Sôi động chợ đêm
Theo ghi nhận của chúng tôi, chợ đêm công nhân hoạt động nhộn nhịp từ 16 đến 23 giờ đêm mỗi ngày, khách chủ yếu là công nhân lao động ở các KCN. Chợ bán nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của công nhân như: quần áo, giày dép, vải, trang sức, mỹ phẩm… Cùng với hoạt động của các khu chợ thì những ki-ốt, gian hàng lưu động cũng “ăn theo” kinh doanh góp phần làm chợ đêm thêm phong phú, vui nhộn. Công nhân mua sắm ở chợ đêm
Vào một ngày cuối tuần, chúng tôi đến chợ đêm Lái Thiêu (ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) và chợ Phú Chánh A (TP.TDM). Hai chợ này bày bán các mặt hàng rất đa dạng như: quần áo thời trang, đồ trang sức… đủ chủng loại và giá cả cũng tương đối phù hợp với túi tiền của công nhân lao động. Khoảng 16 giờ, công nhân bắt đầu tan ca, họ ghé chợ mua thực phẩm chuẩn bị cho bữa tối hoặc ăn uống ngay ở các gian hàng trong chợ để tiết kiệm thời gian. Buổi tối, các gian hàng quần áo, giày dép, trang sức luôn thu hút đông công nhân tham quan, mua sắm.
Khác với hai chợ đêm kể trên, chợ đêm Việt Lập (ở phường An Bình, TX.Dĩ An) không bán nhiều thức ăn mà chỉ kinh doanh các mặt hàng may mặc, làm đẹp cho công nhân. Bởi vậy, nhiều người gọi đây là chợ “thời trang công nhân”. Chợ được thành lập năm 2006, với gần 200 gian hàng. Phường An Bình (TX.Dĩ An) thu hút đông lực lượng công nhân lao động nhập cư nên chợ Việt Lập ra đời hết sức có ý nghĩa phục vụ nhu cầu mua sắm cho người lao động ở các KCN gần đó như: KCN Bình Đường, Sóng Thần… Cô Nguyễn Thị Ngọc, chủ ki-ốt, bộc bạch: “Cô bán quần áo ở đây ngay từ những ngày đầu chợ thành lập. Mỗi ngày, cô bán chủ yếu các mặt hàng quần áo thời trang, giày dép cho công nhân lao động”. Nhiều người đi chợ đêm không chỉ để mua sắm mà còn tìm cho mình một không gian thư giãn, giải trí. Buổi tối, không khí ở đây mát mẻ, lại thêm những âm thanh sôi động ở một số gian hàng trong phiên chợ khiến người đi chợ quên đi những mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng.
Giá bình dân, quản lý tốt
Theo ghi nhận của chúng tôi, những chợ đêm ở Bình Dương thích hợp với công nhân lao động. Giá cả mặt hàng ở đây khá bình dân. Các loại quần áo thời trang có giá dao động từ 50.000 đến vài trăm ngàn đồng/cái. Thậm chí, ở những gian hàng bán đồ lưu động, có những loại áo thun giá chỉ 35.000 - 50.000 đồng/cái. Quần jean nữ giá từ 150.000 đồng trở lên (tùy theo loại). Anh Nguyễn Văn Tâm (công nhân Công ty TNHH ASG VINA, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An), cho biết: “Là công nhân sống xa nhà tôi phải trang trải nhiều khoản chi phí. Do vậy, tôi thường chọn chợ đêm là nơi mua sắm vì ở đây hàng hóa hợp với túi tiền”.
“Ngoài việc bảo đảm an ninh trật tự, Ban quản lý chợ cũng nắm được số hộ kinh doanh và các loại mặt hàng để kiểm soát giá cả, tránh để công nhân chịu thiệt thòi hoặc bị lừa đảo khi vào chợ mua sắm”, ông Đoàn Công Tiên, Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ đêm Việt Lập, cho biết.
Chợ Phú Chánh A, chợ Lái Thiêu và chợ Việt Lập do chính quyền địa phương quản lý. Các chợ được quy hoạch trật tự, mỗi gian hàng nối tiếp nhau thành từng dãy và được chia thành khu riêng biệt. Chợ bố trí nơi giữ xe để người đi chợ vào tham quan, mua sắm. Các chợ đều có Ban quản lý để cử người theo dõi hoạt động mua bán đúng giá, nhắc nhở bà con tiểu thương giữ thông thoáng lối đi, phòng ngừa kẻ gian móc túi...
Mua sắm là nhu cầu hết sức thực tế của công nhân, do vậy việc thành lập các khu chợ đêm là một việc làm thiết thực, đáp ứng một phần đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân làm việc ở các KCN trên địa bàn tỉnh.
PHƯƠNG CHI