Người tiêu dùng cần được thông tin đầy đủ hơn

Cập nhật: 28-03-2012 | 00:00:00

Sau thông tin thịt heo siêu nạc ở Đồng Nai có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, người tiêu dùng (NTD) tỏ ra lo lắng mỗi khi ra chợ. Tuy nhiên, đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi. Vấn đề ở đây là làm sao ổn định được tâm lý NTD. Để ổn định tâm lý cho NTD, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc kiểm tra các cơ sở chăn nuôi... Các gian hàng thịt heo ở chợ Bình Điềm khá vắng khách

Thạc sĩ Lê Thị Thu Hà, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, phân tích: Cách dễ nhận biết nhất đối với thịt siêu nạc do hóa chất đó là màu thịt đỏ sậm, nạc gần như dính vào da, khi sờ lên bề mặt có cảm giác như ứ nước bên trong, trên da có thể xuất hiện đốm đỏ. Trong khi đó, thịt heo giống siêu nạc nuôi theo kỹ thuật thông thường sẽ có màu hồng tươi, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều, khi chế biến có mùi thơm, không bị ra nước”.

NTD vẫn còn lo lắng

Tâm lý hầu hết của NTD đều rất hoang mang trước thông tin thịt heo có chất tạo nạc. Nếu như trước đây, mấy bà nội trợ tiện đâu mua đó thì nay họ tìm nguồn thực phẩm an toàn hơn. Bà Hoa, một cán bộ nghỉ hưu ở phường Phú Cường, TX.TDM nói: “Tôi không phải là NTD khó tính nên lâu nay thường mua thịt heo của các sạp ở chợ Thủ. Thường tôi chỉ biết chọn thịt tươi, ngon là mua và tất nhiên cũng như nhiều người, tôi ngán mỡ, thích nạc! Tuy nhiên, sau khi biết thông tin về thịt heo không an toàn như truyền thông lâu nay đưa tin tôi không dám mua ở chợ nữa. Tôi chọn mua thịt heo tại cửa hàng Vissan trên đường Thích Quảng Đức hay tại các siêu thị tại TX.TDM...”.

Hầu như, NTD không còn cách lựa chọn nào khác nên họ rất mong các ngành chức năng có cách nào bảo vệ quyền lợi NTD. Mong hơn nữa là những người chăn nuôi đừng hám lợi để không “đầu độc” người mua bằng những chất cấm sử dụng trong chăn nuôi như thế!

Nguồn hàng trong đó có thịt heo về các chợ truyền thống vẫn rất nhiều, chiếm hơn 70% hàng hóa ra chợ. Và đa số NTD cũng chọn cách đi chợ truyền thống bởi vừa thuận tiện vừa rẻ. Về phía các tiểu thương, nhiều người cho rằng họ cũng vô can bởi mình lấy thịt heo có dấu kiểm dịch hẳn hoi còn chất lượng thế nào ai biết được. Một chị bán thịt heo ở chợ Thủ Dầu Một mà chúng tôi quen mua hơn chục năm nay cho biết sức mua thịt heo cũng như giá bán ra tại sạp của chị mấy ngày qua vẫn bình thường. Bởi đa số chị bán cho mối quen và chị cũng là người “làm ăn uy tín, chị lấy thịt heo có dấu kiểm dịch hẳn hoi chứ không mua hàng trôi nổi bên ngoài”. Tuy nhiên, không phải sạp thịt heo nào cũng được như vậy. Theo ghi nhận của phóng viên tại chợ Bình Điềm, các sạp bán thịt heo có phần hơi vắng khách. Tại sạp thịt heo của chị Lan bình thường khách lúc nào cũng đông vì chị bán giá lẻ theo giá bỏ mối, nhưng sau thông tin trên lượng khách đến có phần hơi chững lại. Chị Lan cho biết: “Từ bữa nghe thông tin trên, khách đến mua thịt heo ở đây có ít hơn thấy rõ. Thịt heo mình nhập về đều có dấu thú y đầy đủ, nhưng tâm lý người mua bao giờ cũng vậy, nghe thông tin gì là nghi ngờ cái đó. Lúc nào mua cũng hỏi thịt có an toàn không, hay là thịt heo có chất tạo nạc đây...”.

