Như hoa Hướng Dương

Cập nhật: 06-08-2013 | 00:00:00

Kỳ 2: Từ một đóa Hướng Dương

> Kỳ 1: Hướng Dương tỏa sáng

Đóa Hướng Dương chúng tôi muốn nhắc ở đây chính là thầy Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Hướng Dương. Chính thầy đã chắp thêm đôi cánh để ước mơ của các em có hoàn cảnh bất hạnh được bay cao và bay xa.

Tuổi thơ cực nhọc

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Bình Thuận, tuổi thơ của Nguyễn Thế Vinh sớm chịu cảnh đau buồn khi bất hạnh liên tiếp ập đến cuộc đời anh. Cha mất vì bom đạn chiến tranh khi anh được 4 tuổi. Không lâu sau đó mẹ anh cũng ra đi, rồi người anh trai cũng đi theo mẹ. Hai anh em Vinh sớm mồ côi cha mẹ, phải sống với ông bà ngoại. Tai họa vẫn chưa chịu buông tha anh, trong một lần đi chăn bò anh bị ngã gãy tay trái. Do bệnh viện ở xa, ông bà ngoại không có tiền chạy chữa nên cánh tay của anh bị hoại tử phải cắt bỏ.

Sau buổi học ở trường, mỗi đêm học sinh được thầy Vinh dạy thêm kiến thức nâng cao

Vượt qua những cú sốc, anh tập đối diện với sự thật và khắc phục mọi khó khăn để học tập, sinh hoạt. Kể từ đây, anh tập viết, làm việc bằng tay trái. Anh nhớ lại: “Để tự an ủi mình và tìm sự chia sẻ, cảm thông từ phía mọi người, tôi hớt tóc, tập bơi, sửa xe đạp cho các bạn và thầy cô, học hiểu bài thật kỹ để hướng dẫn lại các bạn khác và các em lớp dưới. Vậy là ngày nào nhà tôi cũng tấp nập, bớt đi nỗi buồn cô liêu”. Cũng chính nhờ thường xuyên chỉ bài cho các bạn nên anh Vinh có kiến thức khá vững chắc, giúp anh thi đậu vào trường ĐH Kinh tế sau này.

Dân gian thường cho rằng, người có tật hay có tài. Điều này đúng với trường hợp của anh Vinh. Anh đến với âm nhạc để tìm niềm vui sống và mở lòng với mọi người. Con đường đến với âm nhạc của anh cũng khá gian truân, vì anh bị cụt một cánh tay. Anh thử tập đàn đủ kiểu: cột phím, cột chân nhang vào mỏm tay bị cụt, đánh đàn bằng chân… Cuối cùng anh cũng có cách đánh đàn cho riêng mình, đó là lật ngửa mặt đàn lên, dùng các ngón giữa, áp út và ngón út để bấm nốt, còn ngón trỏ để gảy. Đam mê và khổ luyện, cuối cùng anh đã thành công. Thời gian qua anh được mời tham gia biểu diễn một số chương trình ở Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Thụy Sĩ…

Làm thầy

Có thể nói, tên tuổi của Nguyễn Thế Vinh thật sự tỏa sáng, làm xúc động bao lòng người kể từ khi thầy đến với nghề dạy học, bước ngoặt này đã làm sống lại ước mơ thời thơ ấu mà nay mới thực hiện được. Còn nhớ gần 7 năm trước thầy đã nhận dạy kèm cho con của một người quen. Sau đó thầy mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh nghèo, đặc biệt là những em mồ côi, khuyết tật. Từ những lớp học này, thầy đã bắt gặp lại hình ảnh của mình ngày xưa. Tháng 9-2010, thầy lập nên Cơ sở bảo trợ xã hội Hướng Dương. Nơi đây đã tiếp tục nâng bước cho hàng chục trẻ mồ côi, khuyết tật tốt nghiệp THPT và học ĐH.

Sau những giờ học tập, các em cùng nhau lao động, đào ao nuôi cá cải thiện đời sống

Sau khi thành lập cơ sở, thầy trở về quê hương Bình Thuận và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kontum, Đắc Lắc, Lâm Đồng… để tìm HS có hoàn cảnh đặc biệt đưa về nuôi dạy. Thầy đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư của các em, giải thích cho những người nuôi dưỡng các em hiểu về chương trình của Hướng Dương. Thầy Vinh nói, Hướng Dương đã và đang làm một chương trình có tính chất lâu dài và ổn định nhằm giúp các em mồ côi, khuyết tật ăn học đến ĐH, có tri thức, có kỹ năng sống để thay đổi hoàn cảnh của chính mình và khi thành đạt các em sẽ có điều kiện giúp cho các em thế hệ sau. Em Nguyễn Duy Anh tâm sự: Thầy Vinh như người cha thứ 2 đã cứu giúp cuộc đời các em. Ngoài được học tập, các em còn được thầy dạy cách sống, cách đối nhân xử thế. Thầy luôn là tấm gương soi cho chúng em, bởi bản thân thầy từ một người khuyết tật, nghèo khó đã vượt qua nghịch cảnh vươn lên giúp ích cho đời.

