Đó là cụm từ mà anh Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Panko Vina (KCN Mỹ Phước 1, TX.Bến Cát) rất xứng đáng được tôn vinh. Bởi, không chỉ luôn là người “đứng mũi chịu sào” để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ), mà anh đã thật sự trở thành người bạn đồng hành, luôn hiểu NLĐ cần gì, muốn gì...
Bếp ăn - chuyện nhỏ mà không nhỏ
Chia sẻ với chúng tôi về những kỷ niệm buồn, vui, sau hơn 10 năm làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở của Công ty Panko Vina (KCN Mỹ Phước 1, TX.Bến Cát), những tưởng anh Nguyễn Thanh Hoàng sẽ kể về những chuyến du lịch Nha Trang, Đà Lạt có tới 5.000 - 7.000 công nhân đăng ký tham gia; hay những thỏa ước lao động tập thể có nhiều điều có lợi hơn cho NLĐ mà các cấp công đoàn đang đẩy mạnh thực hiện với mong muốn ngày càng có nhiều quyền lợi tốt hơn cho NLĐ. Nhưng anh làm tôi bất ngờ. Câu chuyện đầu tiên mà anh nhắc đến lại là cái bếp ăn.
Rồi như quay ngược về chuyện của mười mấy năm trước, anh Hoàng trầm tư: “Lúc trước mình cứ nghĩ đơn giản, cứ khoán cho công ty ngoài chuyên lo bữa ăn công nhân, bởi họ chuyên nghiệp hơn, phục vụ tốt hơn. Cứ nghĩ bữa ăn nhiều tiền, cộng với việc giám sát chặt chẽ từ công đoàn, Ban Giám đốc thì chất lượng sẽ tốt hơn. Công ty lo chuyện sản xuất, kinh doanh, gánh thêm chuyện ăn uống sợ không bảo đảm. Cứ tưởng vậy sẽ tốt. Ai ngờ, hết năm này lại đến năm khác, đổi hết công ty thầu nấu ăn này đến công ty thầu nấu ăn khác mà tình trạng công nhân bỏ bữa vẫn diễn ra. Công nhân cứ than thở, bếp nay nấu không ăn được. Rồi nào là đồ ăn cứ loay xoay mãi những món đó...”. Không thể kéo dài mãi tình trạng này, vì cứ vậy sao công nhân có đủ sức khỏe làm việc. Bao tháng ngày trăn trở, cuối cùng anh Hoàng mạnh dạn đề xuất với Ban Giám đốc để công đoàn đứng ra lo vụ nhà bếp. Giá tiền mỗi bữa ăn vẫn như cũ, không xin tăng. Thấy hợp lý, Ban Giám đốc gật đầu cái “rụp” với một cam kết: Làm phải được việc, không để công nhân lại phản ánh chuyện bếp ăn.
Ông Võ Văn Minh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng khen cho anh Nguyễn Thanh Hoàng tại hội nghị tuyên dương 90 cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu năm 2019
Vậy là Công ty Panko Vina bắt đầu tuyển đầu bếp, người phục vụ... Giờ ăn, anh em công nhân phụ nhau một tay... Và bữa cơm đã khác, thực phẩm bảo đảm tươi sống, đầy đủ dinh dưỡng. Anh Nguyễn Thanh Hoàng khoe: “Giờ không chỉ công nhân trong công ty mà nhiều đối tác khi đến làm việc, ăn cơm cùng công nhân họ đều khen cơm ngon, sạch sẽ”.
“Giữ chân” người lao động
Tại Công ty Panko Vina, câu chuyện nhiều công nhân trở thành cán bộ quản lý đã không còn xa lạ. Từ những lao động phổ thông khi mới được tuyển dụng, giờ đây họ đã trở thành xưởng trưởng, chuyền trưởng, tổ trưởng tổ sản xuất hoặc các vị trí quan trọng trong công ty. Đây chính là đội ngũ NLĐ có tay nghề chuyên môn nghiệp vụ cao, đóng góp tích cực cho sự phát triển của công ty. Lại một câu chuyện thú vị được đặt ra: Ở các công ty chuyên về may mặc thì công nhân lương thấp, “nhảy việc” diễn ra như cơm bữa. Trong khi đó, Công ty Panko Vina (KCN Mỹ Phước, Bến Cát) chuyên về dệt, nhuộm, may khép kín của Hàn Quốc, với hàng trăm dây chuyền sản xuất thì quan hệ lao động ở doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi những va chạm. Vậy đâu là cách để Công ty Panko Vina “giữ chân” NLĐ?
