Tự hào người đảng viên 75 năm tuổi Đảng

Cập nhật: 26-01-2022 | 08:47:27

(BDO) Chúng tôi có dịp gặp ông - cụ Nguyễn Văn Thành (tên thật là Nguyễn Văn Quí) tại buổi lễ trao huy hiệu Đảng cho những đảng viên từ 30-75 năm tuổi Đảng do Thị ủy Tân Uyên tổ chức vừa qua. Cụ năm nay đã 75 năm tuổi Đảng, 92 tuổi đời. Khác xa với tưởng tượng của tôi là cụ già lụm khụm, lên sân khấu phải có người dìu.., nhưng không, cụ rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn... 


Cụ Nguyễn Văn Thành (bìa phải) nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng

Đảng viên tuổi 17

Bằng tất cả sự tò mò, tôi đã xin số điện thoại và tìm đến tận nhà của cụ ở khu phố 1, phường Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên. Còn hơn những gì tôi đã thấy. Tiếp tôi bằng nụ sảng khoái của một cụ già miền Nam chính hiệu. 

Cụ cho biết, cụ quê ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, ngày xưa nó thuộc xã Phú Hữu, huyện Châu Thành. Rồi cụ bắt đầu kể vanh vách, chuyện vì sao cụ được kết nạp Đảng khi mới 17 tuổi. 

Năm cụ sinh ra cũng là năm thành lập Đảng (năm 1930). Cụ sinh ra trong một gia đình rất nghèo. Từ nhỏ, cụ đã theo cha mẹ làm thuê kiếm sống. Như nhiều người lầm than thời ấy, cụ không biết chữ. 

Theo trí nhớ của cụ, năm 1947, trên địa bàn ấp Nhì của Phú Hữu có một đồn địch – thực dân Pháp trú đóng. Mà ấp nhì cũng là nơi hoạt động, thường xuyên đi - về, đóng quân của các lực lượng cách mạng ở huyện, chiến khu. Thấy cụ siêng năng, nhanh nhẹn, những cán bộ ở địa phương đã vận động cụ tham gia lực lượng canh gác, được phân công làm Phó Ban Canh gác của xã. Nhiệm vụ là hàng ngày theo dõi tình hình hoạt động của lính Pháp ở xung quanh đồn, rồi thông báo lại cho cán bộ địa phương biết nhằm bảo đảm cho các lực lượng khi đi - về, trú ém quân trên địa bàn an toàn. 

Lúc bấy giờ, trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một, các cơ sở Đảng cũng được xây dựng tương đối đều khắp nhằm tăng cường sự lãnh đạo một cách toàn diện của Đảng bộ đối với cuộc kháng chiến trong tỉnh. Vì vậy, sau một thời tham gia Ban cach gác, thấy cụ làm tốt nhiệm vụ nên Chi bộ xã đã quyết định kết nạp Đảng cho cụ. 

Nói về chuyện kết nạp Đảng khi mới 17 tuổi, cụ kể: “Hồi đó có giấy tờ gì đâu, lại không biết chữ, cứ nghe tía má nói sinh năm đó thì nhiêu tuổi đó nên mình nói theo. Sau này xem lại giấy tờ mới biết, người dân hay tính theo tuổi mụ (mới sinh ra đã chịu 1 tuổi), nên theo giấy tờ thì thiếu mất 1 tuổi”. 

Sau 3 năm tham gia công tác địa phương, cụ chính thức tham gia bộ đội. Khi ấy cụ tròn 20 tuổi. Tuy không biết chữ, nhưng cụ rất tích cực, gan dạ. Tổ chức phân công cái gì, cụ đều hoàn thành và hoàn thành rất tốt, nhất là việc theo dõi, truy bắt những tên biệt kích, gián điệp. Năm 1954, cụ không đi tập kết mà tiếp tục ở lại bám trụ địa bàn. 

Bước sang năm 1960, phong trào Đồng Khởi của nhân dân miền Nam nổ ra, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công mạnh mẽ, liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn. Mỹ quyết định chuyển hướng chiến tranh Việt Nam sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. 

