Những cuộc vượt ngục kinh ngạc nhất thế giới

Cập nhật: 27-03-2012 | 00:00:00

 "Một ngày trong tù, ngàn thu ở ngoài", không có ai khát khao tự do nhiều hơn những người đang ở phía sau song sắt. Và mong muốn đó đôi khi được hiện thực hóa bằng những cuộc vượt ngục khiến mọi hệ thống an ninh đều phải lấy làm kinh ngạc.

Tuy nhiên, có một sự thật là dù có trốn thoát khỏi nhà tù, những kẻ từng gây tội ác sớm hay muộn cũng sẽ phải đền tội.

1. Cuộc đào tẩu khỏi nhà tù Maze, Anh

Vụ vượt ngục quy mô lớn nhất nước Anh diễn ra vào ngày 25-9-1983 tại County Antrim, Bắc Ireland, 38 tù nhân là quân nhân của Quân đội Cộng hòa Ailen đang thụ án do giết người và đánh bom đã trốn khỏi khối H7 của nhà tù Maze.

Để trốn thoát khỏi nhà tù, các tù nhân đã tấn công cai ngục bằng những khẩu súng được chuyển bí mật vào trước đó. Hơn 20 nhân viên cai ngục bị thương và có 1 người đã thiệt mạng.

  Sân nhà tù Maze được chăng dây để tránh các vụ giải cứu và đào tẩu bằng đường không. Maze là nhà tù được xem là một trong những nơi giam giữ có an ninh tốt nhất Châu Âu với khả năng đào tẩu rất thấp. Ngoài lớp hàng rào cao 4.5m, mỗi khối giam còn được ngăn cách bằng lớp tường bê tông cao 5.5m với dây thép gai giăng dày đặc. Ngoài ra các lớp cửa đều được làm bằng thép dày và điều khiển bằng điện tử.

2h30 sáng 25-9, các tù nhân bắt đầu chiếm quyền kiểm soát khối H7, sau đó dùng các cai ngục làm con tin để trốn ra ngoài. Họ đã đánh cắp quần áo của nhân viên nhà tù và chìa khóa để phục vụ việc trốn chạy.

3h25 sáng, một chiếc xe tải cung cấp thực phẩm cho nhà tù đã bị chặn lại, các phạm nhân khống chế lái xe và chỉ cho anh ta địa điểm cần đến. Đến 3h50 chiếc xe bắt đầu rời khỏi khối H7 và mang theo 38 phạm nhân bỏ trốn.

Tuy nhiên, vài ngày sau đó 19 người trong số này đã bị bắt trở lại, số khác được Quân đội Cộng hòa Ailen hỗ trợ tìm kiếm chỗ ẩn nấp.

Trong số những người đã trốn thoát, có người sau này đã vượt biển sang Mỹ nhưng bị phát hiện và dẫn độ về Anh.

2. "Nghệ sĩ đào tẩu" Alfred Hinds

Đây là tên của tù nhân người Anh được mệnh danh là "nghệ sĩ" trong việc đào tẩu khỏi nhà tù. Với án tù 12 năm vì tội trộm cướp, Hinds đã 3 lần thoát khỏi những nhà tù có an ninh đặc biệt ở Anh.

Sau khi bị kết án hắn đã trốn khỏi nhà tù Nottingham bằng cách trườn qua cánh cửa đã bị khóa trên bức tường bảo vệ cao 6m. Với sự kiện này, báo chí Anh đã gọi Hinds với cái tên "Houdini" - tên ảo thuật gia nổi tiếng thời đó với những màn biểu diễn phá khóa đầy kinh ngạc.

Sau đó 6 tháng, Hinds bị phát hiện và bắt trở lại. Sau khi bị bắt giữ, hắn đã đâm đơn kiện các nhân viên nhà tù với tội danh sử dụng khóa nhập lậu không đủ chất lượng, chính điều đó đã hỗ trợ kế hoạch tẩu thoát của hắn trước kia.

Trong thời gian diễn ra vụ kiện này, khi đang ở tòa Hinds đã xin phép đi vệ sinh và khi 2 bảo vệ tháo còng tay cho hắn trong toilet, rất nhanh chóng Hinds đã đẩy họ vào buồng vệ sinh và khóa cửa bằng chiếc khóa mà đồng bọn hắn đã chuẩn bị từ trước, sau đó hòa lẫn vào đám đông trên đường Fleet Street.

Tuy nhiên, hắn vẫn bị bắt tại sân bay 5 tiếng sau đó.

Lần vượt ngục thứ 3 được Hinds thực hiện tại nhà tù Chelmsford sau đó 1 năm.

Trong khi đang thụ án Hinds vẫn tiếp tục gửi đơn kháng cáo đến các tòa án cấp cao để "minh oan" cho tội danh của mình. Vào năm 1960 sau cuộc tranh luận kéo dài 3 tiếng tại Thượng viện Anh, cuối cùng Hinds vẫn phải chấp án sau đó ngồi tù 6 năm nữa tại nhà tù Parkhurst.

