Một lần đến với Lớp học tình thương phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một), hình ảnh “cô giáo” khuyết tật lăn bánh xe đến từng bàn học sinh, rồi lăn chiếc xe ấy lên bục giảng để nắm tay những cô cậu học trò nắn nót từng nét chữ làm chúng tôi thật chạnh lòng. Cũng từ ấy, tôi quyết đi tìm hiểu về em - cô gái khuyết tật Nguyễn Ngọc Như Tú. Vượt qua mặc cảm số phận, Tú đã và đang “thắp sáng” ước mơ chinh phục tri thức của các cô cậu học trò con em lao động khó khăn.
Đôi tay thay đôi chân
Vào một buổi tối cuối tháng 7, tháng của những cơn mưa vội đến và vội đi, cũng là lúc tôi tìm đến Lớp học tình thương phường Phú Lợi để gặp “cô giáo” Nguyễn Ngọc Như Tú. Cũng từ hôm đó, tôi đã chứng kiến cảnh Tú đến lớp với bao khó khăn. Thế nhưng, đó không phải là rào cản để Tú từ bỏ ước mơ được dạy những điều hay, lẽ phải cho các em học trò thân yêu của mình. Vội chống chân chiếc xe máy, mẹ Tú từ từ đưa chiếc xe lăn của em xuống đặt trong lớp học rồi sau đó dìu con gái xuống xe. Dưới cơn mưa tầm tã, đôi tay Tú như mạnh mẽ hơn, nhanh hơn để đưa cơ thể em vào trong lớp học. Ổn định cơ thể trên chiếc xe lăn, Tú bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của người “đưa đò” cho những học sinh đặc biệt nơi đây. Nhìn cử chỉ nhẹ nhàng dành cho các em tôi chợt buồn và giá như, ước gì… em lành lặn như bao người bình thường khác thì có lẽ sẽ dễ dàng hơn để em làm công việc thiện nguyện này.
“Cô giáo” khuyết tật Như Tú đang giảng bài cho các em tại lớp học
Trước cảnh tượng đó, tôi đặt câu hỏi với mẹ Tú, tại sao chị không cõng con vào lớp? Mẹ Tú - chị Cam Ngọc Nga trả lời: “Ngay từ nhỏ, Tú không muốn ai phụ mình làm những việc gì mình có thể làm được. Chính vì vậy, chị để con tự lập. Như vậy, con sẽ tự lo được cho bản thân, tránh tâm lý ỷ lại vào người khác”.
Ngắt quãng một vài phút giảng bài của mình, tôi được Tú kể cho nghe về hoàn cảnh của em. Em năm nay 21 tuổi, bị tật bẩm sinh với phần thân dưới tê liệt, hiện đang sống với ba mẹ và em trai tại khu phố 2, phường Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một). Mẹ em hiện là giáo viên mầm non, ba làm rẫy tại Phú Giáo. Sau khi học xong lớp 12, em không chọn con đường học đại học, cao đẳng mà xin học nghề tại Trung tâm dạy nghề người khuyết tật (NKT) tỉnh. Vốn yêu công nghệ thông tin nên em đã chọn học về ngành này với mong muốn đóng góp một phần vào sự phát triển cho thời cách mạng công nghiệp 4.0. Khi hỏi về bản thân em với cơ thể khiếm khuyết những tưởng sẽ làm cho cô gái 21 tuổi này buồn, mặc cảm, thế nhưng em đáp lại tôi với nụ cười hiền lành, cộng với sự tự tin của bản thân. Trong suốt 12 năm học, em lúc nào cũng cố gắng đạt thành tích tốt nhất, với kết quả cao để ba mẹ vui lòng. Lúc học nghề em cũng được xét là học viên giỏi. Về phía mình, em tích cực tham gia các hoạt động của trường, của xã hội từ khi còn “dùi mài kinh sử” đến khi “sải cánh vào đời”. Riêng về phía gia đình, em phụ ba mẹ làm mọi việc có thể bằng chính đôi tay lành lặn của mình. Em không hoàn toàn phụ thuộc vào chiếc xe lăn mà dùng sức mạnh đôi tay nâng cơ thể đến những nơi mình muốn.
Những học trò đặc biệt
Tạm ngưng nói về bản thân, Tú quay sang với các em học trò đặc biệt của mình. Các em đặc biệt ở chỗ đều là con em lao động từ các tỉnh đến Bình Dương lập nghiệp. Cuộc sống gia đình khó khăn, hoặc quá tuổi đến trường nên theo học tại lớp học tình thương này. Hơn 2 năm gắn bó với lớp, ngoài những tiết học, em còn là người bạn, người chị của những cô, cậu học trò. Chính vì vậy, em nắm rất rõ hoàn cảnh đáng thương của các em và luôn sẵn sàng chia sẻ, động viên. Chỉ tay về phía 2 em ngồi góc lớp, Tú cho biết đó là em Lê Thị Cẩm Tiên và Lê Thị Cẩm Ngân, 2 chị em đang học lớp 2, lớp 3 (theo cách phân cấp trình độ trong lớp học tình thương). Ba các em mất, để lại cho mẹ gánh nặng trong việc nuôi dạy 3 chị em Tiên nên người. Hầu hết thời gian trong ngày, mẹ các em lo làm ít có thời gian cho các con. Nhiều lúc, Tiên, Ngân buồn tủi, cảm thấy bị bỏ rơi nhưng Tú đã động viên để các em hiểu được vất vả của mẹ. Cũng nhờ đó, các em thương mẹ hơn và cố gắng giúp mẹ làm việc nhà để mẹ yên tâm lo công việc nơi kho xưởng.
