Người mẹ kiên trung

Cập nhật: 09-09-2014 | 09:56:35

Về ấp 2, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, chúng tôi ghé thăm mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Đạo. Mẹ sinh năm 1935, có chồng và một người con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đạo quê gốc ở xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên. Cuộc đời mẹ ắp đầy những tháng ngày cống hiến, hy sinh cho kháng chiến. Chồng mẹ là liệt sĩ Lê Văn Xơ, sinh năm 1930. Ông Xơ từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng ở huyện Châu Thành cũ. Trong quá trình làm cách mạng, chồng mẹ đã phải nhiều lần thay tên đổi họ nhằm tránh sự nghi ngờ của địch. Chồng mẹ đã anh dũng hy sinh năm 1968 tại Vĩnh Tân. Nhận tin chồng hy sinh, lòng mẹ đau như cắt. Phải một thời gian sau, chờ quân Mỹ rút hết, gia đình mới nhận được thi hài từ cơ sở đưa về. Liệt sĩ Lê Văn Xơ đã được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhì.

Tiếp bước người cha yêu nước, con trai cả của mẹ là anh Lê Văn Cu, sinh năm 1956, lên đường tham gia kháng chiến khi mới 16 tuổi. Anh là du kích trong cơ sở bí mật ở Vĩnh Tân. Gần đến ngày giải phóng, cơ sở mật trong hầm bị lộ, giặc gài mìn, anh Lê Văn Cu hy sinh anh dũng. Liệt sĩ Lê Văn Cu được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng ba.

Bản thân mẹ cũng một lòng theo cách mạng, góp công sức tham gia kháng chiến. Tiễn chồng, con đi chiến đấu, mẹ Nguyễn Thị Đạo ở lại quê nhà Vĩnh Tân, một mặt tần tảo lo cho các con, mặt khác làm hậu cần cho quân ta. Các anh bộ đội đánh giặc trở về, bị thương, mẹ mang cơm nước, thuốc men tiếp tế. Một lần đi tiếp lương thực cho quân ta, qua cánh đồng, mẹ Nguyễn Thị Đạo bị địch phát hiện. Suốt 5 ngày liền, chúng đánh đập, hành hạ mẹ bằng những đòn roi tàn khốc nhằm khai thác thông tin nhưng người mẹ kiên trung nhất quyết không khai báo. Lúc đó, mẹ lại đang nuôi con nhỏ. Trước sự cương quyết của mẹ Đạo, chúng đành thả mẹ về mà không khai thác được bất kỳ thông tin nào. Người mẹ anh hùng không bao giờ đầu hàng, sợ sệt trước sự hung tàn của địch. Sau khi được thả về, mẹ lại tiếp tục nuôi giấu cán bộ, mong ngày giải phóng đến nhanh.

Năm 1996, người con thứ ba của mẹ về xã Tân Lập lập nghiệp, rước mẹ về sinh sống đến nay. Mẹ đang sống trong tình thương yêu, sự hiếu thuận của con. Chị Dương Thị Tuyết, con dâu thứ ba của mẹ chia sẻ: “Công tác đền ơn đáp nghĩa đối với mẹ được chính quyền địa phương quan tâm. Vào những dịp lễ tết, xã thường cử người tới lui, thăm hỏi, tạo điều kiện cho mẹ được đi tham quan nhiều nơi”. Hiện tại, căn bệnh tim - di chứng của những lần tra khảo của giặc năm xưa vẫn còn đó, đeo đẳng người mẹ anh hùng. Thế nhưng, cuộc sống của mẹ giờ đây ngập tràn tình thương bên các con, các cháu, đó là nguồn động lực tinh thần to lớn xoa dịu nỗi đau thể xác của người mẹ dũng cảm năm nào. Các con của mẹ giờ đây đều đã thành đạt, các cháu ngoan ngoãn, chăm học. Căn nhà tình nghĩa của mẹ luôn rộn ràng tiếng cười trẻ thơ, góp phần sưởi ấm trái tim người mẹ anh hùng.

 

 HỒNG NHUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=452
Quay lên trên