Nhiều bất cập trong bảo đảm phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp

Cập nhật: 26-02-2020 | 08:27:14

 Thời tiết nắng nóng, khô hanh, nhiệt độ tăng cao cùng những vụ cháy lớn xảy ra liên tiếp ở Bình Dương kể từ đầu năm 2020 đến nay chính là lời cảnh báo về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Chỉ cần mất cảnh giác, lơ là, cháy nổ có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất kể thời gian nào. Phòng cháy vẫn hơn chữa cháy.

 Lực lượng Cảnh sát PCCC đang kiểm tra phương tiện PCCC tại một doanh nghiệp             

 Mới đây, vụ cháy tại Công ty TNHH Indochine Foam Tech, doanh nghiệp chuyên sản xuất nệm mút, vali nằm trong Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, TX.Bến Cát đã thiêu rụi nhiều máy móc, vật liệu, tài sản của công ty. Đáng lo hơn, đám cháy còn làm sản xuất của công ty bị đình trệ, hàng trăm công nhân có nguy cơ mất việc làm…

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Bình Dương, vài năm trở lại đây, tình hình cháy nổ ở doanh nghiệp ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, với số vụ cháy và thiệt hại do cháy đều có xu hướng tăng. Theo thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi vào hoạt động trước khi có Luật PCCC có thiết kế nhà xưởng, trang thiết bị cũ, đã xuống cấp. Vai trò của các chủ đầu tư về cơ sở hạ tầng chưa có sự quan tâm chú trọng về công tác PCCC để chỉ đạo cho lực lượng PCCC ở cơ sở tự kiểm tra về công tác PCCC của doanh nghiệp mình. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến xảy ra cháy, nổ trong thời gian qua tăng cao.

Qua thống kê của ngành chức năng, cháy nổ trong doanh nghiệp luôn chiếm từ 60 - 70% về số vụ và 90% về thiệt hại tài sản. Trong số 4.638 cơ sở nguy hiểm cháy nổ, tỷ lệ công ty gỗ, giày da, các cơ sở sản xuất sơn, hóa chất, bao bì, mút xốp… chiếm số lượng không nhỏ. Bình quân hàng năm, số vụ cháy liên quan đến ngành nghề này luôn chiếm từ 40 - 50% tổng số vụ cháy của tỉnh. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy trong doanh nghiệp là do sự cố chập điện, chiếm khoảng 45% tổng số vụ cháy. Dù đã nhiều lần cảnh báo, kiểm tra, xử lý nghiêm, song chủ doanh nghiệp và người lao động vẫn thiếu ý thức, thiếu quan tâm đầu tư thỏa đáng cho công tác này. Điển hình tại Công ty TNHH Eista, doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất gỗ gia dụng xuất khẩu, đóng tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một. Mặc dù đã đi vào hoạt động gần 17 năm nhưng đến nay, công ty này vẫn chưa trang bị hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống dây điện tự ý câu mắc, dẫn đến tình trạng mất an toàn về điện đến mức báo động. Nhiều phương tiện, thiết bị về chữa cháy đã xuống cấp, không được sửa chữa, thay thế. Ngoài ra, việc sắp xếp, bố trí hàng hóa tại Công ty Eista còn vi phạm các quy định về lối thoát nạn, cửa thoát nạn. Đáng lo hơn cả là việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong sản xuất của công ty lại không có phương tiện, thiết bị PCCC kèm theo.

Ông Đào Trí Huân, Tổng vụ Công ty TNHH Eista, cho biết trong những năm qua do ảnh hưởng của việc thiếu đơn hàng nên có những thiếu sót mà phía công ty chưa khắc phục, hoàn thiện được theo quy định PCCC. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ từng bước khắc phục các hạn chế, thiếu sót để hoàn thiện hơn, từ đó bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sản xuất cũng như tính mạng, sức khỏe của người lao động”, ông Huân cho biết.

Một khi sự cố cháy nổ xảy ra, không chỉ gây thiệt hại về tài sản, đôi khi còn thiệt hại cả tính mạng con người. Do vậy, phòng cháy hơn chữa cháy. Người người, nhà nhà và bản thân mỗi doanh nghiệp hãy cùng nâng cao nhận thức phòng, chống cháy nổ; trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để kiềm chế và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do “giặc lửa” gây ra.

 THÀNH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=398
Quay lên trên