còn lại dùng để đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, các cộng đồng địa phương nông thôn cũng tạo ra các quỹ hỗ trợ của riêng mình đã đạt được mục tiêu quan trọng với chi phí rất ít. Ở Rioseco de Soria, các nhà chức trách đã cải tạo các khu dân cư cũ cho các bác sĩ và giáo viên, vốn bị bỏ hoang, trở thành những khu định cư mới cho những người muốn trở về quê làm việc. Tuy khuyến khích người quay trở về nông thôn nhưng không phải ai cũng được chào đón. Chỉ đối với những người xác định sẽ xây dựng cuộc sống mới và giúp phát triển kinh tế nông thôn, họ mới được địa phương hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa.
Theo SGGP