Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua, nhiều địa phương cấp xã luôn xem công tác cải cách hành chính (CCHC) là động lực phát triển tại địa phương. Do vậy, cấp ủy Đảng đã chỉ đạo quyết liệt công tác CCHC tại cơ sở, làm thay đổi cơ bản công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân, tổ chức.
Cán bộ UBND phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một tận tình hướng dẫn người dân điền biểu mẫu TTHC
Xây dựng người cán bộ tận tâm, tận tình
Tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của phường An Phú, TX.Thuận An, chúng tôi ghi nhận các trường hợp người dân đến đây liên hệ đều được hướng dẫn rõ ràng, giải quyết nhanh chóng các hồ sơ, thủ tục. Trao đổi với chúng tôi, ông Quản Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Phú cho biết, Đảng ủy, UBND phường luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu làm hồ sơ, thủ tục cho người dân. Bộ phận “một cửa” của UBND phường đã được đầu tư hiện đại, đạt tiêu chuẩn, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng đến làm TTHC. Cùng với đó, UBND phường đã triển khai hiệu quả việc xây dựng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” tại địa phương đã tạo ra sự đổi thay lớn trong công tác cải cách TTHC, có tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là xây dựng được hình ảnh người cán bộ tận tụy, giải quyết công việc hành chính trên tinh thần “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, để đẩy mạnh CCHC thì vai trò của từng cơ quan, đơn vị hay cụ thể hơn nữa là vai trò của từng CBCC trong hệ thống hành chính Nhà nước là hết sức quan trọng. Bởi, mọi CCHC có thể bị giảm hiệu quả, thậm chí vô hiệu hóa vì sự tắc trách, vô cảm hoặc tệ hơn nữa là thói tư lợi của từng CBCC Nhà nước. CBCC hàng ngày giải quyết các TTHC, đối mặt với muôn vàn thắc mắc của người dân và doanh nghiệp nên hiểu rất rõ thủ tục nào là hợp lý, thủ tục nào là bất hợp lý. Nếu như họ đề xuất các sáng kiến CCHC thì sẽ rất sát và đúng, rất hiệu quả. Vì vậy, tôi mong rằng, từng CBCC hãy phát huy yếu tố con người để cùng chung tay góp sức vào nền hành chính minh bạch, hiệu quả của tỉnh. |
Tại bộ phận “một cửa” UBND phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, một điểm đáng ghi nhận khác, cán bộ UBND phường ứng dụng công nghệ thông tin thuần thục. Toàn phường đã thực hiện hóa văn bản điện tử trên tổng số 100% máy tính được trang bị, từng bước chuyển đổi sang cách làm việc điện tử số, nhanh gọn, hiện đại để phục vụ người dân giải quyết TTHC nhanh chóng và thuận tiện. Đây cũng là điều khích lệ để cán bộ, công chức (CBCC) của phường tiếp tục hoàn thiện từng ngày, phục vụ tốt nhất nhu cầu giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân. Cùng với việc đầu tư công nghệ, Đảng ủy, UBND phường chú trọng đến công tác xây dựng người cán bộ tận tâm, tận tình, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Ông Phạm Phú Nam, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu cho biết, UBND phường đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng lực, thái độ phục vụ của CBCC. Thông qua việc tổ chức khảo sát, lấy ý kiến nhân dân về sự hài lòng trong giải quyết TTHC, chúng tôi kịp thời điều chỉnh để phục vụ tốt hơn.
Biết nghe dân để giải quyết
Nếu như ở TX.Thuận An có An Phú, Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Hưng Định là các địa phương điển hình trong công tác xây dựng người cán bộ tận tâm, tận tình thì ở các phường Phú Mỹ, Chánh Nghĩa, Phú Cường, Phú Tân, Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một), từng CBCC luôn tự điều chỉnh mình để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ cho biết, tại phường Phú Mỹ, công tác đầu tư về công nghệ thông tin được UBND phường quan tâm. Nhờ đó, bộ phận “một cửa” của phường thực hiện giải quyết hồ sơ trước hạn cho người dân đạt trên 10% trong tổng số hồ sơ giải quyết trong năm. UBND phường đã chú trọng đơn giản thành phần hồ sơ và rút ngắn thời gian giải quyết đối với quy trình tặng giấy khen của chủ tịch UBND cấp xã; xác nhận tình trạng hôn nhân; giải quyết ngay các hồ sơ khai tử trong các ngày nghỉ, ngày lễ… Từ đó, phường từng bước tạo mối quan hệ gắn kết giữa chính quyền và người dân, tổ chức hướng đến xây dựng nền hành chính phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch.
