Trong kháng chiến, hai lần mẹ rơi nước mắt khi biết tin con hy sinh. Biến nỗi đau thành sức mạnh, mẹ tiếp tục giúp đỡ cho cách mạng, góp gạo nuôi quân, chuyển lương thực vào vùng kháng chiến. Hòa bình lập lại, mẹ tiếp tục hoàn thành xuất sắc vai trò người mẹ, người bà trong việc giáo dục con cháu thành những công dân tốt. Đó là hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Khéo (SN 1920, ở tổ 1, ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo).
Nhắc về hai người con hy sinh là anh Nguyễn Văn Tài (SN 1941) và Nguyễn Văn Bay (SN 1951), mẹ Khéo trầm buồn. Mẹ hy vọng, chờ đợi ngày tìm thấy hài cốt hai con đem về chôn cất nhưng chưa thực hiện được. Mẹ nói: “Tội thằng Tài, thằng Bay lắm! Chúng nó ngoan, hiền. Khi đang còn ở nhà, chúng giành làm hết những công việc nặng nhọc. Chúng thường nói, mẹ đã sinh chúng con ra đời, nuôi lớn khôn, giờ là lúc báo hiếu”.
Ngược về quá khứ, mẹ kể, anh Tài đi du kích xã Phước Hòa năm 18 tuổi. Ngày được tham gia du kích, anh mừng lắm, anh hứa sẽ đánh giặc thật giỏi, giành lại hòa bình để ba mẹ và các em được sống trong no ấm. Thế nhưng, anh chưa kịp thấy hòa bình đã hy sinh. Anh Tài hy sinh năm 1965 trong lúc đơn vị chiếm lấy Đồn Dinh Điền 4 (xã Vĩnh Hòa, Phú Giáo). Khi quân ta chiếm được đồn, anh Tài quay lại kiểm tra để đơn vị chuẩn bị về đóng quân thì phát hiện còn sót một tên lính ngụy. Hắn rút súng bắn vào bụng anh. Đồng đội nghe tiếng súng quay lại tiêu diệt tên lính và đưa anh về Tân Uyên điều trị. Trên đường từ Phú Giáo về Tân Uyên, anh Tài đã hy sinh. Sau khi anh mất, đồng đội đã chôn cất ngay trên đường đi. Đến nay, gia đình chưa xác định được hài cốt anh ở đâu.
Đối với liệt sĩ Nguyễn Văn Bay, ngày gia đình tiễn anh lên đường đi bộ đội cũng là ngày mẹ Khéo gặp mặt con lần cuối. Con trai út của mẹ Khéo, anh Nguyễn Thành Phương (SN 1965) kể, gia đình chỉ nghe tin anh Bay đi bộ đội ở Chiến khu Đ, chứ không xác định là đóng quân ở đâu. Năm 1969, gia đình nhận được giấy báo tử với vỏn vẹn dòng chữ “Liệt sĩ Nguyễn Văn Bay, chức vụ Tiểu đội trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ”.
Các con hy sinh, chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Đập cũng mất năm 1968 do sức khỏe yếu, mẹ một mình nuôi 5 đứa con thơ. Anh Phương kể tiếp, mẹ anh vất vả từ thời con gái. Sinh ra trong cảnh đất nước bị chiến tranh, mẹ tích cực cày cấy để cùng chị em trong xã Phước Hòa nuôi giấu cán bộ. Lấy chồng, mẹ lại cùng chồng góp gạo nuôi quân. Gia đình mẹ trở thành cơ sở của cách mạng. Ngày anh Tài, anh Bay đi bộ đội, ba bị giặc bắt tra tấn vì có con theo cách mạng. Ông bị chúng giam cầm, đánh đập tàn nhẫn. Không khai thác được gì từ ông, chúng thả ông về với gia đình. Do bị đánh đập, ông mất sức lao động nên mẹ một mình gánh vác việc đồng áng.
Tuy vất vả nhưng mẹ Khéo luôn lạc quan tin tưởng vào tương lai, vào ngày hòa bình. Mẹ nói: “Trong chiến tranh, không chỉ mình mẹ chịu đựng vất vả, mất mát mà còn nhiều bà mẹ khác cũng rơi nước mắt khi các con hy sinh. Thế nhưng, họ vẫn vượt qua tất cả để trọn nghĩa, trọn tình với đất nước. Từ đó, mẹ cố quên đi nỗi buồn riêng để tiếp tục sống, tần tảo nuôi con và cống hiến cho đất nước”.
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xã Phước Hòa Nguyễn Thị Kim Phương: Sau khi mẹ Nguyễn Thị Khéo được nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, các ban ngành, đoàn thể, đoàn viên thanh niên trong xã đã đến tặng quà, mừng cho mẹ. Phía Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa đã tặng mẹ 3 tháng (9, 10, 11) tiền nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời, mỗi tháng 1.150.000 đồng. Những phần quà, lời động viên đã thể hiện sự tri ân của Đảng, chính quyền và xã hội đối với những cống hiến, hy sinh của các mẹ cho cuộc sống hòa bình hôm nay.
THIÊN LÝ