Các doanh nghiệp đang có những cơ hội để phát triển, đó là thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống đang phục hồi, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia được triển khai hiệu quả. Để tận dụng tối đa lợi thế này, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và không ngừng đổi mới để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.
Sản xuất phục hồi rõ nét
Ông Yamamoto Kazuhito, Tổng Giám đốc Công ty Taisei Bijutsu Printing Vietnam (Khu công nghiệp Mỹ Phước), chia sẻ: “Công ty chúng tôi bắt đầu kinh doanh in ấn từ năm 2009. Mặc dù kết quả kinh doanh của công ty tăng cao dần lên từ trước rồi, nhưng bắt đầu giảm từ năm 2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đến năm 2023 doanh thu của công ty rơi xuống mức thấp nhất. Tuy nhiên, từ năm 2024 trở đi, các đơn đặt hàng vốn bị đình trệ đã bắt đầu tăng lên và tôi kỳ vọng năm nay công ty sẽ tăng trưởng cao như trước thời kỳ đại dịch Covid-19. Tôi cũng nhận thấy tình hình sản xuất trong năm 2025 đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn, nên tôi tin rằng trong thời gian tới kết quả hoạt động kinh doanh của công ty sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Panko Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước)
Theo ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty TNHH Phước Dũ Long (TP.Tân Uyên), công ty luôn nỗ lực không ngừng để sản xuất sản phẩm gốm gắn với tiêu dùng, thúc đẩy ý thức trách nhiệm cộng đồng, hướng tới những thay đổi quan trọng từ thị trường thế giới. Với những đầu tư lớn vào các đổi mới sáng tạo về sản phẩm dịch vụ, đi kèm với chiến dịch quảng bá, công ty kỳ vọng tạo ra hướng đi mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Với các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ, ông Phan Thế Hải, Tổng Giám đốc Công ty Triệu Phú Lộc (huyện Bắc Tân Uyên), cho biết hiện đơn hàng xuất khẩu của nhiều DN đã hồi phục trở lại, trong đó thị trường Hoa Kỳ, nơi đóng góp hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ trong tỉnh đang phục hồi rõ rệt. Tuy nhiên, những thách thức từ các hàng rào kỹ thuật mới DN cần nhận diện rõ, đó là các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn, môi trường, lao động hay nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại…, để có giải pháp thích ứng kịp thời, hiệu quả.
Chủ động giải pháp, ứng phó linh hoạt
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, nhấn mạnh cơ hội thị trường đang rộng mở hơn đối với cộng đồng DN, song trước mắt các DN cần chủ động tìm hiểu những quy định mới ở các thị trường xuất khẩu và đề ra kế hoạch ứng phó. Các cơ quan quản lý nên chủ động theo dõi, đánh giá các xu hướng, quy định mới để thông tin phù hợp cho cộng đồng DN, xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp với cam kết quốc tế. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng phức tạp, các DN cũng cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ, cải tiến và nâng cao năng lực để bảo đảm vị thế trong chuỗi giá trị, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu.
“Đối với các DN nhỏ và vừa, để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu, hạn chế thách thức, cần xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh dài hạn, chú trọng đến cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước; tìm hiểu, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu; đầu tư nâng cao nhân lực, ứng dụng công nghệ số để nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Phía VCCI luôn đồng hành để hỗ trợ DN chủ động phương án dự phòng, khắc phục những sự cố, rủi ro, biến động trên thị trường; thông tin kịp thời những rủi ro thương mại quốc tế đến DN...”, ông Trần Ngọc Liêm nói.
Cộng đồng DN cho biết họ đang cần được hỗ trợ xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các DN Hoa Kỳ, để không chỉ dừng lại ở vai trò nhà cung cấp mà còn thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược từ phát triển sản phẩm chung, hợp tác nghiên cứu thị trường đến cung ứng dài hạn để ứng phó với những biến động thị trường.
TIỂU MY - CẨM TÚ