“Nhà nội có 2 dịp vui như tết là ngày 30-4 và 27-7 hàng năm. Đó là dịp những cán bộ mà bà nội tôi nuôi giấu ngày xưa ghé thăm. Có nhiều người làm cán bộ lãnh đạo vẫn luôn dành thời gian đến thăm nội. Các chú nói công lao của nội ngày xưa thầm lặng nhưng rất lớn”…
Đó là những lời tâm sự của anh Võ Tấn Đạt, cháu nội của mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hẵng. Mẹ Hẵng, sinh năm 1916 hiện ở tổ 85, khu phố 9, phường Chánh Nghĩa, TP.TDM. Người thân của mẹ cho biết: “Tuổi thiệt của bà nội năm nay đã tròn 100, hồi đó làm giấy tờ khai sụt mất 2 tuổi. Nội nay đã bị lẫn, thỉnh thoảng mới nói vài tiếng. Gần đây nội phải nằm liệt giường chứ không ngồi dậy được”.
Những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gia đình mẹ Trần Thị Hẵng là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, các chiến sĩ từ tỉnh, thành khác về Thủ Dầu Một hoạt động. Vườn nhà mẹ rộng nên mẹ đào hầm nuôi giấu, tiếp tế lương thực cho cán bộ. “Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh”- câu thơ của Dương Hương Ly trong bài “Đất quê ta mênh mông” bất chợt làm chúng tôi nhớ tới khi ngồi chuyện trò bên mẹ. Nay, qua nhiều năm tháng, những căn hầm chở che cho rất nhiều chiến sĩ cách mạng cho đến ngày thống nhất đã đổi thay nhiều, cây cối lên tươi xanh nhưng chiến công của mẹ vẫn còn đó và quả thật lớn lao. Anh Võ Tấn Đạt kể thêm: “Ngày đó cả ông nội và bà nội tôi đều làm công tác nuôi giấu cán bộ. Những ngày ông bà bận việc hoặc tạm lánh khi bị địch theo dõi, các cô chú của tôi lại tiếp tế lương thực cho chiến sĩ cách mạng đang ở dưới hầm. Thế rồi cũng không qua mắt được bọn giặc, năm 1968, cả ông bà nội đều bị bắt và bị tra tấn dã man. Bà nội bị tra tấn bằng roi cá đuối. Bà kể đau lắm nhưng nghiến răng chịu đựng vì khai ra sẽ ảnh hưởng đến tổ chức, sẽ liên lụy rất nhiều người. Những ngày ông bà nội bị bắt, cô Ba của tôi lại bí mật nuôi quân”.
“Bất kể người miền nào, khi đến ở tại hầm bí mật của nội tôi đều được bà chăm nom rất cẩn thận. Nội coi như người thân của gia đình, không chỉ lo ăn uống đầy đủ mà nội còn không ngại hy sinh thân mình vì sự an toàn của các anh, các chú”.
Tình mẫu tử luôn thiêng liêng. Mẹ đã đau đớn tận cùng khi mất đi những đứa con. Hai người con trai của mẹ lên đường tham gia cách mạng hy sinh cách nhau chỉ 1 tháng của năm 1968. Đó là 2 liệt sĩ Võ Văn Quỳ và Võ Quang Thành. Anh Thành là con thứ 8 của mẹ. Anh mất khi chưa có gia đình. 2 cái tang quá lớn, 2 sự mất mát quá lớn trong vòng 1 tháng tưởng như làm mẹ Trần Thị Hẵng gục ngã. Thế nhưng mẹ đã gượng dậy tiếp tục làm cơ sở mật cho cách mạng.
“Mẹ có khó khăn gì, mong muốn gì hãy gọi chúng con nhé”, đó là những lời nhắn nhủ chân tình nhất, ân cần nhất của những người chiến sĩ năm xưa, nay vẫn hỏi han mẹ thường xuyên khi ghé thăm. Ngôi nhà của mẹ giờ như ngôi nhà chung của những người may mắn đi qua cuộc chiến. Và nơi đó, có tấm lòng bao la của người mẹ Việt Nam anh hùng, của người mẹ luôn biết hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
QUỲNH NHƯ