Hiện nay, để tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ đã bắt đầu lựa chọn việc đầu tư hệ thống điện dùng năng lượng mặt trời (ĐMT). Vốn đầu tư ban đầu hệ thống ĐMT vẫn là “rào cản” lớn, nhưng Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg đã phần nào tháo gỡ các vướng mắc, cho phép các tổ chức, cá nhân có thể bán lại điện cho ngành điện. Tại Bình Dương, nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư ĐMT áp mái không những góp phần chia sẻ gánh nặng cho ngành điện mà nguồn năng lượng sạch này còn kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế cho chủ đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Thanh bên hệ thống điện mặt trời được đầu tư trị giá khoảng 500 triệu đồng
Những “nhà máy điện” trên nóc nhà
Câu chuyện những “mái nhà tiền tỷ, hàng trăm triệu đồng” để chỉ những căn nhà được người dân đầu tư hệ thống ĐMT áp mái đang được nhiều người dân quan tâm, truyền nhau để đầu tư “nhà máy điện” ngay trên nóc nhà mình sinh sống. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư ĐMT áp mái để vừa có thể tiết kiệm chi phí sử dụng điện, vừa có thể bán lại cho ngành điện để thu hồi vốn đầu tư.
Chúng tôi đến thăm căn biệt thự 3 tầng của bà Nguyễn Thị Thanh, cũng là trụ sở Công ty TNHH TM-DVSX Tân Phúc Phúc ở KP.Tân Thắng, phường Tân Bình, TX.Dĩ An. Căn nhà mới với phần mái hơn 200m2 của gia đình đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nhóm công nhân thi công hệ thống ĐMT trên sân thượng của căn nhà cho biết hệ thống đã sẵn sàng cung cấp nguồn điện cho nhu cầu của hộ gia đình; đồng thời còn có thể dư điện để bán lại cho ngành điện.
Chỉ tay về những tấm pin năng lượng mặt trời được sản xuất bởi một thương hiệu nổi tiếng đến từ Hàn Quốc, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết khi nghe giá điện điều chỉnh tăng, do nhu cầu sử dụng điện của gia đình cao nên bà đã nghĩ đến việc đầu tư hệ thống ĐMT vừa có thể phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình, hoạt động của doanh nghiệp, điện dư dùng có thể tải lên hệ thống điện bán lại cho phía ngành điện nên đã mạnh dạn đầu tư, lắp đặt hệ thống.
“Sau khi được tư vấn, gia đình chúng tôi đã quyết định đầu tư hệ thống ĐMT áp mái với công suất 13kWp với giá trị đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Hệ thống được bảo trì, bảo hành thời hạn lên đến hơn 10 năm, thời gian sử dụng hệ thống theo tính toán lên đến 20 năm. Đầu tư hệ thống ĐMT về lâu dài là có lợi bởi nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt là khá cao. Trung bình mỗi tháng chúng tôi sử dụng khoảng 8 đến 10 triệu đồng. Như vậy, chí tính riêng việc đầu tư hệ thống để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của gia đình thì sau khoảng 5 năm chúng tôi đã hoàn vốn đầu tư, đó chưa kể là nguồn điện dư phát lại lên lưới bán lại cho ngành điện”, bà Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.
Quy mô căn nhà nhỏ hơn của bà Đỗ Hồng Nga ở ấp Tân Hóa, xã Tân Hiệp, TX.Tân Uyên, sau khi được tư vấn, chủ nhà cũng đã đầu tư số tiền 132 triệu đồng để lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái với công suất 5kWp cũng dư dùng cho nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt. Ban ngày nguồn điện dư có thể tải lên điện lưới để bán lại cho ngành điện. Theo bà Đỗ Hồng Nga, đầu tư hệ thống ĐMT ngoài mục đích tiết kiệm chi phí sử dụng điện hàng tháng, các hộ còn mong muốn việc đầu tư này cũng góp phần giảm áp lực cho ngành điện, nhất là trong mùa nắng nóng liên tục xảy ra tình trạng thiếu điện để phục vụ sản xuất.
“Bản thân tôi khi xem các chương trình biển đảo, sử dụng năng lượng sạch đã ấp ủ sẽ đầu tư và sử dụng nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường. Khi tìm hiểu và được Công ty Điện lực Bình Dương tư vấn, hiểu rõ về lợi ích của việc đầu tư hệ thống ĐMT áp mái tuy tốn khoản chi phí đầu tư ban đầu nhưng về lâu dài sẽ có hiệu quả, bảo vệ môi trường. Mùa nắng nóng, ban ngày nếu có xảy ra sự cố mất điện gia đình cũng không lo. Hy vọng mùa nắng nóng, khi được lắp đặt công tơ hai chiều, chúng tôi sẽ bán lại điện dư dùng cho ngành điện để thu hồi vốn đầu tư cũng như chia sẻ những khó khăn thiếu điện trong mùa khô của ngành điện”, bà Đỗ Hồng Nga chia sẻ. Cũng theo bà Nga, hiện nhiều người thân của gia đình bà cũng đã tham quan và quyết định đầu tư hệ thống ĐMT áp mái như gia đình.
