Học đi đôi với hành, đào tạo gắn với nhu cầu và sự phát triển của xã hội, đó là mục tiêu đào tạo của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trong giai đoạn hiện nay. Điều đó không chỉ giúp người học thích ứng với công việc ngay sau khi ra trường, mà còn tăng thêm uy tín của nhà trường với xã hội khi giải quyết được đầu ra cho sinh viên.
Cùng bắt tay nhau
Xác định tầm quan trọng trong đào tạo, hiện nay các trường ĐH, CĐ, TCCN duy trì nề nếp giảng dạy, học tập, hiệu quả đào tạo; đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bổ sung lại chương trình cho phù hợp với các ngành mà doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng, đáp ứng được các nhu cầu đào tạo nhân lực kỹ thuật cho tỉnh.
Sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một thường xuyên được thực hành, thực tập
Theo thời gian, hoạt động gắn kết giữa nhà trường và DN trong đào tạo ngày càng rõ nét hơn. Có nhiều hình thức phối hợp giữa 2 bên, mà phổ biến nhất là đưa sinh viên đến DN thực hành, thực tập để làm quen với công việc mà các em sẽ gắn bó lâu dài. Ngoài ra, trường còn mời DN đến tư vấn cho sinh viên biết ngoài chuyên môn các em còn cần trang bị những kỹ năng cần thiết, tác phong làm việc để đáp ứng yêu cầu công việc. Nếu như mối quan hệ này chặt chẽ thì đôi bên cùng có lợi và tăng cơ hội việc làm cho sinh viên. Nhà trường giải quyết được đầu ra cho sinh viên sau tốt nghiệp, còn DN tuyển được nguồn lao động đúng với yêu cầu đã đặt ra. Từ những hoạt động này, tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm, hoặc DN không tuyển dụng được nhân lực theo yêu cầu đã dần dần rút ngắn.
Nhận định về hoạt động này, ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo đánh giá, các nhà trường đã tăng cường liên kết với các cơ quan, DN rà soát lại chương trình, nội dung đào tạo theo hướng tiếp cận với nhu cầu người sử dụng. Mối liên kết này là điều kiện tốt để các em được thực hành, thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp, nâng cao từng bước nhiệm vụ đào tạo đáp ứng được nhu cầu xã hội, kéo gần khoảng cách giữa nhà trường với DN. Về phía sở đã phối hợp với các trường ĐH, CĐ, TCCN và các DN trong tỉnh tổ chức hội thảo “đào tạo theo nhu cầu xã hội”, qua đó xây dựng được mô hình 3 nhà: “Nhà nước - Nhà trường - Nhà DN” trong việc đào tạo và cung ứng nguồn lao động có kỹ thuật nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu của các DN.
Sinh viên được cọ xát với thực tế
Mối quan hệ giữa nhà trường và DN ngày càng mật thiết, thì sinh viên có cơ hội làm quen, cọ xát thực tế với công việc các em đang theo học. Trong chương trình đào tạo, các trường chuyên nghiệp, ĐH đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ với DN để tăng thời gian thực hành cho sinh viên. Với trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, đến nay trường đã thiết lập mối quan hệ với hơn 100 DN, qua đó nhà trường đã định hướng được đào tạo theo hướng ứng dụng, đồng thời điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp. Cũng qua mối quan hệ này nhà trường nắm được thông tin biến động nhu cầu thị trường lao động, nhằm điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch đào tạo phù hợp nhu cầu thực tế của xã hội. Từ hoạt động này giúp cho sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 91,5% đối với ĐH và 92,18% đối với CĐ.
Với trường ĐH Thủ Dầu Một, hoạt động này càng được đẩy mạnh hơn. Ngoài được đào tạo chuyên môn, sinh viên còn được đào tạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng xã hội, bồi dưỡng nghiệp vụ, góp phần đáp ứng chuẩn đầu ra và nhu cầu học tập của xã hội. Nội dung đào tạo cập nhật theo các chương trình tiên tiến và dự báo nhu cầu của thị trường lao động; chuẩn đầu ra bảo đảm chuẩn chất lượng giáo dục, chuẩn quốc gia…
Thật sự nhà trường và DN không thể tách rời nhau trong hoạt động đào tạo. Bởi nhà trường cung cấp cho DN nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, còn DN muốn có đội ngũ chất lượng cao, mà không phải đào tạo lại người lao động, thì cần gắn kết chặt chẽ với nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay việc sinh viên được thực tập ở DN vẫn còn những khó khăn nhất định. Nhiều em đến kỳ thực tập cứ mãi loay hoay, vì không tìm được nơi thực tập, với những DN lớn các em càng khó được tiếp cận. Do đó, nhà trường và DN cần có những cái bắt tay thật chặt, để nhà trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao cho xã hội.
A.SÁNG