Những điểm mới về đăng ký giao dịch bảo đảm liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất

Cập nhật: 09-02-2012 | 00:00:00

 

Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT/BTP-BTNMT gồm 3 chương, 31 điều. Chương I là những quy định chung (từ điều 1 đến điều 9); Chương II: Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (từ điều 10 đến điều 28) và chương III là điều khoản chung (từ điều 29 đến điều 31). 

Đất đai - nguồn tài sản quý giá của toàn dân

Những điểm mới thay đổi của thông tư, đó là thời gian thụ lý và trả hồ sơ (nếu trường hợp hồ sơ đăng ký hợp lệ có các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2, 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì thời gian thực hiện đã giảm 2 ngày làm việc so với trước đây (từ 5 ngày còn 3 ngày). Về nguyên tắc ký đơn yêu cầu đăng ký phải có đầy đủ chữ ký, con dấu (nếu có) của tổ chức, cá nhân là các bên ký kết hợp đồng thế chấp hoặc người được ủy quyền, trừ các trường hợp quy định tại điều 7. Về lệ phí đăng ký, mỗi trường hợp đều tăng thêm 20.000 đồng (thực hiện theo Thông tư liên tịch 69/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 18-5-2011 và Quyết định 59/2011/QĐ-UBND ngày 19-12-2011 của UBND tỉnh). Cụ thể, mức thu đăng ký giao dịch bảo đảm là 80.000 đồng/trường hợp; mức thu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm là 70.000 đồng/trường hợp; mức thu đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký: 60.000 đồng/trường hợp; mức thu xóa đăng ký giao dịch bảo đảm 20.000 đồng/trường hợp.

Ngoài ra, về hồ sơ, thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, thông tư đã loại bỏ những giấy tờ không cần thiết trong hồ sơ đăng ký cụ thể: nộp 1 đơn thay vì phải nộp 2 đơn yêu cầu đăng ký như trước đây. Đối với trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất gồm: Tài sản chưa hình thành (căn cứ theo giấy phép xây dựng); tài sản đã hình thành nhưng chưa được chứng nhận quyền sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì phải nộp bổ sung thêm hồ sơ đề nghị chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19-10-2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Nghị định số 88/2009/NĐ-CP)” (Điều 13). Đồng thời, thông tư còn quy định về việc thực hiện thủ tục chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Điều 22) sau khi thực hiện hồ sơ đăng ký thế chấp.

Thông tư quy định cụ thể đối với các trường hợp đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (khoản 1 điều 14), đó là rút bớt, bổ sung hoặc thay thế bên nhận thế chấp, bên nhận thế chấp; bổ sung tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất; đăng ký thế chấp trong trường hợp bổ sung giá trị nghĩa vụ được bảo đảm (điều 23), đó là trường hợp bổ sung giá trị nghĩa vụ được bảo đảm mà các bên ký kết hợp đồng thế chấp mới, có hiệu lực độc lập với hợp đồng thế chấp đã đăng ký trước đó thì người yêu cầu đăng ký thực hiện đăng ký thế chấp mới và không phải xóa đăng ký thế chấp trước đó; trường hợp bổ sung giá trị nghĩa vụ được bảo đảm mà các bên ký kết hợp đồng thế chấp mới thay thế hợp đồng thế chấp đã đăng ký thì người yêu cầu đăng ký thực hiện xóa đăng ký thế chấp trước đó và thực hiện đăng ký thế chấp mới; trường hợp bổ sung giá trị nghĩa vụ được bảo đảm mà không bổ sung tài sản bảo đảm và các bên ký kết hợp đồng sửa đổi, bổ sung hoặc ký phụ lục hợp đồng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp đã đăng ký thì các bên không phải thực hiện đăng ký thay đổi đối với văn bản sửa đổi, bổ sung đó.

MAI HUY

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên