Người Sán Chay ở Tam Lập

Cập nhật: 08-02-2022 | 08:28:30

Từ miền quê Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên), hơn 30 năm trước, sáu anh em ruột dòng họ La của đồng bào Sán Chay vượt hàng ngàn cây số, di cư đến xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, khai hoang lập nghiệp với khát vọng làm giàu bằng sức lao động của mình. Nơi vùng đất mới, sáu anh em dòng họ La giờ đây ai cũng khá giả, hạnh phúc, con cháu sum vầy.

 Ông La Văn Sự, người có uy tín trong cộng đồng người Sán Chay ở xã Tam Lập bên vườn cao su của gia đình

 “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Chúng tôi có dịp được quay trở lại thôn làng của đồng bào Sán Chay ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Từ trung tâm huyện Phú Giáo, chỉ mất khoảng nửa giờ xe máy bon bon ngược lên rẫy của đồng bào nơi đây. Con đường lên đất đỏ bụi mù, hoang vắng năm xưa giờ đã được trải nhựa thênh thang, tít tắp với những dòng xe tấp nập ngược xuôi.

Thuở trước, vùng phía đông của huyện Phú Giáo không có bóng người, không điện sáng, không đường sá mà chỉ có rừng cây hoang dại và thú rừng, tưởng chừng như không ai dám đặt chân đến sinh sống. Sau khi chiến trường miền Nam không còn tiếng súng, đất nước hoàn toàn giải phóng, những người lính đều được trở về đoàn tụ với quê hương, gia đình. Ấy vậy mà trong đoàn quân chiến thắng đó, ông La Văn Bình - người anh trai cả trong dòng họ La của người Sán Chay, đã lựa chọn ở lại vùng “đất lửa anh hùng” để sinh cơ lập nghiệp. Vào những năm đầu 1990, ông Bình biên thư về quê kêu gọi anh em ruột thịt vào đây lập nghiệp, sáu anh chị em của ông Bình cùng để lại ruộng nương cho bà con lối xóm, rời quê hương Thái Nguyên di cư vào đây khai phá rừng hoang, biến vùng đất cằn sỏi đá thành màu mỡ, cho mùa bội thu.

Đi giữa cánh rừng cao su bạt ngàn, xanh ngút tầm mắt trong ánh nắng bình minh, trút những bát mủ cao su tràn trề, trắng xóa cuối cùng vào thùng, trò chuyện với chúng tôi, ông La Văn Sự - người em trai thứ hai của ông La Văn Bình nhớ lại: “Trước khi lên đường rời quê hương để vào đây, nhà tôi còn mỗi con heo tầm vài chục ki lô gam - tài sản duy nhất của gia đình. Vợ tôi gọi thương lái vào bán và dúi hết tiền vào tay tôi để chi phí tàu xe dọc đường…”. Cũng theo ông Bình, những ngày đầu đặt chân đến giữa cánh rừng rậm này không có một bóng nhà dân, mấy anh em ông vào rừng chặt cây dựng nhà, mái lợp bằng cỏ tranh, vách đất ở tạm. Ổn định chỗ ăn chỗ ở xong, ngày ngày anh em ông đi bộ xuống trung tâm huyện tìm việc làm thuê kiếm tiền mua gạo “lấy ngắn nuôi dài”. Cứ ba ngày đi làm thuê rồi nghỉ để vào rừng phát cây, cuốc đất khai phá đồi nương, khi nào hết tiền thì lại tạm dừng lên nương và tiếp tục đi làm thuê. Đêm xuống thì đi săn thú rừng để làm thức ăn sống tạm qua ngày. “Cuộc sống lúc đó khổ sở và thiếu thốn vô cùng. Nhưng anh em chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng đã vượt qua tất cả”, ông Bình tâm sự.

Theo lời ông Bình kể, sau vài năm khai phá, đốt rừng, anh em nhà ông đã mở rộng diện tích đồi nương khoảng chừng hơn 50 mẫu đất bằng đôi bàn tay chai sạn của chính mình. Họ chia đều diện tích đất đã khai phá cho nhau để trồng cây, phát triển kinh tế. Qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ cán bộ nông nghiệp huyện, nhận thấy chất đất và khí hậu ở vùng này rất phù hợp với những loại cây công nghiệp lâu năm, có giá trị kinh tế cao. Anh em dòng họ La đã đồng tình lựa chọn cây cao su và cây điều để phát triển kinh tế. “Sau khi hoàn thành bước khởi đầu “vỡ đất”, anh em chúng tôi lại tiếp tục đi kiếm việc làm thuê để tích cóp tiền, đầu tư mua phân, giống. Làm có tiền đến đâu thì gom lại mua giống về trồng dần đến đó”, ông Bình chia sẻ.