Hay em Lê Văn Lên, năm nay 12 tuổi, đang theo học lớp 3. Ba mẹ em người làm công nhân, người phụ hồ tại TP.Mới Bình Dương để nuôi 2 anh em Lên khôn lớn. Cuộc sống quá vất vả, hàng ngày em phụ ba mẹ kiếm thêm thu nhập bằng cách bán vé số. Mặc dù đã 12 tuổi nhưng có lẽ cuộc sống kham khổ trông em như cậu bé mới chỉ lên 8, lên 9 với làn da đen nhẽm. Kể về các em, tôi thoáng thấy ánh mắt Tú đượm buồn. Tú nói: “Các em ở đây, mỗi em một hoàn cảnh nhưng đều chung ước mơ đó là được đến trường, được đi học như các bạn đồng trang lứa. Nhưng khó lắm chị à! Khó ở chỗ, ba mẹ các em di chuyển chỗ ở liên tục, các em phải theo ba mẹ nên phải bỏ học giữa chừng. Mặt khác, nhiều em học giỏi nhưng lớn tuổi không xin vào trường học được”. Dù thế nào 25 học trò đặc biệt của “cô giáo” Tú, của 8 “giáo viên” khác đang đứng lớp tại Lớp học tình thương Phú Lợi vẫn cố gắng miệt mài “chinh phục” con chữ, bài toán khó.
Như Tú hướng dẫn học trò của mình “chinh phục” con chữ
Trước sự nhẹ nhàng, dịu dàng của Tú, một “cô giáo” đặc biệt, các em học trò trong lớp đều dành cho Tú những tình cảm rất yêu thương, kính mến. Đó là những cái ôm khi giải xong bài toán khó, cái nắm tay lúc tạm chia tay ra về… Đây là những điều làm chúng tôi xúc động về hình ảnh cô - trò quá đỗi yêu thương. “Con học cô Tú được 2 năm. Cô rất hiền lành, nhẹ nhàng với chúng con. Với những bài toán khó, chữ khó đọc cô hướng dẫn tận tình, tìm cách giải dễ nhất để truyền đạt cho chúng con. Con luôn mong ước cô khỏe mạnh để tiếp tục truyền dạy cho chúng con”, em Lê Thị Cẩm Tiên bộc bạch.
Trước tình cảm của các em dành cho mình, đáp lại Tú đã dành trọn tình yêu thương các em. Tú hứa dù sau này có bận rộn như thế nào em vẫn sẽ đến lớp đều đặn, vẫn sẽ gắn bó với các em học sinh của lớp học đặc biệt này. Từ những hiểu biết của mình, Tú truyền đạt giúp các em lớn khôn, trưởng thành và trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Ước mơ của Tú
Học xong tin học, Tú đang chờ xin việc tại các công ty, đơn vị. Và hiện nay, Tú đã nộp hồ sơ ở một số nơi, đang chờ công ty liên lạc sắp xếp việc. Mặc dù thời gian chờ đợi được xét tuyển khá lâu nhưng Tú không bao giờ có suy nghĩ nản chí. Tú luôn khẳng định, bản thân đã nỗ lực học tập và với kiến thức của mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cho dù trong lúc công tác, Tú gặp nhiều khó khăn trong di chuyển nhưng em đã sống, đã học tập suốt 21 năm qua thì đó không là vấn đề rào cản của bước chân mình. Cái cần ở đây là liệu các doanh nghiệp, đơn vị nơi em nộp hồ sơ có tiếp nhận cô nhân viên như Tú hay không? “Mặc dù xã hội đã quan tâm, tạo điều kiện cho NKT chúng em được học nghề nhưng để xin việc là một quá trình nan giải. Nhiều đơn vị họ tiếp nhận nhưng còn e ngại năng lực NKT. Chính vì vậy, em mơ ước tất cả những NKT được tạo cơ hội để trải nghiệm công việc với ngành nghề mình học, được các đơn vị, công ty tiếp nhận. Hãy cho chúng em một cơ hội thử sức, chúng em tự tin mình sẽ làm tốt”, Tú tâm sự.
Nói đến ước mơ của Tú, tôi cũng chợt nhớ ra đó cũng là tâm sự của rất nhiều học viên tại Trung tâm dạy nghề NKT tỉnh ở những buổi tổng kết năm học, trao giấy chứng nhận tốt nghiệp. Các em hạnh phúc khi được trung tâm công nhận là học viên giỏi, xuất sắc… Nhưng với tấm giấy chứng nhận đó xã hội vẫn chưa cho các em thật nhiều cơ hội để cọ xát. Chính vì vậy, sau khi học nghề, một số em vẫn chưa có công việc ổn định. Điều đó sẽ đi ngược với phương châm, nhiệm vụ “Giúp NKT hòa nhập cộng đồng”, “Giúp NKT từ bỏ tự tin, mặc cảm”, hay để NKT thấy mình “tàn nhưng không phế”…
Anh Đặng Văn Dư, phụ trách Lớp học tình thương phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, nhận xét: Tú là người nhiệt tình với công việc giảng dạy cho các em học sinh. Đi lại khó khăn nhưng ngày nào em cũng nhờ mẹ chở đến lớp để truyền đạt kiến thức cho các em. Nhửng bữa trời mưa gió, nhìn hình ảnh cô giáo Tú với chiếc xe lăn người ướt sũng bước vào lớp mà ai cũng thương. Không những tham gia dạy học, Tú còn tích cực với việc tổ chức hoạt động vui chơi cho các em ở lớp học này. Tú là tấm gương sáng về nghị lực để các bạn trẻ noi theo, học tập.
THIÊN LÝ