Vượt lên số phận

Cập nhật: 07-08-2019 | 09:41:42

Với cánh tay phải không lành lặn, chị cố gắng vươn lên làm tốt công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi mẹ già. Giờ đây, khi tuổi tác đang ngày một cao, sức khỏe dần giảm đi nhưng chị vẫn cố gắng, miệt mài với công việc để mưu sinh.


Hàng ngày, chị Châu miệt mài với công việc của mình tại Công ty Gốm mỹ nghệ xuất khẩu An Hòa.
Ảnh: TIỂU MY

Vượt qua gian khó

Đó là chị Hồ Kim Châu, (sinh năm 1972), ngụ phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên. Chị sinh ra cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng lên 5 tuổi khối u quái ác đã lấy đi một nửa cánh tay phải của chị. Chị tâm tình, hơn 8 tuổi chị mới được đến trường và phải cố gắng hơn nhiều so với bạn bè cùng lứa, “để học lấy cái chữ, hiểu lấy đạo làm người” như mong muốn của mẹ.

Biết mình không lành lặn, nên chị luôn nỗ lực học tập để đạt kết quả tốt, để làm được những việc như bạn bè cùng trang lứa. Đến 18 tuổi, thấy gia đình còn nhiều khó khăn chị xin làm nghề gốm để có tiền phụ giúp gia đình, lo cho cuộc sống bản thân. Từ đó, chị gắn bó với nghề gốm.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Huy Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty Gốm mỹ nghệ xuất khẩu An Hòa, nói: Chị Châu rất cố gắng, nỗ lực. Tuy chỉ còn cánh tay trái nhưng công đoạn nào của nghề chị cũng làm được. Chị lại rất chăm chỉ, rất ít khi chị nghỉ việc. Biết hoàn cảnh của gia đình chị, công ty luôn tạo điều kiện để chị có việc lo cho mẹ già…

Chị kể, những năm 90 của thế kỷ trước ở quê chị (Tân Phước Khánh) nghề gốm rất phát triển. Khi xin vào học nghề gốm ở quê, chủ lò tỏ ra nghi ngại vì nghĩ chị không đủ sức khỏe, tâm lực để làm việc khi chị chỉ còn một cánh tay rưỡi. Rồi chị thuyết phục, hứa với chủ lò sẽ làm được, kết quả chị được chủ lò nhận vào học.

“Mình không may mắn như người khác thì phải nỗ lực gấp nhiều lần. Mình phải gắng hết sức để có một cái nghề ổn định”, chị Châu chia sẻ. Và từ đó, cả tuổi trẻ chị dành hết với nghề gốm. Sự cố gắng của chị đã được đền đáp khi chỉ một năm sau chị đã làm được những sản phẩm như bao người lành lặn khác làm. Những chủ lò chị làm đều hài lòng với sự cần mẫn, nỗ lực của chị. Và cứ thế, mỗi ngày chị nỗ lực thêm. Ban đầu chị chỉ làm những công đoạn nhỏ, sau đó chị vừa làm vừa học hỏi, cố gắng để học được tất cả công đoạn trong làm gốm từ đúc, tráng men đến chấm màu… “Làm được nhiều công đoạn cũng để mình phòng thân, vì sẽ có lúc công việc mình đang làm dôi dư người, khi đó mình sẽ xin qua công đoạn khác làm mà không phải học lại từ đầu”, chị Châu nói.

Chị Châu cố gắng trong công việc không chỉ để khẳng định bản thân mà còn là sự chuẩn bị cho tương lai của mình. Chị lo cũng là lẽ đương nhiên khi ngoài thân mình ra chị còn lo cho mẹ già năm nay đã 75 tuổi, lại mắc chứng rối loạn tiền đình đau yếu quanh năm. Chị nói rằng, có mẹ là động lực vô bờ bến để chị bước tiếp, cố gắng hàng ngày. Nhiều năm nay, mỗi ngày chị thức dậy từ 3 giờ sáng, chuẩn bị cơm nước cho mẹ cả ngày, giặt giũ quần áo vì “cái gì mình cũng chậm hơn người ta nên mình phải dậy sớm”, chị nói vui. Gần 30 năm qua, đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày chị đi bộ hơn 2km để làm việc, rồi trở về nhà lo cho mẹ, lo bữa ăn tối. Tất cả niềm vui, hạnh phúc chị đều dành cho mẹ.