Trong khi đó ông Nguyễn Việt Hiển, Giám đốc Công ty TNHH An Hòa ở phường Dĩ An, TX.Dĩ An, cho biết quá trình kinh doanh dịch vụ của công ty phải dùng điện vào ban ngày rất nhiều, vì vậy công ty đã đầu tư hệ thống ĐMT để góp phần giảm chi phí hoạt động. Theo ông Hiển, với nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp hiện nay vào ban ngay, thì ĐMT áp mái là giải pháp tối ưu nhất sẽ góp phần tiết giảm chi phí trong hoạt động. Theo tính toán của doanh nghiệp, dự kiến sau 5 đến 6 năm sử dụng thì có thể hoàn vốn đầu tư. Thời gian thu hồi vốn (dựa theo lượng điện sử dụng từ hệ thống) sẽ tùy thuộc vào lượng điện dư dùng bán lại cho ngành điện.
Khuyến khích người dân đầu tư điện mặt trời
Có thể nói sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, nhiều hộ gia đình nước ta đã trở thành nhà đầu tư vào ĐMT. Trước đây, một hộ dân đầu tư bộ ĐMT công suất 5kW với tổng chi phí lên đến gần 200 triệu đồng, khi sử dụng không hết và thường phải “bán” với giá 0 đồng cho EVN. Quyết định 11 ban hành đã giúp các hộ dân có thêm thu nhập từ “nhà máy điện” ngay trên nóc nhà mình. Việc thu lại được phần tiền đúng bằng với phần đã đóng góp cho lưới điện là hợp quy luật thị trường và khuyến khích ĐMT phát triển lớn mạnh, góp phần giảm giá thành sản phẩm khi đầu tư hệ thống. Dù mức giá mới được phê duyệt 9,35 cent/kWh còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, thế nhưng với việc có cơ chế mua bán và mức giá cụ thể như vậy cũng mở ra nhiều cơ hội cho người dân có thể mạnh dạn đầu tư ĐMT trong sinh hoạt hộ gia đình với chi phí tiết kiệm hơn.
Hiện nay, đối với các hộ dân bỏ tiền lắp những tấm pin ĐMT trên mái nhà của mình, việc sử dụng năng lượng được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ điện hai chiều. Cứ mỗi tháng, theo chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ điện năng trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc một năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán theo giá quy định nêu trên.
Ông Lê Hồng Khanh, Trưởng phòng Kiểm tra - Giám sát buôn bán điện, Công ty Điện lực Bình Dương, cho biết ngành điện nói chung và Công ty Điện lực Bình Dương hiện đang khuyến khích người dân, các hộ gia đình trên địa bàn mạnh dạn đầu tư hệ thống ĐMT áp mái nhà. Để người dân tìm hiểu và có đủ thông tin, Công ty Điện lực Bình Dương sẽ tư vấn, hỗ trợ người dân trong việc đầu tư hệ thống phù hợp với nhu cầu sử dụng của hộ gia đình. “Để người dân đầu tư hiệu quả, không chịu thiệt thòi khi lựa chọn đơn vị thi công, nhất là việc lựa chọn thiết bị, vật tư bảo đảm, Công ty Điện lực Bình Dương chủ trương sàng lọc, chọn lựa một số nhà cung cấp có uy tín để bảo đảm về chất lượng, vật tư thiết bị để tư vấn cho khách hàng có sự chọn lựa khi có nhu cầu đầu tư”, ông Lê Hồng Khanh nói.
Bên cạnh đó, sau khi tư vấn cho khách hàng sử dụng điện biết về lợi ích trong việc đầu tư ĐMT áp mái nhà và lựa chọn đầu tư hệ thống, phía Công ty Điện lực Bình Dương sẽ hỗ trợ tích cực cho người dân trong việc lắp đặt công tơ hai chiều để đo đếm sản lượng điện mà khách hàng sử dụng điện dùng dư đã phát lên lưới điện của ngành điện, từ đó theo đơn giá quy định của Chính phủ 9,35 cent/kWh (theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước công bố) ngành điện sẽ chi trả lại cho khách hàng sử dụng điện.
Các đơn vị thi công ĐMT cho biết với đặc điểm thuận lợi về vị trí địa lý, thời tiết nắng kéo dài thì việc đầu tư hệ thống ĐMT tại Bình Dương có nhiều thuận lợi và mang lại hiệu quả cho chủ đầu tư hệ thống. Đặc điểm ĐMT áp mái có thể dễ dàng thi công trên các loại mái nhà hiện nay, thời gian thi công lắp đặt một hệ thống ĐMT cho nhu cầu một hộ gia đình mất khoảng 1 - 2 ngày là hoàn thiện. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, việc đầu tư hệ thống ĐMT trước nhất hộ gia đình có nhu cầu đầu tư hệ thống cần đến Công ty Điện lực Bình Dương để được tư vấn, hướng dẫn nhằm có sự lựa chọn sản phẩm, thiết bị bảo đảm chất lượng, an toàn trong suốt quá trình sử dụng. |
MINH DUY