Những năm gần đây, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, quyết định chăm lo người khuyết tật (NKT) như nâng mức bảo trợ hàng tháng cao hơn nhiều lần so với mặt bằng chung của cả nước. Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, đào tạo nghề, trợ giúp tiếp cận giáo dục, trợ giúp pháp lý... được thực hiện xuyên suốt. Nhờ đó, đời sống vật chất lẫn tinh thần của NKT tiếp tục được nâng lên.
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng quà Tết Trung thu năm 2020 cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh
Chăm sóc sức khỏe, quan tâm giáo dục
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 17.895 NKT. Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền góp phần làm thay đổi nhận thức của gia đình và xã hội về NKT, việc chăm sóc sức khỏe cho NKT luôn được tỉnh quan tâm hàng đầu. Có sức khỏe tốt, NKT mới vượt qua được những khó khăn, nghịch cảnh của bản thân”. Vì thế, từ năm 2012 đến nay, các địa phương trên toàn tỉnh đã thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 27.633 lượt NKT, qua đó tạo điều kiện cho NKT tiếp cận tốt hơn các dịch vụ y tế, được khám chữa bệnh và phục hồi chức năng miễn phí.
Để chăm sóc tốt sức khỏe cho NKT, giai đoạn 2011-2015, Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng (PHCN) thuộc Sở Y tế đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng; đã lập hồ sơ theo dõi PHCN cho 3.613 NKT và cấp dụng cụ hỗ trợ cho 2.711 người (làm chân tay giả và cung cấp máy trợ thính…); phẫu thuật PHCN cho hơn 274 NKT. Đến nay, 34,5% NKT được hội nhập/NKT được lập hồ sơ theo dõi; 91 xã, phường, thị trấn có phân công cán bộ y tế thực hiện công tác PHCN cho NKT tại địa phương. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2012-2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm chỉnh hình và PHCN, Bệnh viện chỉnh hình PHCN TP.Hồ Chí Minh và các địa phương thực hiện khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 5.250 lượt NKT, với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Việc thực hiện hoạt động trợ giúp tiếp cận giáo dục cho NKT được các cấp quan tâm. Qua đó, các đơn vị, địa phương kiện toàn hệ thống quản lý chuyên môn về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật các địa phương; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục khuyết tật cho cán bộ, giáo viên và học sinh; làm rõ vai trò và trách nhiệm của nhà trường, cộng đồng và gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục, PHCN, đáp ứng nhu cầu của trẻ và gia đình trẻ khuyết tật, bảo đảm quyền bình đẳng trong phát triển và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật...
Các phòng giáo dục - đào tạo cử cán bộ theo dõi, giám sát, đánh giá giáo dục hòa nhập của địa phương. Mỗi trường có cán bộ quản lý chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá hoặc hỗ trợ giáo viên dạy hòa nhập. Cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật theo dõi chất lượng học tập của trẻ khuyết tật, quản lý hồ sơ, tổ chức các hoạt động chuyên môn về giáo dục hòa nhập.
Trợ giúp học nghề, việc làm
Nhằm tạo điều kiện cho NKT có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, tạo thu nhập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT trong thời gian qua luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng cùng phối hợp thực hiện. Những nghề hiện nay tỉnh đang tổ chức dạy cho NKT như: Dệt, massage, in lụa, may, làm tăm tre, làm chổi, sơn mài, điện gia dụng… ở Trung tâm dạy nghề NKT và các cơ sở dạy nghề của Hội Người mù, Hội Nông dân đã thu hút đông đảo NKT của các địa phương tham gia.
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện trợ giúp cho NKT nặng, NKT đặc biệt nặng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng cho hộ gia đình có người NKT đặc biệt nặng, trợ cấp cho NKT đang mang thai hoặc nuôi con… và trợ cấp xã hội cho NKT khiếm thị (NKT mù, mức độ khuyết tật nhẹ). Kết quả, toàn tỉnh đã chi ngân sách và vận động nguồn kinh phí trên 32 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động chăm sóc NKT. Qua đó, hàng năm, tỉnh thực hiện trợ giúp thường xuyên cho 8.130 NKT với kinh phí khoảng 27 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng NKT đặc biệt nặng cho 1.630 hộ gia đình; tặng quà cho 2.420 NKT trong các dịp lễ, tết.
Trong những năm qua, công tác phát triển thể dục thể thao NKT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến. Phong trào thể dục thể thao NKT đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các hội, câu lạc bộ thể thao NKT đã được thành lập, các giải thể thao NKT được tổ chức thường xuyên đã thu hút đông đảo NKT tham gia tập luyện để rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe, thể lực, hòa nhập vào cuộc sống lao động, sản xuất của cộng đồng. Thông qua các giải thể thao NKT còn lựa chọn được nhiều vận động viên xuất sắc tham gia thi đấu tại các kỳ đại hội thể thao NKT toàn quốc. Đối với hoạt động văn hóa văn nghệ cho NKT, tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức các liên hoan văn nghệ dành cho NKT…
Ông Hà Minh Trung cho rằng để chăm lo tốt hơn cho NKT, trong thời gian tới, địa phương cần có chế độ hỗ trợ phù hợp hơn đối với đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội nhằm thu hút được những người có năng lực, có tâm, có tầm tham gia làm cộng tác viên công tác xã hội tại xã, phường; cần có cơ chế phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện các chính sách đối với NKT nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các ngành trong việc thực hiện chính sách đối với NKT.
QUANG TÁM