Để NTD an tâm

Để phân biệt được đâu là thịt heo an toàn, đâu là thịt heo không an toàn, từ NTD đến các tiểu thương đều khó mà biết được. NTD thì chỉ chọn nơi quen biết, tin tưởng để mua. Còn tiểu thương buôn bán đàng hoàng thì chọn nguồn hàng nhập về có nguồn gốc, có dấu kiểm dịch của thú y để bán cho khách. Vì thế, để ổn định tâm lý cho NTD, ngành chức năng đã vào cuộc kiểm tra.  Thịt heo bày bán ở chợ Thủ

Thịt heo chứa chất tạo nạc bị phát hiện trong thời gian qua chủ yếu là 2 chất Clenbuterol và Salbutamol. Chất Clenbuterol và Salbutamol thuộc họ Beta - agonist, là một trong những chất dùng trong chăn nuôi. Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Khi ăn thịt heo có chứa chất Salbutamol, lượng Salbutamol tồn dư trong thịt bao nhiêu sẽ được cơ thể người hấp thu bấy nhiêu. Còn chất Clenbuterol là chất độc giúp tăng trọng gia súc, nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Đây là hoạt chất kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, làm tăng lượng thịt nạc và đẩy nhanh việc phân giải mỡ, giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng. Việc ăn phải thịt heo chứa chất Clenbuterol về lâu dài có thể gây biến chứng ung thư, gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người. Tại Việt Nam, Clenbuterol và Salbutamol đã bị cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, hiện nay, Bình Dương có khoảng 200 trang trại chăn nuôi. Ông Khang cho biết: “Qua khảo sát thực tế tại các trang trại này, chúng tôi đã phát hiện 2 cơ sở chăn nuôi heo có sử dụng chất cấm Salbutamol trong thức ăn. So với mặt bằng chung tỷ lệ này khá nhỏ, chỉ là một số ít người đã cố tình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan. Vừa qua chúng tôi lại tổ chức đoàn đi kiểm tra, đối với những cơ sở chăn nuôi có dấu hiệu nghi ngờ có sử dụng chất cấm đều được lấy mẫu về thử, trong tuần này sẽ có kết quả. Nếu cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử phạt 25 triệu đồng”.

Cũng theo ông Khang, NTD không nên hoang mang vì trong thời gian qua, nhiều công ty, nhiều cơ sở chăn nuôi ở trên địa bàn tỉnh đã nhập về những giống heo siêu nạc (bản thân nó vốn là giống heo siêu nạc chứ không phải giống cao sản, không cần phải sử dụng chất cấm để tạo nạc). Người chăn nuôi chỉ cần áp dụng đúng các biện pháp chăn nuôi theo hướng dẫn thì đàn heo sẽ có tỷ lệ nạc rất cao. Trong chăn nuôi có 3 khâu đó là giống, thức ăn và thú y. Nếu thực hiện tốt 3 vấn đề này thì chất lượng thịt bán ra thị trường sẽ được bảo đảm. Việc xuất hiện thịt heo siêu nạc có sử dụng chất cấm trong thời gian qua là do những nơi khác chưa đầu tư về con giống. Còn ở Bình Dương, đã có giống heo siêu nạc, thịt heo bán ra thị trường cũng được kiểm tra chặt chẽ nên NTD yên tâm.

Vì thế, khi ra chợ NTD nên chọn mua thịt heo bình thường nếu miếng thịt đó có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi, mùi bình thường. Đối với những miếng thịt không được tươi, lúc ôi có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, không bóng, màng ngoài nhớt... thì không nên mua. Nếu miếng thịt sờ vào thấy nhão, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra xung quanh miếng thịt, chắc rằng miếng thịt đó có chứa chất kích thích. Vì thế, các bà nội trợ hãy là NTD thông minh để bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình.

Ông Phan Tấn Lân, Trưởng ban Quản lý chợ Thủ Dầu Một: “Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe NTD cũng là bảo vệ thương hiệu cho mình”

Theo tôi, người chăn nuôi chân chính, có lương tâm và trách nhiệm, có sự quan tâm đến việc phát triển nghề nghiệp của mình sẽ không ai sử dụng chất tạo nạc hay những thứ thuốc kích thích khác đã bị cấm. Bởi, bao nhiêu tiền của bỏ vào chuồng trại, con giống với mong muốn ngày càng mở rộng trang trại, phát triển việc làm ăn của mình thì họ không làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” này được. Một khi sự việc bị phát giác, coi như sự nghiệp cũng tiêu tan luôn nên họ phải làm ăn đàng hoàng. Lo là lo những hộ làm ăn kiểu nhỏ lẻ thôi. Chất tạo nạc, chất kích thích được sử dụng để “thúc” vào giai đoạn 1 - 2 tháng trước khi bán heo thịt. Thế nên, nếu làm nghiêm, không ai sử dụng chất độc hại này thì sau một thời gian, thị trường sẽ có thịt heo sạch. Theo tôi, muốn thế phải làm từ gốc. Thứ nhất quản lý từ khâu mua bán thuốc thú y. Thứ hai là tăng cường công tác kiểm tra giữa các ngành thú y, quản lý chợ, y tế... Thứ ba là nâng cao ý thức người chăn nuôi và người mua cũng cần học làm NTD thông minh, biết lựa chọn thực phẩm an toàn, mua thực phẩm ở những nơi làm ăn uy tín.

Q.N  (ghi)

Q.NHƯ - H.THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=332
Quay lên trên