Sự nỗ lực đáng trân quý

Chị cho hay, những năm cuối của thập niên đầu thế kỷ 21, nghề gốm bắt đầu thoái trào nên việc làm của thợ gốm không còn thường xuyên như trước; nhiều thợ đã xin vào làm tại các công ty, xí nghiệp. Chị một lần nữa lại đối diện với khó khăn vì chị không lành lặn nên khó xin làm việc tại các công ty. Thấy vậy, chị tự nhủ phải bám lấy nghề gốm, nỗ lực làm thật giỏi để đến lúc nào đó các công ty gốm thấy được và nhận chị vào làm.

Quả đúng như mong muốn của chị, Công ty Gốm mỹ nghệ xuất khẩu An Hòa (phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên) đã nhận chị vào làm, rồi chị gắn bó với công ty bao năm nay. Nhờ công việc ổn định, chị có tiền (dù không nhiều - từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng) lo cho bản thân và mẹ già.

Chị Châu tâm tình, mẹ đã già, điều chị lo nhất là nếu mẹ ra đi sẽ để lại bao hụt hẫng cho mình. Biết là quy luật của tạo hóa khi không ai tránh khỏi vòng sinh tử nhưng mỗi lần nhìn bóng mẹ già lòng chị như thắt lại. Mỗi ngày, chị luôn dậy thật sớm để có thể lo cho mẹ chu toàn thêm chút nữa như níu kéo thực tại.

Khi tôi hỏi sao chị không kiếm lấy đứa con cho tuổi già đỡ cô quạnh, chị ngại ngùng khi nhắc chuyện chồng con. “Tôi cũng thèm lắm tiếng cười của con trẻ, nhưng nghĩ thân mình không lành lặn có ai thèm để ý đến. Bao nhiêu năm nay tôi không có một buổi tụ tập cùng bạn bè, phần vì bận rộn mưu sinh, phần vì mặc cảm bản thân tôi rất ít khi liên lạc bạn bè, riết rồi… quen luôn. Hơn 10 năm trước, tôi cũng thoáng nghĩ đến chuyện kiếm đứa con cho tuổi già đỡ cô quạnh nhưng tôi biết tìm đâu ra… Hơn thế nữa, nhà có hai mẹ con, sinh con ra làm sao đủ sức lo cho con, cho mẹ. Các anh tôi cũng đông con, gia cảnh cũng khó khăn thì đâu hỗ trợ được gì. Thôi thì tới đâu hay tới đó, cô ơi”, chị nói mà nước mắt trào ra.

Vừa chuyện trò với tôi, chị vẫn miệt mài làm việc. Nhìn cánh tay phải chỉ còn một nửa của chị cố hết sức đỡ lấy cái bình hoa sứ khiến tôi khâm phục chị. Cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều thứ để lo, nhất là khi sức chị mỗi ngày yếu đi theo tuổi tác… nhưng sẽ là buồn hơn khi chợt nghĩ đến ngày chị chẳng còn gì để cố gắng…


Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng chị Châu vẫn luôn tự tin làm được những việc như bao người lành lặn.
 Ảnh: TIỂU MY

Chị nói rằng, có mẹ là động lực vô bờ bến để chị bước tiếp, cố gắng hàng ngày. Nhiều năm nay, mỗi ngày chị thức dậy từ 3 giờ sáng, chuẩn bị cơm nước cho mẹ cả ngày, giặt giũ quần áo vì “cái gì mình cũng chậm hơn người ta nên mình phải dậy sớm”, chị nói vui. Gần 30 năm qua, đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày chị đi bộ hơn 2km để làm việc, rồi trở về nhà lo cho mẹ, lo bữa ăn tối. Tất cả niềm vui, hạnh phúc chị đều dành cho mẹ.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=668
Quay lên trên