Ở các phường Phú Lợi, Phú Hòa, Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), từ mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”, đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, bổ sung một số nội dung khác vào phương châm “5 biết”, “3 thể hiện” trong xây dựng mô hình phù hợp với đặc thù riêng của địa phương. Cụ thể như: Mô hình “Hẹn giờ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà”; mô hình 3 xin - 3 luôn (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn giúp đỡ) của phường Phú Mỹ. Mô hình thứ sáu giải quyết hồ sơ trong ngày của UBND phường Phú Lợi. Mô hình thói quen nụ cười công sở của UBND phường Phú Thọ. Các mô hình này đã giúp các địa phương biết nghe dân nói để giải quyết hồ sơ, thủ tục, tạo niềm tin trong nhân dân. Từ khi triển khai thực hiện mô hình, cán bộ các phường nêu trên đã thay đổi cơ bản tư duy, thái độ tiếp dân, giải quyết TTHC cho người dân.
Ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch UBND phường Phú Lợi, cho biết toàn phường đã huy động cả hệ thống chính trị chung tay góp sức trong công tác cải cách TTHC. Cụ thể là ngoài những phương tiện công nghệ hỗ trợ, UBND đã triển khai hiệu quả mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” với các bảng thể hiện phương châm hành động, chấn chỉnh lề lối, phong cách làm việc theo hướng “Trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. UBND phường ban hành quy chế văn hóa công sở cùng với xây dựng phương châm hành động thực hiện công tác dân vận “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn); “3 thể hiện” (tôn trọng, văn minh, gần gũi) và được gắn tại bộ phận “một cửa”, trong đó chú trọng xây dựng “nụ cười công sở”, luôn động viên và yêu cầu CBCC tại các bộ phận có thái độ hòa nhã, lịch sự trong quan hệ, giải quyết các công việc của công dân.
Gần dân mọi việc sẽ thành công
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy phường Bình Thắng, TX.Dĩ An cho biết, thời gian qua, Đảng bộ phường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người chủ trì, đứng đầu cấp ủy, cơ quan. Không chỉ “gần dân, sát dân và giúp dân”, thời gian qua, phường Bình Thắng còn thực hiện rất tốt mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân” và “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ” thực hiện các loại thư chúc mừng, cảm ơn vàxin lỗi, tạo sựđồng thuận vàhài lòng cao cho tổchức, công dân. Bộ phận một cửa luôn nỗ lực, tích cực thực hiện phương châm “5 biết, 3 thể hiện, 4 luôn”; duy trì vận hành hệ thống tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong giải quyết TTHC, bảo đảm hồ sơ giải quyết nhanh, gọn, đúng quy định; nâng cao chất lượng phục vụ các tổ chức, cá nhân đến tham gia giao dịch, giải quyết TTHC.
Thời gian qua, để đáp ứng tốt yêu cầu hiện đại nền hành chính, UBND các xã, phường, thị trấn đã có kế hoạch đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin điện tử hành chính trong hoạt động của đơn vị, từng bước chuyển đổi Văn phòng UBND phường thành văn phòng giải quyết hồ sơ điện tử, tạo thuận lợi hơn trong quy trình xử lý công việc và giúp người dân giải quyết nhanh chóng hồ sơ, thủ tục. Cùng với đó, các địa phương đã triển khai hiệu quả mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện”. Cụ thể, tại UBND phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một đã niêm yết số điện thoại cán bộ lãnh đạo, tổ chức đối thoại với người dân theo quy chế được ban hành. Đây là yêu cầu cần thiết để người dân biết số điện thoại phản ánh, kiến nghị để từ đó người dân góp ý nhằm làm thay đổi lớn về thái độ phục vụ của CBCC theo hướng lịch sự, nhẹ nhàng trong giao tiếp, ứng xử; biết dân cần gì để đáp ứng việc giải quyết TTHC cho người dân…
HỒ VĂN