Nhiều chỉ tiêu cơ bản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng

Cập nhật: 08-10-2022 | 09:22:49

Các chỉ số 9 tháng năm 2022 của ngành công thương cho thấy mặc dù đang chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi, nhưng kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp từng bước thích ứng với tình hình mới.


Sở Công thương thường xuyên làm việc với các đơn vị đầu mối để triển khai nhiều chương trình kích cầu, bình ổn thị trường. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua sắm tại Aeon Mall Bình Dương

Thích ứng tốt

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, đánh giá mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình xung đột chính trị trên thế giới nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,36% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 8,25%, dịch vụ tăng 6,44%. Sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các doanh nghiệp (DN) đã chủ động chuyển đổi mô hình, chuyển đổi số, liên kết với các đối tác nhằm mở rộng quy mô, bảo đảm đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 11,9 tỷ KWh, tăng 16% so với cùng kỳ; tiết kiệm điện 259 triệu KWh; khó khăn tại các dự án phát triển đường dây, trạm biến áp được quan tâm tháo gỡ và chuyển biến tốt, duy trì tỷ lệ hộ sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt 99,99%.

Sở Công thương đã kịp thời theo dõi diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 200.928 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại - dịch vụ phục hồi nhanh ở tất cả các ngành, nguồn cung hàng hóa dồi dào tại các siêu thị và chợ truyền thống, bảo đảm phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Hoạt động xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ với kim ngạch ước đạt 27,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 26,7%). Tuy vậy, kim ngạch nhập khẩu ước giảm 1,6% (cùng kỳ tăng 34%). Lý do của sự sụt giảm này là do giá cả nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng cuộc chiến Nga - Ukraine hoặc DN đã tìm được nguồn cung thay thế trong nước.

Giải quyết những thách thức

Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết hiện nay một trong những thách thức đặt ra cho ngành là các công trình, dự án liên tục phát triển. Nhu cầu về điện cũng liên tục tăng, do đó trong công tác quy hoạch các công trình lưới điện cần sự phối hợp, tạo điều kiện để sớm đưa các công trình vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh.

“Trên thực tế, Công ty Điện lực Bình Dương chưa cung cấp đủ nhu cầu công suất theo đề nghị của DN. Hiện nay, nhiều công trình điện được triển khai thực hiện theo quy hoạch bị chậm tiến độ, quá tải tại các trạm biến áp và đường dây đấu nối. Ngành công thương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm đếm, lập phương án bồi thường hỗ trợ để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án triển khai thi công công trình điện, để kịp thời giải quyết cấp đủ điện cho DN sản xuất”, ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết.

Với chủ trương dịch chuyển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp (CCN) về phía bắc, dự kiến đến năm 2030 tỉnh sẽ phát triển thêm một số CCN để đáp ứng nhu cầu. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở đang rà soát lại các khu, CCN sẵn có, làm việc với chủ đầu tư để bố trí quỹ đất thích hợp cho các đối tượng di dời. Tham mưu ban hành tiêu chí xét DN, cơ sở sản xuất phải di dời, chuyển đổi công năng. Sở Công thương cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định chấp thuận chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu, CCN chuyên ngành, trong đó đặc biệt chú trọng kế hoạch ưu tiên xây dựng 1 CCN mẫu điển hình để thử nghiệm, kiểm chứng kết quả và hiệu quả di dời DN, trước khi triển khai đại trà.

Sở Công thương cũng đã đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố đăng ký đề xuất dự án CCN để bổ sung quy hoạch phát triển CCN trong thời gian tới. Trong đó, tham mưu giải quyết kiến nghị của UBND huyện Dầu Tiếng và Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng về việc phát triển CCN trên địa bàn huyện; tham mưu tổ chức họp thống nhất phương án phát triển CCN trên địa bàn huyện Phú Giáo. Bên cạnh đó, sở tiếp tục làm việc với Bộ Công thương về thủ tục pháp lý triển khai CCN tại tỉnh Bình Dương.

Hiện nay, giá xăng dầu điều chỉnh giảm, tuy nhiên giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào khác, thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thức ăn chế biến sẵn, đồ uống vẫn chưa có d ấu hiệu hạ nhiệt tạo áp lực lên năng lực chi tiêu cá nhân. Sở Công thương cũng thường xuyên làm việc với các nhà cung ứng trên địa b àn về các chương trình bình ổn giá, khuyến mãi để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=335
Quay lên trên