Kỷ niệm 80 năm thành lập Tỉnh ủy Thủ Dầu Một (2.1936 - 2.2016)

Nhớ những ngày sục sôi năm ấy- Bài 3

Cập nhật: 19-02-2016 | 08:14:58

Bài 3: Tháng Tám mùa thu - kỷ nguyên mới của dân tộc

Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Và để thống nhất lãnh đạo Tổng khởi nghĩa, hội nghị quyết định thành lập “Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc”. Sau đó ngay trong đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã gửi bản Quân lệnh số 1 cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nhanh chóng vùng dậy giành quyền độc lập.  

Tiếp sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, Đại hội quốc dân họp ngày 16-8-1945 cũng tại Tân Trào, đã thông qua “Mười chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”, quyết định quốc kỳ nền đỏ sao vàng, chọn bài “Tiến quân ca” làm quốc ca và bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Trung ương tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Tại đại hội lịch sử này, Đảng ta đã đề ra chủ trương hết sức đúng đắn là lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước khi quân đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai của Nhật, đứng ở địa vị làm chủ nước mình mà tiếp đoàn quân đồng minh vào giải phóng quân Nhật trên đất Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Tại Thủ Dầu Một, đêm 23-8- 1945, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng được tổ chức tại chợ Bưng Cầu thuộc làng Tương Bình Hiệp, do đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Tham dự hội nghị có các đồng chí Tỉnh ủy viên như Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Văn Trung và bí thư chi bộ thuộc các quận Lái Thiêu, Châu Thành, Bến Cát…

Hiện nay, dấu tích sự kiện lịch sử ngày 25-8-1945 được lưu giữ trân trọng bằng Bia lưu niệm sự kiện lịch sử “Giành chính quyền thắng lợi” ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: T.THẢO

Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng nhằm quán triệt Nghị quyết Xứ ủy về Tổng khởi nghĩa toàn Nam kỳ. Các đại biểu hoàn toàn nhất trí với nghị quyết đã đề ra những vấn đề quan trọng như: lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Hội nghị Tỉnh ủy kêu gọi cán bộ, đảng viên, các đoàn thể cứu quốc, đơn vị tự vệ, đồng bào hãy đoàn kết, nhất trí giành chính quyền nhanh, gọn, thắng lợi hoàn toàn trong ngày 25-8-1945. Đây cũng là nguyên tắc cao nhất cuộc khởi nghĩa.

Tỉnh ủy và Ủy ban khởi nghĩa triển khai các biện pháp thực hiện, trong đó có việc đề cử đồng chí Nguyễn Văn Tiết phụ trách Mặt trận Việt Minh tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Thi phụ trách quân sự tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Trung phụ trách công nhân, đồng chí Lê Đức Anh phụ trách các quận Hớn Quản, Bù Đốp và đồng bào dân tộc, các đồng chí Nguyễn Văn Đối, Hồ Văn Nâu phụ trách an ninh trật tự…

Ngày 24-8, lực lượng tiền khởi nghĩa tại chỗ như Phú Cường và các làng chung quanh, xúc tiến công tác phục vụ cho ngày hội lớn sáng hôm sau. Những bà mẹ, chị em tích cực chăm lo việc ăn uống đối với anh em bảo vệ. Đơn vị vũ trang tập trung, các đội tự vệ của Phú Cường, Phú Thọ, Phú Hòa, Chánh Hiệp được bố trí vào các điểm quan trọng nhằm ngăn chặn sự phá hoại của địch.