Lúc bấy giờ, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ, các tỉnh bắt đầu sáp nhập, chia tách theo địa giới hành chính của của ngụy quyền Sài Gòn. Theo đó, tỉnh Phước Long cũng được thành lập trên cơ sở tách từ Đồng Xoài lên Bà Rá của tỉnh Biên Hòa. Lúc này, cụ được đặc phái về tỉnh Phước Long làm Đội trưởng Công tác Dân vận, tham gia Huyện ủy viên. Nhiệm vụ của cụ là gặp gỡ, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số theo cách mạng. 

Chính bằng sự nhiệt tình, thấu đáo, cụ đã xây dựng được nhiều cơ sở nơi đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp tích cực cho cách mạng cho đến ngày toàn thắng. 

Cụ già giỏi công tác dân vận

Sau ngày giải phóng, cụ lên vùng đất Vĩnh Tân này, lấy vợ, sinh con. Vợ chồng túc tắc trồng trọt trên mảnh đất cha mẹ để lại. Cuộc sống cứ thế bình yên trôi qua. 


Cụ Nguyễn Văn Thành đang kể về lý do được nhận Huy chương Chiến thắng hạng nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Nhớ lại thời điểm năm 2008, khi Khu công nghiệp Việt Nam - Singapoe II triển khai mở rộng dự án thêm 1.700 ha (được gọi là Khu công nghiệp - Đô thị VSIP Bình Dương), bao gồm 1.000 ha phát triển khu công nghiệp và 700 ha phát triển khu đô thị. 

Theo quy hoạch, toàn bộ khu phố 1 của phường Vĩnh Tân nằm trọn trong khu quy hoạch. Cụ Thành kể lại: “Thời điểm đó, nguyên khu phố 1 này là đất trồng cao su - gọi là “vàng trắng” nên đa số bà con không đồng tình. Chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt đến vận động vẫn chưa được. 

Sau đó, thông qua những buổi sinh hoạt chi bộ, thấy địa phương ở thế khó, nhất là trong việc vận động người dân thực hiện chủ trương của tỉnh. “Đảng viên theo trước, làng nước theo sau”, trên cơ sở xem xét giá đền bù, bố trí tái định cư hợp lý... tui đã nhận. Rồi tui phân tích cho bà con nghe cái hợp tình, hợp lý, khi bàn giao đất cho tỉnh làm dự án. Bởi Bình Dương nhờ thực hiện chủ trương mở rộng khu công nghiệp, phát triển công nghiệp, đời sống người dân mới được nâng lên. Chứ nếu chỉ bám đất, bám làng làm nông nghiệp, trồng hoa màu như mấy đời nay thì liệu giá đất có tăng cao vậy không; con cái có chỗ làm việc ổn định không...”. 

Khi thấy cụ phân tích rành rọt, bà con đồng tình. Và Khu công nghiệp - Đô thị VSIP Bình Dương đã thành hình, mở ra một diện mạo đô thị hoàn toàn mới. Hôm nay, có dịp đi vào phường Vĩnh Tân, mọi người sẽ thấy sự sung túc, người dân có cuộc sống ấm no. 

Không phải những chuyện lớn, đôi khi chuyện nhỏ như tranh chấp đất đai, cây trái khi nhận đền bù... cũng đến tay ông. Bởi như ông nói: Mình lớn tuổi, lại phân tích cái phải, cái hợp lý, hợp tình nên lớp nhỏ nghe theo. 

Theo chân cụ đi tham qua khắp nhà, cụ khoe nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen, từ Huy chương Chiến thắng hạng nhất trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Huân chương Kháng chiến hạng nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến bằng khen, giấy khen các cấp... Nhưng tấm ảnh chân dung đang cười rạng rỡ là cụ thích nhất. Được biết, tấm ảnh này chụp khi cụ vừa nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2013. 

Cụ khoe: “Vừa nhận xong bằng khen là tui chụp tấm hình này. Bằng khen chính là ghi nhận công lao của tui trong việc vận động nhân dân cùng nhau bàn giao đất cho nhà nước để làm dự án. Không phải tui vui vì cái bằng khen, mà vui vì chính mình còn đủ uy tín để được bà con tin tưởng”.

Chia tay ông, một cụ già miền Nam hào sảng, một tấm gương sáng giữa đời thường để thế hệ trẻ noi theo. 

Thu Thảo

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1271
Quay lên trên