Thế giới đã trải qua năm 2012 với rất nhiều sự thay đổi. Trân trọng cùng bạn đọc nhìn lại 10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2012.
1. 2012 - Năm của các cuộc bầu cử và chuyển giao quyền lực tại các nước lớn trên thế giới
Nga chứng kiến sự chuyển giao quyền lực Tổng thống giữa bộ đôi Putin - Medvedev. Thủ tướng Vladimir Putin trở thành Tổng thống sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 4-3-2012. Tại Pháp, sau 17 năm, quyền lực lại được chuyển giao từ cánh hữu sang cánh tả với thắng lợi của ứng cử viên đảng Xã hội, ông Francois Hollande.
Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama giành chiến thắng thuyết phục trước ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney để tiếp tục tại vị thêm 4 năm nữa. Tại Trung Quốc, Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ thế hệ lãnh đạo thứ 4 sang thế hệ thứ 5. Phó Chủ tịch Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Còn tại Nhật Bản, cuộc bầu cử Hạ viện đã khép lại với chiến thắng ngoạn mục của Đảng Dân chủ Tự do (LPD) đối lập của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, chính thức đưa Đảng này lên nắm quyền sau 3 năm gián đoạn và đưa ông Shinzo Abe quay lại cương vị Thủ tướng của đất nước Mặt Trời mọc.
Năm 2012 được ghi nhận là năm của các cuộc bầu cử và chuyển giao quyền lực tại các nước lớn trên thế giới 2. Tranh chấp chủ quyền biển đảo tại châu Á-Thái Bình Dương
Tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư, giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đối với đảo Dokdo/Takashema, đặc biệt tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước khu vực Đông Nam Á đã trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn quốc tế trong năm 2012.
Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đạt được Tuyên bố về Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông, trong đó khẳng định các quốc gia thành viên thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông ( DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
3. Châu Á -Thái Bình Dương - Trọng tâm chiến lược của nhiều quốc gia
Chính quyền Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương bằng việc chuyển phần lớn lực lượng hải quân, không quân và lục quân sang khu vực này, tăng cường liên hệ quân sự với các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines. Ngay khi tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chọn hai nước Đông Nam Á để thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên là Thái Lan và Myanmar, tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ( EAS) lần thứ 7 tại Campuchia.
Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay sau khi tái đắc cử đã chọn hai nước Đông Nam Á để thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên là Thái Lan và Myanmar đã thể hiện chiến lược quay trở lại châu Á của Mỹ
Châu Âu cũng đang chuyển sang chính sách "trục châu Á". Các nhà lãnh đạo hàng đầu của châu Âu đã "tấp nập" đến Lào để tham dự Hội nghị Á-Âu lần thứ 9 (ASEM 9). Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) đang bắt đầu mở rộng mạng lưới Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) của họ ở châu Á. Sau khi ký FTA với Hàn Quốc năm ngoái, châu Âu đang có các cuộc đàm phán thương mại với Ấn Độ, một số quốc gia thành viên ASEAN và bắt đầu khởi động đàm phán với Nhật Bản.
4. Nội chiến tại Syria đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực và tiếp tục gây bất đồng giữa các cường quốc
Syria chìm sâu vào cuộc nội chiến giữa các lực lượng chống đối và lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad. Tính đến cuối năm 2012, đã có hơn 37.000 người thiệt mạng. Xung đột không chỉ trong nội bộ Syria mà còn dẫn tới sự đối đầu giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ và lan sang cả Lebanon.
Một lần nữa, cuộc khủng hoảng tại Syria cho thấy sự bất đồng giữa các cường quốc trên thế giới. Nga và Trung Quốc với tư cách Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc trong năm 2012 đã 2 lần dùng quyền phủ quyết để phản đối các dự thảo nghị quyết trừng phạt Damascus.
Trong khi đó, thực tế diễn ra không như mong đợi ở các nước Trung Đông và Bắc Phi khác như Ai Cập, Lybia sau khi xảy ra chính biến cho thấy việc áp dụng kịch bản nào cho Syria cũng phải được cân nhắc kỹ càng.
5. Liên minh châu Âu (EU) bất đồng nội bộ, suy giảm ảnh hưởng, khu vực đồng tiền chung Euro rơi vào suy thoái lần hai
EU bất đồng liên quan đến ngân sách chung và các điều kiện cứu trợ đối với các nước rơi vào khủng hoảng nợ công trầm trọng. Hơn nữa, nền kinh tế khu vực đồng tiền chung Euro không những chưa tìm ra được lối thoát, mà còn rơi vào suy thoái lần hai với việc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 17 nước thành viên sụt giảm liên tiếp vào những tháng cuối năm và dự báo còn trầm trọng hơn trong thời gian tới.
Cuộc khủng hoảng nợ công đang bắt đầu tác động đến những trụ cột chính của khu vực đồng Euro là Đức và Pháp. Chính sách giảm bội chi ngân sách bằng cách “thắt lưng buộc bụng” với hệ quả là trợ cấp xã hội giảm, thuế tăng và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, khiến người dân bất bình. Tại nhiều nước, người dân không chỉ xuống đường phản đối các chính sách khắc khổ, mà còn bày tỏ chính kiến qua những lá phiếu “trừng phạt” như tại các cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp, tổng tuyển cử ở Hy Lạp, các cuộc bầu cử địa phương tại Đức và Italy.
6. Palestine trở thành Nhà nước quan sát viên của Liên hiệp quốc
Với 138 phiếu thuận, 41 phiếu trắng và 9 phiếu chống, ngày 30-11-2012, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ Thực thể quan sát viên lên Nhà nước quan sát viên. Đây được xem là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của Palestine.
