Cuối quý III-2020, tín hiệu tốt liên tục đến với các doanh nghiệp (DN) khi đơn hàng đã bắt đầu phục hồi trở lại, thị trường trong nước khởi sắc và các đại công trình đầu tư vẫn gấp rút hoàn thành.
Sản xuất tại Công ty Vị Hảo (TX.Tân Uyên)
Đơn hàng trở lại
Với các giải pháp quyết liệt tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì được tốc độ tăng trưởng, kinh tế của tỉnh quý III tiếp tục có dấu hiệu tăng trưởng khả quan. Trong tháng 9, các sản phẩm chủ lực của tỉnh duy trì tiếp tục đà tăng trưởng dương. Theo thông tin từ các hiệp hội, ngành hàng, nhiều tín hiệu tốt đang đến gần sau nhiều tháng nỗ lực duy trì sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 9 ước đạt 612,7 triệu USD, tăng 6,5% so với tháng trước, xuất khẩu may mặc ước đạt 338,2 triệu USD, tăng 10,7% so với tháng trước… Những con số tăng trưởng đã và đang là động lực để các ngành tăng tốc những tháng cuối năm, tạo động lực cho giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm giảm đáng kể nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của tỉnh như: Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á, Trung Quốc... Tuy nhiên, tình hình xuất, nhập khẩu quý III-2020 của Bình Dương vẫn tăng trưởng tốt hơn so với 6 tháng đầu năm và duy trì thặng dư thương mại ở mức cao. Các DN cần tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. |
Các doanh nghiệp phấn khởi khi đơn hàng bắt đầu khởi sắc trở lại và nỗ lực sản xuất để bù đắp những ảnh hưởng do dịch bệnh. Ông Sompob Witworrasakul, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Vina Kraft cho biết điều đáng mừng là đến nay, công ty đã vượt qua một số khó khăn nhất định, dần hoạt động ổn định và phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm. Ông Sompob Witworrasakul đánh giá cao việc Bình Dương tập trung kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất hiệu quả.
Đối với các công ty sản xuất thực phẩm như Công ty TNHH Vị Hảo (TX.Tân Uyên) thì tín hiệu phục hồi từ các đơn hàng xuất khẩu khá rõ nét. Đến cuối tháng 9, các đơn hàng từ thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bắt đầu trở lại. “Các đơn hàng trở lại là một tín hiệu tốt cho các ngành sản xuất, song thách thức hiện nay là đối tác chưa đặt đơn hàng dài hạn mà chỉ theo nhu cầu trước mắt”, bà Nguyễn Thị Xuân Thùy, Giám đốc điều hành Công ty Vị Hảo chia sẻ.
Với thị trường trong nước, các DN cũng đã và đang nỗ lực để đạt doanh thu ngang bằng năm 2019. Nhiều DN bán lẻ đang thực hiện chiến lược xuyên suốt là tập trung vào nguồn lực hiện có, đặc biệt là nỗ lực giữ chân khách hàng thông qua cải thiện dịch vụ và tung ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Theo đại diện siêu thị MM Mega Market, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, toàn bộ doanh thu từ mảng bán sỉ cho các nhà hàng, khách sạn, trường học bị sụt giảm, thậm chí trong nhiều tháng không có doanh thu. Để bảo đảm doanh thu ngang bằng năm 2019, DN cũng đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Hiện tại nhiều mặt hàng trong hệ thống siêu thị này đang có mức giảm tới 50%… Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thói quen và hành vi của người tiêu dùng đã có những thay đổi đáng kể. Người tiêu dùng mua sắm thông qua trực tuyến. Vì vậy, chiến lược ưu tiên của DN trong năm nay là tìm kiếm và mở rộng thị trường, kết hợp với nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới và tiếp tục thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí.
Nhiều cơ hội lớn
Một tín hiệu khả quan với ngành giày da sau dịch bệnh Covid-19 là các DN của Việt Nam có rất nhiều cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới, vươn xa so với đà xuất khẩu hiện nay. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho biết: “Các tập đoàn giày dép lớn trên thế giới đang dự tính dịch chuyển khoảng 15-20% chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước khác. Việt Nam là nơi có thể đáp ứng nhanh các đơn hàng lớn, khó nên sẽ được lựa chọn nhiều. Khi dịch bệnh Covid-19 lắng xuống, nhiều đơn hàng giày dép, túi xách sẽ dịch chuyển về Việt Nam”.
Trái với tâm lý dè dặt trước đây “không sản xuất được ốc vít để cung ứng cho các Tập đoàn FDI” của ngành cơ khí, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh cho biết, nhiều DN trong hiệp hội đã tự tin về năng lực sản xuất của mình, đủ sức để tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường, nhất là cung ứng ngay với các DN FDI tại Bình Dương để giảm thiểu những chi phí vận chuyển, nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Trong đó, rất nhiều DN không đơn thuần chỉ sản xuất sản phẩm giản đơn như ốc vít, khuôn chế tạo, sản phẩm vỏ nhựa, bao bì… mà đã sản xuất được sản phẩm có giá trị gia tăng cao như lõi motor, chip điện tử, bảng bo mạch…
Hiện nay, rất nhiều DN FDI sau thời gian đầu tư khá thuận lợi tại Bình Dương đã mở rộng sản xuất, tiếp tục tăng vốn đầu tư nhà xưởng. Theo ông Trần Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đại Hoàng, một đơn vị chuyên thi công nhà xưởng cho các đối tác nước ngoài: “Trong dịch bệnh công ty chúng tôi vẫn hoạt động hết công suất và đến nay không thể tiếp tục nhận thêm đơn hàng. Dù dịch bệnh không giao dịch trực tiếp song khách hàng vẫn cập nhật tiến độ qua Email, Zalo… thường xuyên. Đến nay, công ty đã nhận thi công 10 công trình có vốn đầu tư từ vài triệu đến vài chục triệu đô la Mỹ”.
TIỂU MY