Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết như thế khi trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương trước tình hình một số hộ trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh thanh lý vườn cây do năng suất thấp, giá mủ xuống thấp. Ông Bình nói:
Theo báo cáo của các địa phương, việc thanh lý vườn cây cao su bán gỗ của một số hộ trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh là có nhưng chủ yếu là thanh lý những vườn cây khai thác lâu năm, năng suất không cao, trồng ở vị trí đất không phù hợp với cây cao su. Bên cạnh đó, do giá mủ cao su thời gian gần đây xuống thấp, một số hộ trồng cao su cũng lo lắng khi có một số hộ dân khác thanh lý vườn cây nên làm theo kiểu phong trào. Về thực chất, chưa xảy ra tình trạng thanh lý vườn cây ồ ạt.
Một số hộ thanh lý vườn cao su năng suất thấp, chuyển sang trồng lại cao su mới hoặc cây trồng khác. Ảnh: H.PHẠM
- Hiện nay mới bước vào đầu mùa khai thác mủ cao su nhưng một số hộ trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh đã thanh lý vườn cây. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, xu thế dùng cao su làm nguyên liệu vẫn tăng nhưng nguồn cung cấp nguyên liệu cao hơn so với nhu cầu dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Chính điều này dẫn đến việc giá mủ cao su giảm. Dự báo, trong thời gian tới, giá mủ cao su sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.
Đối với các vườn cây trước đây chọn giống chưa tốt, năng suất không cao, có thời gian thu hoạch lâu và những vườn cây “chạy theo phong trào” thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích cải tạo, trồng lại mới hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Điều này sẽ bảo đảm được diện tích quy hoạch cây lâu năm của tỉnh và tạo điều kiện cho người dân có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, cây cao su là cây lâu năm nên cần tính toán hiệu quả trên 25 năm, chứ không thể tính toán trong thời gian ngắn được.
- Thưa ông, để bảo đảm có thu nhập trong điều kiện giá mủ xuống thấp như hiện nay, người trồng cao su cần có kế hoạch khai thác như thế nào?
- Không như những cây trồng nông nghiệp khác, cây cao su có chu kỳ trồng và khai thác ít nhất là trong 30 năm, chi phí chăm sóc ít đột biến hơn các cây trồng khác. Do đó, thu nhập từ cây cao su vẫn ổn định hơn nhiều loại cây khác. Nếu tính trung bình năng suất 1,6 - 1,8 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư thì 1 ha cao su cho thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng; khoản lãi này có tính đến việc năm được giá san sẻ, bù trừ cho những năm mất giá.
Hiện tại, do giá mủ còn thấp, thu hoạch chưa bù lại được chi phí đầu tư thì người dân nên tiếp tục chăm sóc, cải tạo vườn cây theo hướng áp dụng các phương pháp, kỹ thuật mới. Chẳng hạn, trước đây người dân thường bón phân vô cơ theo kiểu rải đều khắp vườn cây nhưng hiệu quả không cao vì cao su chỉ hấp thụ được từ 30 - 40%, phần còn lại sẽ bị bốc hơi, oxy hóa; nay áp dụng phương bón phân với khối lượng ít hơn nhưng áp dụng việc đào hố, chôn lấp kỹ thì cây cao su sẽ hấp thụ tốt hơn.
Đồng thời, để giảm chi phí lao động người dân nên áp dụng chế độ cạo D3 (3 ngày cạo 1 lần) hoặc D4 (4 ngày cạo 1 lần). Với chế độ cạo này sẽ giúp cây ổn định tốt về tình trạng sinh lý, tiết kiệm được lớp vỏ nguyên sinh của cây, cho sản lượng ổn định và bền vững. Ngoài ra, còn giúp người trồng giảm mức đầu tư cho vườn cây khai thác, tiết kiệm 25% lao động sử dụng trên đơn vị diện tích cây cạo mủ và đáp ứng với điều kiện giá mủ xuống thấp. Người dân cũng có thể trồng xen canh những loại cây nông nghiệp ngắn ngày như khoai mì, rau màu... với mật độ hợp lý. Đây cũng là một trong những biện pháp “lấy ngắn nuôi dài”.
- Sau khi thanh lý vườn cây cao su, một số hộ sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác và một số sẽ trồng mới lại vườn cây cao su. Trong trường hợp này, theo ông, người dân nên chuyển đổi cây trồng như thế nào để có hiệu quả?
- Khi chuyển đổi sang cây trồng khác ngoài cây cao su, người dân cần phải tính đến bài toán kinh tế khi đầu tư trồng các loại cây nông nghiệp khác. Chẳng hạn, hiện tại đầu tư 1 ha cây có múi như cam, quýt, bưởi... cũng hơn 500 triệu đồng nhưng phải tính đến điều kiện thổ nhưỡng, cơ sở hạ tầng, thị trường tiêu thụ và kỹ thuật canh tác. Vấn đề đặt ra ở đây là việc trồng cây có múi cần phải đầu tư liên tục, ít nhất cũng 3 năm mới cho thu hoạch; cách này chỉ phù hợp với những hộ có nguồn vốn lớn, ổn định.
Đối với các hộ trồng mới lại vườn cây cao su thì nên chọn những giống mới có năng suất cao, kháng bệnh tốt và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Do thời gian từ khi trồng tới khi thu hoạch từ 6 - 7 năm nên người dân có thể áp dụng phương pháp đa canh để tăng nguồn thu. Người dân có thể trồng xen canh các loại cây ngắn ngày khác như khoai mì, rau màu, dưa hấu... hoặc tiến hành giảm diện tích hàng cách hàng, cây cách cây để xây dựng trang trại chăn nuôi nhưng vẫn bảo đảm đúng mật độ cây cao su. Đây cũng là một trong những phương pháp ngành nông nghiệp khuyến khích người dân thực hiện, tăng chăn nuôi trong trồng trọt, bảo đảm nguồn thu trong khi chờ thu hoạch các loại cây dài ngày.
HOÀNG PHẠM (thực hiện)