Quả thật, thiên nhiên đã không phụ công người lao động siêng năng, giàu nghị lực vượt qua mọi gian khó. Sau mười năm miệt mài khai hoang lập nghiệp, rừng cao su, rừng điều của bà con đồng bào Sán Chay trên miền đất đỏ xã Tam Lập đâm chồi nảy lộc, xòe tán phủ xanh vùng đất nắng ấm này.

Hồi sinh nơi miền đất mới

Câu chuyện về nghị lực làm giàu của người Sán Chay sinh sống nơi vùng đất này nghe mà cứ ngỡ như trong truyện cổ tích. Cái triết lý “tay làm, hàm nhai” rất đời thường ấy đã nâng đỡ đồng bào Sán Chay vượt qua đói nghèo. Trên nương cây cối bắt đầu sinh trưởng và phát triển, sáu anh em dòng họ La lần lượt đón vợ con vào sinh cơ lập nghiệp. Họ nắm tay nhau lập xóm lập làng, xây dựng cuộc sống mới.

Từ sáu gia đình anh em ruột người Sán Chay, đến nay họ đã có con cháu đông vui, sinh sống tập trung tại cụm dân cư số 4, ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập với 31 hộ gia đình. Trong số đó, nhà nào cũng có kinh tế khá giả, nhà cửa rộng rãi, khang trang mái ngói đỏ tươi, nằm thấp thoáng trong vườn cây ăn trái sum suê, trĩu quả. Giờ đây, bình quân mỗi hộ gia đình anh em dòng họ La ở vùng đất này thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ nguồn thu hoạch mủ cao su và hạt điều. Riêng gia đình ông La Văn Sự, ngoài thu nhập từ nương rẫy, ông Sự còn buôn bán thêm mủ cao su nên kinh tế có phần vững vàng nhất xóm.

 Những ngôi nhà khang trang mái ngói đỏ tươi của đồng bào Sán Chay ở ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo

Ông Sự là người rất lanh lợi, nhiệt tình nên đồng bào trong làng tín nhiệm bầu ông giữ chức sắc Già làng (người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số). Tự hào về những thành quả có được như ngày hôm nay, ông Sự khoe: “Vùng đất này đã cho anh em chúng tôi có cơ hội được đổi đời, con cháu có điều kiện được đến trường. Mấy năm vừa qua, tôi vinh dự được bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước”.

“Đất lành chim đậu”, sau khi làng xóm của người đồng bào Sán Chay được hình thành, những đồng bào anh em khác như Khmer, Kinh từ nơi khác đến đây sinh cơ lập nghiệp đông đúc dần. Làng mạc thôn xóm ngày càng thêm mở rộng, sầm uất. Nhờ được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng khang trang, đạt tiêu chí nông thôn mới văn minh hiện đại. Trên vùng đất này, người Sán Chay, người Khmer và người Kinh sống đan xen hòa quyện, văn hóa, phong tục đã có sự giao thoa. Họ đoàn kết, giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Cây đào từ rừng núi Việt Bắc được ông Sự mang vào trồng trong vườn, nay cánh hoa màu hồng phai đang hé nụ khi mùa xuân đến. Nhấp chén trà xanh dưới ánh nắng chiều trước sân nhà ông Sự, bà Dư Thị Ngoan (người đồng bào Sán Chay), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tam Lập, cũng là con cháu dâu trong dòng họ La, cười vui tâm tình: “Đi xa quê hương đã mấy chục năm rồi nhưng bản sắc văn hóa của đồng bào chúng tôi vẫn giữ nguyên vẹn. Tuy nhiên, nhờ được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều vùng miền, được địa phương tuyên truyền pháp luật, những phong tục, tập quán cổ hủ như tục thách cưới, tảo hôn… người đồng bào chúng tôi đã từ bỏ”.

Mùa xuân đến, đất trời nở hoa. Người Sán Chay thấm cái nghĩa của đất, của người nơi vùng quê mới lại thêm rạo rực tinh thần chung tay gầy dựng. Hơn 30 năm gắn bó, chung tình, quê hương thứ hai Tam Lập, Phú Giáo, Bình Dương đã trở thành máu thịt.

 Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Lập, huyện Phú Giáo: “Người đồng bào Sán Chay ở ấp Đồng Tâm rất chịu khó, tu chí làm ăn nên nhà ai cũng khá giả. Họ luôn chấp hành mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những con đường liên thôn nâng cấp mở rộng, người dân tình nguyện hiến đất, đèn đường chiếu sáng xuống ấp, đồng bào chung tay đóng góp sửa chữa. Mặt khác, đây cũng là vùng đất hội tụ văn hóa đa sắc màu nên địa phương rất quan tâm đến công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số để bà con phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất”.

 THU HƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2044
Quay lên trên