Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Cập nhật: 10-12-2013 | 00:00:00

 Bước vào căn nhà rộng khang trang, nhìn ra vườn cao su rộng 33 ha xanh tốt của gia đình hiện nay, ít ai biết rằng gần 20 năm trước, đây là một khu đất rừng hoang vu và đầy rẫy những hố bom.    Ngoài làm kinh tế giỏi, bà Trần Thị Tư còn là một phụ nữ giàu lòng nhân ái

Khi đến với nhau (năm 1976), hai vợ chồng bà Trần Thị Tư chẳng có gì ngoài tình yêu, sự cảm thông và bàn tay cần cù lao động. Ban đầu hai vợ chồng đều là công nhân Công ty Cao su Phước Hòa. Cuộc sống khó khăn nên ngoài thời gian làm việc ở công ty, hai vợ chồng bà còn tranh thủ trồng lan, nuôi heo rồi chuyển sang nuôi bò, trồng mía để xoay sở sinh hoạt cho 8 nhân khẩu.

Năm 1996, được Công ty Cao su Phước Hòa giao 33 ha đất hoang đầy rẫy những hố bom, cây rừng, gai góc. Nhưng với bàn tay cần cù, chịu khó không bao lâu sau phần đất này đã được vợ chồng bà cải tạo thành vườn cao su xanh tốt. Đến năm 2003, vườn cây cho khai thác mủ. Lúc này, bà bàn với chồng tiếp tục vay vốn ngân hàng để đầu tư một xưởng sơ chế mủ cho con gái quản lý sản xuất. Cũng từ đây, trải qua biết bao thăng trầm khó nhọc, kinh tế gia đình bà Tư dần dần khá lên.

ố tiền bà nợ ngân hàng và bạn bè hỗ trợ lúc đầu được trả hết. Gia đình dần có của ăn của để. Bà Tư cho biết, thời điểm đó, giá mủ cao su có khi lên rất cao, thị trường cao su phát đạt nên đời sống của gia đình cũng ngày được cải thiện đáng kể. Một tháng từ 33 ha cao su cũng cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 9 lao động, thu nhập trung bình mỗi từ 5 - 5,5 triệu đồng/ người/ tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, hàng năm bà Tư còn được biết đến như một “nhà bảo trợ” cho nhiều mảnh đời bất hạnh với những việc làm nghĩa tình, như: tặng quà, chúc tết cho các cụ thọ trên 90 tuổi, cho hội viên người mù và hộ nghèo mỗi năm; trợ cấp tiền, gạo cho gia đình khó khăn và học bổng, tập vở, quần áo cho học sinh nghèo hiếu học; hỗ trợ chi phí xây nhà tình nghĩa... Những trường hợp ốm đau, bệnh tật, khi nghe kể bà không ngại đường sá xa xôi đến tận nơi tìm hiểu và giúp đỡ. Mỗi cảnh đời, mỗi số phận không may đều để lại trong bà những trăn trở.

“Mình một thời lận đận, nay thoát nghèo nên muốn chia sẻ với những người kém may mắn hơn. Nhiều người còn khó khăn không phải do lười lao động hay thiếu ý chí mà họ không có điều kiện để vươn lên”, bà Tư tâm sự.

Từ nhiều năm nay, bà còn nối nhịp cầu nhân ái giữa người thân, bạn bè với những trường hợp cần giúp đỡ. Dù bận rộn làm kinh tế nhưng bà vẫn không quên chăm lo vun đắp mái ấm gia đình, 6 người con của bà đều đã trưởng thành, hiếu thảo.

Gia đình bà nhiều năm liền là gia đình văn hóa tiêu biểu cấp huyện, 2 lần được tỉnh đề cử dự Đại hội Gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc. Bản thân bà được Hội LHPN tỉnh tặng giấy khen vì đã có thành tích trong phong trào vượt khó làm kinh tế giỏi năm 2013, được Trung ương Hội Người mù Việt Nam tặng kỷ niệm chương Vì hạnh phúc người mù năm 2012.

 TÂM BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=405
Quay lên trên