Mặc dù còn phải đối mặt nhiều thách thức nhất là từ phía Israel, song từ đây, Palestine có thể tham gia các thể chế quốc tế có ảnh hưởng lớn như Tổ chức Thương mại Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới và Tòa án Hình sự Quốc tế..., tạo nền tảng cho Palestine bảo vệ và thực hiện lợi ích chính đáng của mình.
Mỹ và Israel bỏ phiếu chống lại nghị quyết này của Liên hiệp quốc. Tel Aviv còn phản ứng bằng việc thông báo các kế hoạch mới xây dựng 3.000 ngôi nhà định cư cho người Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem. Quyết định này của Tel Aviv vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
7. Bán đảo Triều Tiên nóng lên từ các vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên
Năm 2012, CHDCND Triều Tiên đã hai lần phóng tên lửa mang theo vệ tinh vào quỹ đạo. Sau lần phóng thứ nhất hồi tháng 4 không thành công, ngày 12-12, CHDCND Triều Tiên đã phóng thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3 bằng tên lửa đẩy Unha-3. Hội đồng bảo an LHQ đã họp khẩn cấp và ra Tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên, cho rằng vụ phóng tên lửa này của CHDCND Triều Tiên vi phạm các nghị quyết số 1718 và 1874 của Hội đồng bảo an LHQ.
CHDCND Triều Tiên khẳng định đây là vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh quan trắc Trái đất còn Mỹ, Phương Tây, Hàn Quốc và Nhật Bản cho là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.
8. Xả súng giết người hàng loạt và vấn đề sở hữu súng lại được đưa ra bàn luận tại Mỹ
Vụ xả súng kinh hoàng tại Trường Tiểu học Sandy Hook, thành phố Newtown, bang Connecticut của Mỹ ngày 14-12 cướp đi mạng sống của 26 người, trong đó có 20 trẻ em từ 5 đến 7 tuổi, đã làm cho nước Mỹ và cả thế giới bàng hoàng. Ngày 21-12, lại xảy ra 1 vụ xả súng ở gần thị trấn Geesey bang Pennsylvania làm 4 người thiệt mạng. Trước đó, hồi tháng 7, một sát thủ nã đạn trong một buổi chiếu phim ở bang Colorado làm 12 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Ngày 5-8, 7 người đã thiệt mạng trong vụ xả súng tại một đền thờ đạo Sikh ở bang Wisconsin của Mỹ.
Những thảm kịch này không chỉ làm dấy lên vấn đề vốn tranh cãi lâu nay về quyền sở hữu súng đạn của người dân, mà còn cho thấy nguy cơ về về sự khủng hoảng tâm lí gia tăng của một bộ phận thanh niên trong bối cảnh nước Mỹ nhiều biến động về chính trị, kinh tế và xã hội .
9. Biến đổi khí hậu gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan
Siêu bão Bopha đổ bộ vào miền Nam Philippines, sáng 4-12, đem theo mưa lớn và gió mạnh, làm hơn 1.000 người chết, hơn 800 người mất tích, trên 6 triệu người dân ở 30 tỉnh lâm vào tỉnh cảnh mất điện, nước. Đây là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay.
Trước đó, siêu bão Sandy quét qua các quốc đảo Caribbean và Mỹ gây thiệt hại nặng nề về người và của. Bão Sandy được coi là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào bờ biển miền Đông nước Mỹ trong vòng 100 năm qua và là cơn bão gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này. Hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy, 95 người chết, hàng triệu người phải sống trong tình trạng mất điện kéo dài, hàng chục nghìn chuyến bay phải hủy bỏ. Thiệt hại do siêu bão Sandy lên tới 80 tỷ USD, cao hơn mức tàn phá do bão Katrina gây ra vào năm 2005. Trước khi đổ bộ vào Mỹ, bão Sandy đã quét qua các quốc đảo Caribbean làm ít nhất 69 người chết.
10. Khoa học thế giới đạt được những thành tựu quan trọng
Tàu vũ trụ Mỹ đổ bộ thành công xuống sao Hoả. Ngày 6-8, sau hành trình kéo dài 8 tháng, tàu thăm dò sao Hỏa hiện đại nhất và lớn nhất từ trước đến nay mang tên Curiosity đã hạ cánh thành công xuống sao Hỏa và truyền về những hình ảnh qua camera gắn trên tàu. Curiosity có sứ mạng tìm kiếm các thành phần cơ bản có thể hỗ trợ cho sự sống, nghiên cứu môi trường của sao Hỏa, chuẩn bị cho việc đưa con người lên hành tinh này trong những năm tới.
Trước đó, ngày 4-7, một nhóm nhà khoa học tuyên bố sự tồn tại của hạt boson Higgs làm chấn động giới khoa học. Hai nhóm thí nghiệm riêng rẽ với máy gia tốc hạt lớn LHC đặt tại phòng thí nghiệm vật lý của Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) ở Thụy Sỹ tuyên bố đã thu thập đủ dữ liệu để chứng minh hạt mới đã được tạo ra với những đặc tính giống hạt boson Higgs, hay còn gọi là “hạt của Chúa”, yếu tố hình thành nên vũ trụ sau vụ nổ Big Bang cách đây 13,7 tỉ năm. Tuy nhiên, có lẽ còn phải đợi thêm một thời gian nữa để có thể khẳng định chắc chắn rằng hạt mới có đích xác là hạt boson Higgs hay không.
Theo VOV