Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đến việc làm, thu nhập bị giảm sút và vì hoàn cảnh khó khăn nên nhiều công nhân lao động (CNLĐ) đã chọn ở lại Bình Dương đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thay vì về quê sum vầy bên gia đình như những năm trước. Tết xa nhà nhưng CNLĐ vẫn cảm thấy ấm cúng vì họ đang sống và làm việc trên vúng đất Bình Dương nhân ái, nghĩa tình…
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng quà tết cho gia đình công nhân lao động có người thân tử vong do dịch bệnh Covid-19
Tuy xa mà gần
Trong không khí những ngày cuối năm, đường phố ngập tràn sắc xuân bởi những câu đối đỏ, giỏ quà tết, những cây mai, chậu hoa cúc vàng khoe sắc chào đón mùa xuân mới... khiến cho những người đi làm ăn xa nhà lòng càng xốn xang hơn nỗi niềm về cái tết nơi quê nhà. Năm nay, con đường về quê ăn tết của những người con xa nhà lại dài thêm vì dịch bệnh Covid-19. Tính cả năm nay nữa là năm thứ 4 liên tiếp gia đình chị Nguyễn Thị Hồng, quê tỉnh Nghệ An, công nhân Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TP.Thuận An) không về quê ăn tết. Chi Hồng cho biết vợ chồng chị cùng 2 con, đứa lớn năm nay học lớp 5, còn đứa nhỏ năm nay vừa tròn 4 tuổi; do cuộc sống mưu sinh khó khăn, với thu nhập từ lương hàng tháng cộng lại cũng chỉ khoảng trên 14 triệu đồng. Trong khi, cuộc sống xa nhà nhiều thứ cần chi tiêu, tiền nhà trọ, tiện điện, nước, tiền sữa cho con, tiền học..., bao nhiêu thứ ấy cũng chỉ trông vào tiền lương hàng tháng của 2 vợ chồng. Do vậy, cần làm việc gì phải lên kế hoạch từ trước, ngay cả việc về quê ăn tết cũng không ngoại lệ.
Để chuẩn bị cho chuyến về quê ăn tết cùng gia đình, vợ chồng chị Hồng đã lên kế hoạch nhiều năm qua. 3 năm qua, hàng tháng chị Hồng phải tính toán chắt chiu việc chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, cắt giảm những khoản chi không thật sự cần thiết để tiết kiệm làm lộ phí về quê ăn tết và dự định tết năm nay cả nhà sẽ về quê sum vầy bên gia đình cùng người thân ở quê ăn tết. Tuy nhiên, những dự tính cho chuyến về quê cũng đành gác lại, bởi trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua bùng phát trên diện rộng khiến công ty phải ngưng hoạt động, anh chị nghỉ làm ở nhà nhiều tháng liền, thu nhập bị giảm sút. Mặc dù được sự hỗ trợ về lương thực từ phía chính quyền, tổ chức đoàn thể nhưng cuộc sống của gia đình chị Hồng cũng gặp không ít phần khó khăn nên phải dùng đến số tiền tiết kiệm về quê để chi tiêu. “Những năm trước, vì mưu sinh không có điều kiện về quê, năm nay thì lại dính ngay đợt dịch. Ở lại nhưng tôi vẫn vui vì có sự quan tâm, chăm lo từ phía công ty và công đoàn”, chị Hồng chia sẻ.
Để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, sau giờ tan ca chồng chị Hồng còn tranh thủ chạy mô tô Grab. Anh Mạnh, chồng chị Hồng, làm công nhân ở một công ty trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1, cho biết có những hôm có khách đều đều đi xe, trừ chi phí xăng xe cũng kiếm 200.000 - 300.000 đồng. “Cố gắng tranh thủ cày có thêm đồng ra đồng vào để cuộc sống ổn định hơn, có một cái tết ấm cúng và gửi về quê biếu cha mẹ hai bên sắm tết. Tết năm nay, mặc dù phải xa nhà nhưng gia đình vẫn được “đoàn tụ” với gia đình thông qua sự hỗ trợ của chiếc điện thoại thông minh mang không khí tết quê đến gần hơn”, anh Mạnh chia sẻ.
Cũng chọn ở lại Bình Dương ăn tết thay vì về quê như mọi năm trước vì dịch bệnh, thu nhập sụt giảm nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, quê Kiên Giang, CNLĐ tại Công ty TNHH Shayng Hung Cheng, cho biết chồng làm thợ hồ nên công việc và thu nhập bấp bênh. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, không có việc làm, thu nhập sụt giảm, gia đình phải vay mượn tiền người quen để chi tiêu, chăm lo cho 2 con nhỏ. Mới đi làm lại được mấy tháng, thu nhập từ lương và tiền thưởng tết chỉ giúp anh chị đủ để trang trải nợ nần, ổn định cuộc sống qua tết. “Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn về quê chẳng may dịch bệnh bùng phát rồi bị cách ly phong tỏa không trở lại được công ty làm việc thì khổ. Các tổ chức công đoàn thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã tặng quà tết. Tết này, vợ chồng tôi ở lại Bình Dương, được chăm lo chu đáo cảm thấy ấm lòng và vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ tết quê hơn, hy vọng năm mới mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn...”, chị Ngọc cho hay.
