Chuyện kể của cha tôi
Vào khoảng đầu năm 1970, sau giờ làm việc, tôi trở về nhà, thấy cha tôi đang loay hoay bên chiếc máy quay đĩa " Tuổi trẻ" do Liên Xô sản xuất. Vào thời đó, để được phép sử dụng một chiếc máy quay đĩa trong gia đình là một việc rất khó khăn. Một người bạn của cha tôi đang học ở Nga, vì thương cha tôi là một nhạc sĩ mà không có nổi một chiếc máy nghe nhạc nên đã gửi tặng. Mẹ tôi phải mất rất nhiều thời gian chạy các loại thủ tục giấy tờ mới lấy được máy về cho cha tôi.
Bác Hồ với thiếu nhi các dân tộc Việt Bắc, 1960. Ảnh: Tư liệu.
Thấy tôi về, cha tôi bảo: "Nhà xuất bản Âm nhạc vừa tặng bố cái đĩa "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" do chú Nguyễn Đình Tấn phối khí, chú Quý Dương hát. Ngồi xuống đây, hai bố con cùng nghe”.
Hai cha con tôi lặng đi khi giọng hát ấm áp và trong trẻo của nghệ sĩ Quý Dương vang lên cùng dàn nhạc tràn ngập căn gác nhỏ:
"Người về đem tới ngày vui
Mùa thu nắng cỏ Ba Đình
Với tiếng Người còn dịu dàng
như tiếng đất trời.
Người về đem tới xuân đời
Từ đất nước cằn, từ bùn lầy
Cả cuộc đời bừng lên…"
Nghe xong bài hát, cha tôi vẫn trầm ngâm thả hồn trong tĩnh lặng… Mãi sau, ông mới bừng tỉnh và bảo tôi: "Quý Dương hát tốt quá, chất giọng đẹp, mượt mà sang trọng. Khó có người hát bài này được như chú ấy. Phần phối khí cho dàn nhạc của chú Nguyễn Đình Tấn rất hay và có khả năng phát triển thành một bản giao hưởng hợp xướng lớn. Bố có làm chắc cũng không hay bằng chú ấy".
Tôi hỏi cha tôi: "Có rất nhiều bài hát viết ca ngợi Bác, cảm xúc của bố khi sáng tác bài này thế nào? Bố đã được trực tiếp gặp Bác lần nào chưa? Cha tôi trầm ngâm giây lát rồi tợp một ngụm rượu nhỏ. Động thái này tôi thường thấy trước khi ông muốn tâm sự một điều gì đó. Ông ngẩng đầu lên nhìn tôi với ánh mắt trầm ngâm: "Bố có hai lần được tiếp xúc trực tiếp với Bác. Lần thứ nhất là ngày lễ khai trương "Tuần lễ vàng" vào khoảng trung tuần tháng 9-1945 tại Nhà hát Lớn. Bác đứng trên bậc thềm nhà hát để đón khách.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đón bố lên giới thiệu bố với Bác. Ông cụ bắt tay bố, nhìn thẳng vào mặt bố với ánh mắt chăm chú. Bất chợt Bác buông tay bố, quay người nhanh nhẹn đi xuống thềm nhà hát khi thấy ôtô của một nhà tư sản vừa tới. Cửa xe bật mở, một người phụ nữ ăn mặc sang trọng, lịch sự bước ra. Bác tươi cười bắt tay nhà tư sản: "Ô!... Bôngdua Mađam", rồi lịch sự đón người phụ nữ đó lên thềm đưa vào nhà hát…”.
Cha tôi tủm tỉm cười. Ông lấy điếu cày thong thả rít một hơi rồi từ từ nhả khói. Đôi mắt bất động, ẩn hiện trong làn khói thuốc lan tỏa như một màn sương lãng đãng bồng bềnh trôi. Khói thuốc tan đi, khuôn mặt cha tôi sáng lên trở về với thực tại.