Anh Nguyễn Thanh Hoàng chia sẻ: “Ngày tôi làm Chủ tịch công đoàn, tôi đề xuất với Ban Giám đốc rằng: Công ty Panko Vina cần 10.000 công nhân. Nếu lương công ty trả cho NLĐ không nằm trong top đầu của khu công nghiệp thì chắc chắn sẽ không “giữ chân” được NLĐ. Vì vậy, công ty luôn bảo đảm thu nhập cho NLĐ nằm ở top đầu của KCN Mỹ Phước I. Mơ ước của hầu hết NLĐ là được làm việc ở một môi trường an toàn, phù hợp, có thu nhập ổn định và có nhiều chế độ phúc lợi tốt. Khi công ty đáp ứng điều đó, NLĐ sẽ yên tâm sản xuất và không còn nhảy việc”.
“Điện thoại luôn ở chế độ mở 24/24”
Anh Nguyễn Thanh Hoàng khẳng định chắc nịch như thế. Điện thoại của người cán bộ công đoàn phải ở chế độ mở 24/24 để kịp thời lắng nghe ý kiến, cũng như tâm tư tình cảm của công nhân. Anh nói: “Tôi vừa là Chủ tịch công đoàn, vừa là Phó Tổng quản lý sản xuất nên có nhiều thuận lợi trong hoạt động công đoàn. Là công ty có đông công nhân, trong khi trình độ lao động của đa số công nhân may không cao. Nhiều người chỉ mới biết đọc biết viết. Lao động thì ở nhiều nơi khác đến nên chuyện mâu thuẫn, hay “đại bàng” o ép công nhân không phải là chuyện hiếm. Vì vậy, tôi phải kịp thời lắng nghe, chấn chỉnh...”. Cũng theo anh Hoàng, ngoài ra, cứ 3 tháng/lần, Công đoàn công ty phối hợp với Ban Giám đốc đối thoại với NLĐ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Từ đó, công đoàn sẽ kịp thời đề xuất với Ban Giám đốc để có giải pháp tháo gỡ, góp phần từng bước xây dựng mối quan hệ lao động ngày càng hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Trải qua hơn 10 năm trực tiếp làm Chủ tịch công đoàn của một công ty có 100% vốn nước ngoài, anh Hoàng đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Với anh, điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công mọi hoạt động của tổ chức công đoàn chính là cán bộ công đoàn cơ sở phải làm việc từ cái “tâm” của chính bản thân mình, lo cái lo của NLĐ và vui vì cái vui của NLĐ. Người cán bộ công đoàn phải gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để xây dựng niềm tin, sự ủng hộ từ số đông công nhân. Với mọi vấn đề cần nhìn nhận và đánh giá khách quan, chính xác về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đưa ra những nội dung thương lượng phù hợp.
Anh Hoàng chia sẻ: “Tránh việc đòi hỏi quá nhiều điều vô lý trong nội dung thương lượng, gây ra tâm lý tiêu cực giữa hai bên trong quá trình thương lượng. Không được đấu tranh một chiều, không nên chăm bẵm vào quyền lợi của một bên mà phải quan tâm đến cả lợi ích, nguyện vọng chính đáng của công ty, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên, xây dựng môi trường lao động ổn định, bền vững và lâu dài...”.
Để thu hút NLĐ làm việc và gắn bó lâu dài, Công đoàn Công ty Panko Vina đã chủ động tham mưu, đề xuất với Ban Giám đốc các chế độ phúc lợi cho NLĐ. Cụ thể, công ty đã xây dựng các lốc nhà ở khang trang để hỗ trợ NLĐ về nhà trọ. Hàng năm, công đoàn phối hợp với Ban Giám đốc công ty tổ chức “Ngày hội công nhân viên Panko Vina”, cùng các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức tham quan du lịch cho NLĐ… Các ngày lễ, tết, công ty và công đoàn đều có những phần quà cho NLĐ. Các hoạt động này không chỉ góp phần chăm lo đời sống tinh thần cho NLĐ mà qua đó tạo sự gần gũi, đoàn kết, gắn bó giữa NLĐ với nhau, NLĐ với cán bộ quản lý, từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
|
THU THẢO