Ấm lòng người ở lại
Theo tìm hiểu của phóng viên, trải qua một năm dịch bệnh đầy khó khăn, Tết Nguyên đán năm nay có khoảng 500.000 lao động, trong đó có 23.950 người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không về quê ở lại Bình Dương đón tết. Hiểu được nỗi lòng của những người lao động xa quê, cấp ủy, chính quyền cùng các ban, ngành đoàn thể cũng như doanh nghiệp đã chung tay góp sức tổ chức nhiều hoạt động chăm lo tết đầy đủ và ấm cúng.
Ông Mai Thanh Tuyền, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, cho biết do dịch bệnh khó khăn, tết năm nay toàn công ty có khoảng 90% CNLĐ trên tổng số hơn 8.000 CNLĐ ở lại Bình Dương. Ngoài chính sách phúc lợi từ phía công ty như lương tháng 13..., công đoàn cơ sở công ty cũng tặng 1 phần quà là thực phẩm thiết yếu có giá trị 300.000 đồng/phần; tặng 160 phần quà cho CNLĐ. Ban giám đốc công ty cũng tặng quà cho CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi phần quà 1 triệu đồng.
Ông Trương Văn Phỉ, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp (KCN) Bến Cát, cho biết tết năm nay có khoảng trên 70% người lao động làm việc trong các KCN ở lại. Ngay từ đầu quý IV- 2021, Công đoàn các KCN Bến Cát đã chủ động xây dựng các hoạt động chăm lo tết cho đoàn viên và CNLĐ thiết thực. Riêng Công đoàn các KCN Bến Cát trao tặng 3.500 suất quà cho đoàn viên và CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất trị giá 500.000 đồng; tổ chức chương trình “Tết sum vầy” cho những trường hợp cán bộ công đoàn cơ sở có hoàn cảnh khó khăn, CNLĐ bị tai nạn lao động...
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: “Các hoạt động chăm lo tết cho đoàn viên, CNLĐ năm nay được các cấp công đoàn tổ chức linh hoạt, quy mô và hình thức phù hợp, bảo đảm tốt công tác chăm lo, thăm hỏi, động viên, tặng quà… cho CNLĐ. Đồng thời, các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi, giải trí, tất niên, tân niên phục vụ đoàn viên, CNLĐ nội bộ tại doanh nghiệp trước trong và sau tết gắn với tổ chức tri ân, cảm ơn CNLĐ sau một năm vất vả, khó khăn nhưng vẫn đồng hành cùng doanh nghiệp. Qua các hoạt động này nhằm kịp thời động viên, sẻ chia bớt phần nào khó khăn cùng đoàn viên và CNLĐ về vật chất cũng như tinh thần để đón một mùa xuân ấm áp tại Bình Dương…”.
Với những nỗ lực từ phía cấp ủy, chính quyền cùng các ban ngành, đoàn thể cũng như doanh nghiệp trong việc chung tay, góp sức tổ chức nhiều hoạt động chăm lo CNLĐ, đặc biệt là những CNLĐ xa quê, có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19... sẽ đón một cái tết xa nhà nhưng thật đầy đủ, ấm cúng, tiếp thêm động lực để CNLĐ gắn bó làm việc lâu dài với doanh nghiệp, với quê hương Bình Dương…
“Liên đoàn Lao động tỉnh đã kiến nghị và được UBND tỉnh hỗ trợ tặng quà cho 23.950 người lao động, mỗi suất có trị giá 500.000 đồng, với tổng số tiền là 11,975 tỷ đồng. Đồng hành tết cùng đoàn viên và CNLĐ, công đoàn tỉnh sẽ nỗ lực dồn sức chăm lo tết với tổng số tiền trên 422 tỷ đồng từ nguồn tài chính tích lũy công đoàn; trong đó tặng quà tết cho 639.000 đoàn viên và CNLĐ, mỗi suất 300.000 đồng với tổng số tiền trên 191 tỷ đồng; hỗ trợ vé tàu xe cho đoàn viên và CNLĐ về quê ăn tết; tặng quà tết cho CNLĐ khó khăn bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, Liên đoàn Lao động tỉnh phát động chương trình “Tết ấm áp cùng gia đình CNLĐ có người thân tử vong do Covid” hiện đang sinh sống tại các khu nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn, ở lại Bình Dương đón tết. Cụ thể, Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ bằng tiền mặt 5 triệu đồng/gia đình; chọn 50 căn phòng trọ gia đình CNLĐ có người thân tử vong vì Covid-19 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để trang trí, dọn dẹp phòng trọ, mua sắm và lắp đặt trang thiết bị gia dụng...”. (Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh) |
ĐỖ TRỌNG