Ông chậm rãi tiếp tục câu chuyện: "Không lâu sau đó, có một người gợi ý khuyên bố nên viết một bài hát ca ngợi Bác. Bố được mời lên Bắc Bộ Phủ để gặp Bác. Bố được dẫn lên phòng làm việc của Bác trên tầng hai. Một căn phòng rất rộng có ban công trông ra Vườn hoa Con cóc. Bác đang làm việc với hai ông Trần Huy Liệu và Tố Hữu…
Khoảng 11giờ trưa, bỗng có nhiều tiếng ồn ào của trẻ nhỏ từ ngoài đường vọng lên, kèm theo tiếng hô: "Bác Hồ muôn năm…!". Bác đứng bật dậy hỏi: "Có chuyện gì thế?". Đồng chí Tố Hữu nói: "Dạ thưa Bác, có đoàn các cháu thiếu nhi diễu hành chào mừng Bác… đề nghị Bác ra cho các cháu được nhìn thấy Bác". Bác vội vã cùng mọi người đi ra ban công.
Nhìn thấy Bác, cả đoàn diễu hành của hàng vài trăm các cháu thiếu nhi Hà Nội đứng trước cổng Bắc Bộ Phủ, mồ hôi nhễ nhại dưới cái nắng buổi trưa reo hò và hô vang: "Bác Hồ muôn năm…!". Bác tươi cười vẫy tay và hỏi: "Ai có cái sáng kiến này đấy?". Đồng chí Tố Hữu nhanh miệng: "Thưa Bác, cháu chỉ đạo bên Thanh niên đứng ra tổ chức đấy ạ". Bác vẫn tươi cười vẫy tay, miệng nói: "Chú nghĩ thế nào mà lại hành hạ các cháu giữa trời nắng như thế này. Chú nhìn xem, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại trên mặt các cháu thế kia, về nhà các cháu lăn ra ốm thì chú tính sao? Chú muốn… làm cho Bác vui nhưng lại làm tội các cháu thì Bác có thể vui được sao?...".
Một lúc sau, đợi cho đoàn thiếu nhi giải tán rồi Bác mới quay vào với nét mặt không vui. Bác bảo mọi người về cho Bác nghỉ… và thế là, bố cũng không được Bác tiếp…
“Sau Tổng tuyển cử, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức chọn bài "Tiến Quân Ca" làm Quốc ca, nhiều người đến chúc mừng bố và cũng có người khuyên bố sáng tác một bài hát ca ngợi Bác. Nhưng thời gian ấy bố không làm được vì bố chưa thật hiểu về Bác. Bác là một người làm chính trị giỏi rồi trở thành một lãnh tụ. Con cũng biết đấy, bố cần phải có thời gian…".
Như một bản thánh ca
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Văn Cao cùng giới văn nghệ sĩ rời Thủ đô lên Việt Bắc kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 10-1947, đang công tác tại nhà in báo Độc Lập ở thị trấn Me, Lập Thạch, Vĩnh Yên, Văn Cao được lệnh lên Việt Bắc làm báo Văn Nghệ.
Tháng 3-1948, số báo Văn Nghệ đầu tiên do Văn Cao trình bày ra đời, bài "Trường ca Sông Lô" do ông sáng tác trên đường lên Việt Bắc đã được in trong số báo Văn Nghệ này. Nhiệm vụ chính của văn nghệ sĩ trong giai đoạn này là phải có những sáng tác kịp thời phục vụ chính trị, phục vụ kháng chiến. Công việc làm báo khiến Văn Cao phải đi lại khắp nơi nắm bắt tình hình, thu thập tư liệu để sáng tác.
Chiến dịch Thu Đông 1948 Văn Cao trực tiếp tham gia chiến đấu trong đội ngũ của Tiểu đoàn Lũng Vài. Sau chiến dịch, bài hát "Tiểu đoàn Lũng Vài" đã được ông sáng tác kịp thời cho bộ đội. Tiếp xúc với họ, Văn Cao mới thấy được hết tinh thần chiến đấu dũng cảm, không ngại hy sinh, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ. Họ đã chiến đấu để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc theo lời kêu gọi của Bác. Họ tin Bác, yêu Bác. Họ tự hào được làm một người lính Cụ Hồ.
