“Ngoại giao tầm nhìn toàn cầu” là một trong những khẩu hiệu ngoại giao quan trọng mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra kể từ khi quay lại cầm quyền năm 2012. Tính đến cuối năm 2019, ông Abe đã công du hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham dự hơn 180 hội nghị quốc tế bao gồm cả những hội nghị do Nhật Bản chủ trì để thúc đẩy chiến lược này.
Phạm vi của “ngoại giao tầm nhìn toàn cầu” do Thủ tướng Abe đưa ra bao trùm khắp thế giới, với phương hướng hợp tác trọng điểm là dựa vào liên minh Mỹ - Nhật, tăng cường quan hệ Nhật Bản - EU và cuối cùng là xây dựng một mạng lưới chiến lược kinh tế và an ninh Nhật Bản - Mỹ - EU. Trên nền tảng phát triển quan hệ kinh tế với EU, Nhật Bản nỗ lực xây dựng quan hệ an ninh với NATO. Trong nhiệm kỳ đầu tiên năm 2007, ông Abe đã có chuyến thăm trụ sở NATO tại Bỉ.
Năm 2018, Nhật Bản thành lập văn phòng đại diện tại trụ sở của NATO, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cử đại sứ thường trực tại tổ chức này, các quan chức Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng được điều đến làm việc ở đây. Hiện nay, Nhật Bản và NATO đã duy trì sự kết nối chính sách an ninh, chia sẻ thông tin tình báo và bắt đầu triển khai các hoạt động chung trong lĩnh vực ít nhạy cảm như chống cướp biển, cứu nạn, rà phá bom mìn...
Tháng 12-2019, Nhật Bản lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập an ninh mạng quy mô lớn do NATO tổ chức với tên gọi Cyber Coalition-2019. Từ đó có thể thấy “ngoại giao tầm nhìn toàn cầu” của chính quyền ông Abe là một cách mới để Nhật Bản nâng cao năng lực quốc phòng tổng hợp đa chiều.
Bên cạnh đó, Nhật Bản không ngừng tăng cường quan hệ an ninh quân sự với các nước thành viên NATO quan trọng như năm 2018, Nhật Bản và Pháp, Anh, Canada đã ký Thỏa thuận tiếp nhận và dịch vụ tương trợ (ACSA) trong lĩnh vực quốc phòng để đảm bảo cung cấp đạn dược và hỗ trợ hậu cần trong thời chiến, tập trận chung với Mỹ, Anh, Pháp... ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại trụ sở của tổ chức này.
Ngoài cung cấp căn cứ quân sự cho hạm đội tàu sân bay Mỹ, Tokyo còn mời hạm đội tàu sân bay của Anh và Pháp đến đóng ở cảng biển của Nhật Bản, phối hợp với Nhật Bản trong tuần tra và huấn luyện ở vùng biển Ấn Độ Dương và vùng biển phía Nam của Nhật Bản. Đồng thời, đáp lại mong muốn gia tăng sự hiện diện quân sự của Anh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Chính quyền ông Abe rất muốn bắt tay với đồng minh cũ, thiết lập quan hệ bán đồng minh nhằm thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tokyo.
Một trong những bước đi cũng mang tầm chiến lược của chính quyền ông Abe, đó là kết hợp “ngoại giao tầm nhìn toàn cầu” với ngoại giao đa phương. Sau khi tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào giữa năm 2019, người ta thấy chủ trương này của Nhật Bản ngày càng hiện rõ.
Theo quan điểm của Thủ tướng Shinzo Abe, NATO và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đều thuộc chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, chủ nghĩa đa phương của thế giới ngày nay có tính chất và hình thức thể hiện khác nhau, vừa có chủ nghĩa đa phương hòa bình, vừa có chủ nghĩa đa phương bạo lực. WTO, G20, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... thuộc chủ nghĩa đa phương hòa bình. Còn NATO và các liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo thuộc về chủ nghĩa đa phương bạo lực.
Mặc dù vậy, xét từ tình hình thực tế, không dễ để chính quyền ông Abe thực hiện được mục tiêu chiến lược ngoại giao đã xác định. Những năm gần đây, bất đồng trong nội bộ NATO không ngừng gia tăng, các nước phương Tây đưa chiến lược an ninh của tổ chức này vào thời kỳ xem xét lại và điều chỉnh. Brexit và chủ nghĩa dân túy trong nội bộ các nước EU trỗi dậy... Lực hướng tâm của châu Âu cho thấy rõ xu hướng suy giảm. Đồng thời, người dân Nhật Bản vẫn tỏ ra không muốn đất nước bị cuốn vào các cuộc chiến và xung đột do Mỹ lãnh đạo.
Nhật Bản lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập an ninh mạng quy mô lớn do NATO tổ chức với tên gọi Cyber Coalition-2019.
Tuy nhiên, chính quyền ông Abe vẫn coi thúc đẩy sửa đổi hiến pháp là mục tiêu chính trị lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình. Mục đích của việc này không phải đơn thuần chỉ là để thoát khỏi sự trói buộc của Mỹ hoặc để Nhật Bản trở thành cái gọi là “quốc gia bình thường” mà là để lực lượng phòng vệ Nhật Bản hành động tự do hơn và có không gian hoạt động lớn hơn, từ đó khiến Nhật Bản có thể cùng tham chiến với các nước thành viên NATO như Mỹ ở nước ngoài.
Một khi Hiến pháp Nhật Bản được sửa đổi, các rào cản pháp lý ở trong nước ảnh hưởng đến liên minh với NATO sẽ được xóa bỏ hoàn toàn, Chính quyền ông Abe sẽ có thể mở rộng liên minh Mỹ - Nhật thành mô hình liên minh đa phương “Nhật Bản + Mỹ +...n” hoặc tăng cường thúc đẩy toàn cầu hóa liên minh Nhật - Mỹ, hình thành liên minh quân sự lớn Nhật - Mỹ - EU phục vụ cho mục đích của mình.
Theo CAND