Ngày chúng tôi đến, Hướng Dương đang xây thêm 3 phòng học cho các em. Nhân dịp nghỉ hè, những em đang học ĐH đã về đây cùng chung tay xây dựng nhà cho đàn em có chỗ học tập. Nguyễn Minh Quân, sinh viên năm 2 trường ĐH Bách khoa chia sẻ: “Tất cả các em ở đây rất xúc động trước tình cảm thầy Vinh đã dành cho các em. Vào ĐH các em vẫn không đơn độc, vì thầy lo học phí, nơi ở và cấp tiền ăn mỗi tháng. Thầy thương tụi em nhưng cũng nghiêm khắc và đặt ra các mục tiêu để các em phấn đấu. Nếu muốn thầy tiếp tục lo cho chi phí ăn ở, học phí thì kết quả học tập của các em phải đạt từ 6,5 trở lên”.

Trong 2 năm qua cơ sở Hướng Dương có hàng chục em vào ĐH, năm học này có thêm 11 em nữa tiếp bước các anh chị đi trước. Từ các mối quan hệ của thầy Vinh, hiện Hướng Dương đã có 5 em sang Nhật làm việc và học tập vào giữa tháng 3 năm nay. Vinh quang các em có được hôm nay, ngoài tấm lòng rộng mở yêu thương của thầy Vinh còn phải kể đến 2 người thầy đã tình nguyện dạy thêm miễn phí cho các em. Dù ở tận TP.HCM nhưng cô Nguyễn Hồng Thơ, giáo viên dạy hóa trường chuyên Lê Quý Đôn vẫn không ngại đường xá xa xôi lên dạy miễn phí cho các em mỗi tuần 2 buổi. Đó còn là thầy Lê Khắc Thuận, giáo viên dạy môn toán trường THPT Bến Cát, người đã đem đến cho các em những bài học quý giá, làm nền tảng vững chắc để thi ĐH. Thầy Thuận đã tâm sự, ngày ngày nhìn cảnh các em đưa nhau đến trường bằng xe lăn, em thì cõng bạn trên lưng đến trường, hoặc trong lớp bất chợt nhìn xuống lớp học bắt gặp những đôi mắt tròn xoe chăm chú nghe thầy giảng đầy vẻ khao khát đã làm tôi vô cùng xúc động và gắn bó với lớp học ngoài giờ đã một năm nay”.

Người tinh ý khi đến cơ sở Hướng Dương sẽ thấy nơi đây có cổng nhưng không có cửa, bởi như lời thầy Vinh: “Dựng cổng mà không cửa là chủ ý của tôi để nhấn mạnh điều mà tôi mong đợi: sự tự giác, tự ý thức của mỗi thành viên trong việc giữ mình, biết trong biết ngoài, biết trước biết sau, biết xây dựng mình thành người hữu dụng và quan trọng là có một tấm lòng rộng mở”. Quanh cánh cổng rộng mở ấy, những đóa hoa Hướng Dương thầy trò cùng ươm trồng đang vươn lên giữa nắng cháy.

Thầy Ngô Thanh Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Bến Cát: Trường tạo mọi điều kiện để các em học tốt

Những năm gần đây trường THPT Bến Cát đón nhận những HS đến từ Cơ sở bảo trợ xã hội Hướng Dương. Điều đáng quý là em nào cũng nỗ lực học tập, ngay cả những em bị khuyết tật cũng không ngại khó, ngại khổ ngày ngày cần mẫn đến trường. Hầu hết các em đều học giỏi, chỉ có số ít em học khá.

Tiếp sức các em đến trường, nhà trường không thu bất cứ khoảng đóng góp nào từ các em, ngay cả những khoản mua hộ, nhà trường cũng trích quỹ mua cho các em. Nhà trường giao giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn giúp đỡ các em trong quá trình học tập. Với những em khuyết tật nên viết chậm, trường tăng thêm thời gian làm bài kiểm tra để các em không bị thiệt thòi.

 

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=430
Quay lên trên