Văn Cao đã chứng kiến có những người lính bị thương phải cưa chân trong tình trạng không có thuốc mê. Anh lính trẻ mới 18 tuổi ấy chỉ xin được nhìn tấm hình của Bác trong lúc các bác sĩ cưa chân mình… Văn Cao cũng đã thấy tấm lòng của đồng bào các dân tộc Việt Bắc sẵn sàng nhường cơm, xẻ áo đùm bọc, cưu mang cán bộ, bộ đội. Đối với họ, Bác là một người Cha già. Lối sống giản dị, đồng cam chịu khổ cùng bộ đội cùng nhân dân của Bác đã khiến tất cả mọi người tin yêu và kính trọng. Không có Bác, đất nước này, dân tộc này không có độc lập…
Văn Cao đã hiểu… Cần phải viết về Bác, đó là trách nhiệm của một người cầm bút. Nhưng phải viết như thế nào đây? Ca ngợi một con người, một vị lãnh tụ, một người Cha già của dân tộc không dễ như hô khẩu hiệu. Những ý nghĩ ấy cứ trăn trở trong đầu Văn Cao những tháng ngày sau đó…
Và rồi, một ngày đầu tháng 5-1949, trên đường đi công tác, Văn Cao gặp một đơn vị bộ đội đang đi làm nhiệm vụ. Ông chợt nghe thấy lời nói của một người lính: "Trận này chúng mình phải đánh thắng thật giòn giã để lập thành tích mừng Ngày sinh nhật Bác". Câu nói của người lính đã nhắc Văn Cao nhớ đến ý tưởng sáng tác bài hát về Bác. Bất chợt những hình ảnh của ngày mồng 2-9-1945 hiện về trong đầu Văn Cao. Hàng vạn người dân Hà Nội hân hoan vui mừng trước một rừng cờ đỏ sao vàng, dưới ánh nắng rực rỡ mùa thu, lắng nghe giọng nói ấm áp của Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong đầu Văn Cao chợt vọng lên những nét nhạc nối tiếp nhau như một dòng chảy: “Người về đem tới ngày vui/ Mùa thu nắng cỏ Ba Đình/ Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời/ Người về đem tới xuân đời/ Từ đất nước cằn, từ bùn lầy cả cuộc đời bừng lên”... Văn Cao nhẩm đi nhẩm lại giai điệu đó của bài hát. Ông cảm thấy hài lòng vì giai điệu mở đầu của bài hát thật là đẹp…
Trở về nhà, Văn Cao lấy cây đàn ghi ta ghi lại những nét nhạc của phần mở đầu bài hát. Từ những giai điệu đó, những nét nhạc tiếp sau hòa quyện với những ca từ giản dị, cô đọng, đậm chất văn học, trào dâng như những đợt sóng nối nhau cuồn cuộn:
...“Bao công nhân tiền phong, đưa nhân dân vùng lên
Nhân dân theo từng bước Cha già, Hòa bình vui ngàn năm
Cụ Hồ Chí Minh, ánh dương vào trong ngục tù
Tay công nhân của thế giới mới lên…
Cụ Hồ Chí Minh, ý muôn người trong một người
Tên quê hương hồn đất nước Bắc Nam
Cụ Hồ Chí Minh, đế quốc tan tành hết
Trước sức dân trào cuốn
Vinh quang nhân dân Việt Nam”.
"Ca ngợi Hồ Chủ tịch" được Văn Cao sáng tác bằng cả tâm huyết của mình trong những ngày tháng 5-1949. Bài hát đã nhanh chóng tỏa ra đi vào tâm thức của mọi người trong cuộc kháng chiến trường kỳ. "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" là một trong những tác phẩm điển hình của Văn Cao và là một trong những tác phẩm hay nhất viết về Bác.
"Ca ngợi Hồ Chủ tịch" là một tác phẩm âm nhạc đẹp và sang trọng như một bản thánh ca.
Theo CAND