3. "7 anh em vùng Texas"

Đây là tên của nhóm 7 tù nhân đã trốn thoát khỏi John Connally Unit, nhà tù có mức độ an ninh cao nhất của Mỹ tại Kenedy, Texas vào ngày 13-12-2000. Sau đó vào 21-1 đến 23-1 năm 2001, tất cả các tù nhân này đã bị bắt giữ trở lại - thành quả trực tiếp của chương trình truyền hình 'Truy nã đặc biệt" của Mỹ.

Ngày 13-12-2000, nhóm tù nhân này đã lên kế hoạch kỹ càng trước khi thực hiện cuộc đào tẩu khỏi nhà tù an ninh cao nhất ở Mỹ khi đó. Sau khi khống chế 7 nhân viên dân sự, 4 nhân viên quản ngục và 3 tù nhân khác trong tù, cả bọn đã tìm cách thoát ra ngoài vào lúc 11h20 sáng.

Vụ việc xảy ra vào thời gian canh gác lơi lỏng nhất khi các nhân viên an ninh bắt đầu đi ăn trưa và đổi ca gác. Thủ đoạn của bọn chúng là gọi tên những mục tiêu của mình từ phía sau, khi họ bất giác quay lại thì đồng bọn sẽ tấn công vào sau gáy hạ gục mục tiêu ngay lập tức. Sau đó chúng khống chế các nạn nhân và nhốt vào tủ điện của nhà tù.

Tổng cộng đã có 11 nhân viên nhà tù và 3 phạm nhân khác trở thành mục tiêu tấn công của chúng.

7 tên tù nhân đã lấy quần áo, thẻ tín dụng và thẻ ra vào từ các nạn nhân để thoát ra ngoài. Chúng còn giả mạo là nhân viên nhà tù gọi điện cho chính quyền địa phương để tránh sự nghi ngờ. Sau đó chúng đánh cắp xe tải của nhà tù và thực hiện cuộc chạy trốn.

Tất cả số phạm nhân này đều là những tử tù đang chờ ngày thi hành án bằng cách tiêm thuốc độc. Hiện tại chỉ có 5 tên còn sống, 1 tên đã tự tử và 1 tên đã bị thi hành án.

4. Người tù Do Thái Alfréd Wetzler

Đây là một trong số ít người Do Thái đã thoát khỏi được trại thảm sát Holocaust của Phát Xít Đức trong Thế chiến II. Wetzler và người đồng hành của mình là Rudolf Vrba đã có kế hoạch vượt ngục kinh điển mà sau này được viết thành báo cáo dài đến 32 trang; trong đó họ đã tính toán việc đào tẩu từ những đường hầm bên trong trại Auschwitz.

Hai người nấp trong đống gỗ đang dùng để xây dựng trại giam cho những người mới đến. Mặc dù đống gỗ này nằm ngoài phạm vi của dây thép gai nhưng bên ngoài vẫn còn những vòng bảo vệ khác nữa. Những ngày sau đó, các công nhân khác đã giúp đỡ bằng cách xếp gỗ che cho họ. Ngoài ra những người Do Thái này cũng sử dụng thuốc lá nồng của Nga ngâm với xăng rải xung quanh để vô hiệu hóa việc đánh hơi của chó nghiệp vụ.

Sau 4 ngày ẩn nấp trong đống gỗ từ 7-4-1944, những người đàn ông này mới dám thoát ra vào ban đêm để tránh sự truy đuổi của quân cảnh. Ngày 10-4 với những bộ trang phục thông thường cùng với bản đồ mà Vrba đã lấy được trong nhà kho, họ đã có cuộc hành trình 80km đến biên giới Ba Lan với Slovakia.

5. Tù nhân chiến tranh Sławomir Rawicz

Trong Thế chiến II khi Đức và Liên Xô lần lượt hành quân qua Ba Lan, Sławomir Rawicz là một trong những binh sĩ bị bắt giữ. Năm 1939, anh ta được chuyển về Nga để xét xử, sau đó tạm giam tại nhà tù Lubyanka, Moscow.

Rawicz bị kết tội gián điệp và phải chịu 25 năm tù khổ sai ở Siberia. Sau đó Rawicz cùng với hàng ngàn phạm nhân khác đã được chuyển đến Irkutsk để xây dựng các khu trại.

Vào ngày 9-4-1941, Rawicz cùng các đồng bọn của mình đã trốn khỏi đây nhờ lợi dụng một cơn bão tuyết. Cả nhóm đi về phía nam và trong 9 ngày sau đó băng qua sông Lena, đi vòng qua hồ Baikal và đến Mông Cổ.

Lưu lạc trên sa mạc Gobi, đã có 2 người trong đoàn thiệt mạng, những người còn lại đã phải bắt rắn ăn để sống sót. Sau khi đến Tây Tạng vào tháng 10-1941, rất nhiều người trong số họ đã chết do cái lạnh trên dãy Himalaya hoặc rơi xuống vực.

Đến tháng 3-1942, Rawicz cho biết những người sống sót đã đến được Ấn Độ và dừng chân ở đó.

Theo VTC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=387
Quay lên trên