Sau khi giành chính quyền thắng lợi ở các quận trong tỉnh, ngày 24-8-1945, đêm 24-8 lực lượng cách mạng ở các làng, các quận rầm rập tiến về thị xã. Tại những địa điểm tập kết, trong khi chờ đợi giờ tấn công vào thị xã, quần chúng khởi nghĩa đã tổ chức một đêm sinh hoạt văn hóa rất đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung, thể hiện tinh thần hào hứng phấn khởi của quần chúng cách mạng, nhất là khí thế sôi nổi của nam nữ thanh niên. Họ hát lên những bài ca cách mạng, yêu nước như Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Bạch Đằng giang, Chi lăng…; diễn kịch như vở Đêm Lam Sơn… Tại những địa điểm tập kết này, những người tham gia khởi nghĩa còn tổ chức mài sắc gươm đao, sắm thêm gậy tầm vông, luyện tập võ nghệ… Trong khi đó, Ban quân sự tỉnh trực tiếp chỉ huy nhiệm vụ bảo vệ quần chúng, sẵn sàng ngăn chặn sự đánh phá của địch. Lúc này, trong nội ô thị xã, nhân dân đã treo cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm, dán khẩu hiệu ở khắp các đường phố, chợ… Có thể nói, lúc này các tầng lớp xã hội đã chuyển mình, tinh thần quyết tâm giành độc lập đang dâng cao hơn bao giờ hết. Từ giữa đêm trở đi, quần chúng tham gia khởi nghĩa của Hớn Quản, Bến Cát, Lái Thiêu, Châu Thành đi theo đội ngũ từng làng, lần lượt tiến vào thị xã.

Đến rạng sáng ngày 25-8, đội ngũ các Hội cứu quốc và đồng bào đã đứng chật trên 20 đường phố lớn, nhỏ của thị xã bao gồm 2 vạn người của hơn 10 làng quận Châu Thành, 3 vạn người các quận Lái Thiêu, Bến Cát, cùng hơn 500 cán bộ chiến sĩ các đơn vị bán vũ trang. Đến 7 giờ, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trọng thể trước tòa thị chính quận Châu Thành (xã Phú Cường). Sau khi làm lễ chào cờ, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban khởi nghĩa đọc diễn văn, tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Sau đó, đại biểu Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh lên phát biểu ý kiến, kêu gọi giới mình cùng toàn dân bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện chương trình của Việt Minh trong đó có vấn đề nam nữ bình đẳng.

Trong cuộc mít tinh, quần chúng khởi nghĩa hô vang các khẩu hiệu: “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”. Sau cuộc mít tinh, quần chúng khởi nghĩa tiến hành cuộc diễu hành suốt mấy giờ liền trên các đường phố. Hàng vạn người cầm trong tay cờ, gậy tầm vông vạt nhọn, có người cầm súng hô vang các khẩu hiệu, xen lẫn với lời ca tiếng hát sôi sục của nam nữ thanh niên.

Kết thúc cuộc diễu hành, dưới sự hướng dẫn của Ủy ban khởi nghĩa, các đoàn phân công đi tiếp thu các cơ quan hành chính, tòa án, cảnh sát, đồn cộng hòa vệ binh, khám đường (trại giam), kho bạc, các nhà máy điện, nước, bưu điện… Như vậy, trong ngày 25-8-1945, nhân dân Thủ Dầu Một đã giành chính quyền thắng lợi cùng ngày với thành phố Sài Gòn và 15 tỉnh bạn ở Nam kỳ.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa nước ta vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng ta từ một Đảng không hợp pháp, trở thành Đảng lãnh đạo chính quyền trong cả nước. Nước ta từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành nước độc lập và dân chủ. Với những kết quả như trên, Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một chân trời mới cho nhân dân ta tiến lên xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Đánh giá ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. (còn tiếp)

Cũng như các Đảng bộ và nhân dân các tỉnh Nam kỳ, cuộc vận động giải phóng dân tộc của Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một đã trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm. Sau cuộc nổi dậy thất bại năm 1940 là 2 năm thoái trào (1941-1942); phải thêm hơn 2 năm nữa mới khôi phục và từng bước đẩy mạnh các mặt công tác Đảng, công tác quần chúng (1943-1945); mất liên lạc với Ban Thường vụ Trung ương Đảng trong nhiều năm liền (1941-1945); Xứ ủy Nam kỳ đã 3 lần lập đi lập lại. Nhưng những khó khăn do kẻ thù gây ra, không khuất phục được ý chí tiến công của Đảng bộ Nam kỳ, trong đó có Đảng bộ Thủ Dầu Một. Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đã mở ra trang sử mới trong lịch sử của nhân dân trong tỉnh, đồng thời đã tạo ra những tiền đề quan trọng để nhân dân trong tỉnh bước đầu vào giai đoạn cách mạng tiếp theo, giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 

P.V (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1044
Quay lên trên