Những giáo viên tận tụy với nghề

Cập nhật: 21-11-2011 | 00:00:00

 Thầy Phan Trường Giang: Phấn đấu cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực  

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, thầy Phan Trường Giang (1972) (người đứng thứ ba từ phải sang) đã đi làm nhiều nơi nhưng đến năm 2005, thầy quyết định xin vào công tác tại bộ môn điện lạnh thuộc khoa Điện trường Công nhân Kỹ thuật Bình Dương (nay là trường Trung cấp Nghề tỉnh Bình Dương). Lúc này bộ môn điện lạnh mới được thành lập (mặc dù cho đến nay các cơ sở, trung tâm và trường dạy nghề trong tỉnh Bình Dương đào tạo nghề điện lạnh còn rất ít). Được sự giúp đỡ tận tình của Ban Giám hiệu nhà trường, Phòng Đào tạo và khoa Điện, bản thân thầy Giang cùng giáo viên của trường xây dựng chương trình và giảng dạy cho đến nay đã đào tạo ra trường hơn 100 học viên ngành điện lạnh từ hệ công nhân kỹ thuật đến trung cấp, đáp ứng một phần nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh.

Cứ 2 năm một lần, trường tổ chức hội giảng cấp cơ sở, đây là dịp để giáo viên trong trường có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, là cơ sở để chọn các giáo viên có thành tích cao tham gia hội giảng cấp tỉnh. Năm 2011, thầy Giang là 1 trong 5 thành viên được lựa chọn tham gia hội giảng cấp tỉnh. Hội giảng có tổng số 61 thí sinh của các trường dạy nghề trong toàn tỉnh tham gia. “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia hội giảng cấp tỉnh với bài giảng tích hợp: “Nạp gas bổ sung máy điều hòa không khí hai cụm”. Được sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của Ban Giám hiệu nhà trường, Phòng Đào tạo và khoa Điện, với sự cố gắng của bản thân, tôi đã đạt thủ khoa của hội” - thầy Giang cho biết.

Thầy Phạm Minh Pha: Mong học sinh có nghề vững chắc

 

Thầy Phạm Minh Pha (người đứng giữa), hiện đang là giáo viên thuộc khoa Điện công nghiệp của trường Trung cấp Nghề Dĩ An. Từ năm 2009 đến nay thầy đã tham gia giảng dạy tại trường và thầy vinh dự được chọn để tham gia hội giảng giáo viên dạy nghề tỉnh Bình Dương năm 2011, với bài giảng tích hợp: “Lập trình trực tiếp trên Zen - kết nối và điều khiển mô hình bồn trộn nguyên liệu” nằm trong môn học chuyên đề điều khiển lập trình cỡ nhỏ. Thầy Pha đã mạnh dạn bước vào cuộc thi với tất cả tâm huyết, nỗ lực đã mang lại kết quả là một trong những giáo viên được cấp giấy chứng nhận giáo viên có bài giảng tốt trong hội giảng tỉnh Bình Dương năm 2011.

“Mặc dù đồng lương ít ỏi so với những người bạn tốt nghiệp cùng lớp đại học đang làm ở các công ty, tôi quyết định chọn nghề dạy học vì tôi muốn vận dụng những kiến thức, sự hiểu biết mà mình học được trên ghế nhà trường, cũng như những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc, đến với các em học viên với tất cả khả năng, lòng nhiệt huyết mà mình có được để giúp các em có một cái nghề vững chắc sau khi ra trường”, thầy Pha bộc bạch. Với  vai trò là người giáo viên dạy nghề, thầy không ngừng tìm tòi học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm giảng dạy, đem đến cho học viên những bài học mang tính thực tế với đời sống hàng ngày để các em dễ nắm bắt và thực hiện. Luôn gắn bó, gần gũi, động viên, khích lệ các em vượt qua những khó khăn trong học tập, theo dõi việc học tập, rèn  luyện và bồi dưỡng nhân cách cho học viên, trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật thông tin khoa học, công nghệ phục vụ chuyên môn giảng dạy.

Cô Ngô Thị Hồng: Quan tâm chế độ cho giáo viên dạy nghề

 

Với nguyện vọng của bản thân cũng như gia đình là muốn đi theo nghề giáo được xã hội coi trọng vì đây là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nên sau hơn một năm tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (năm 2008) cô Ngô Thị Hồng nộp hồ sơ vào trường Trung cấp Nghề cơ điện và Nông lâm Đông Nam bộ (nay là trường CĐ nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Nam bộ). “Khi được tuyển dụng giảng dạy chính thức đồng lương nghề giáo còn khiêm tốn, tôi xoay xở khéo cũng chỉ gần đủ cho bản thân. Lúc đó nhà trường quan tâm cho tôi đi học thêm chuyên môn nghề vì vào dạy trường nghề, không những phải dạy lý thuyết mà còn phải cứng tay nghề” - cô Hồng cho biết.

“Khó khăn thì rất nhiều nhưng biết làm sao, mỗi sáng thức giấc là có một sinh khí mới mà, phải tiếp tục và phải làm quen với nó vì thế tôi tiếp tục phấn đấu, được nhà trường, khoa và thầy giáo trưởng bộ môn quan tâm nên vào cuối năm 2009 và đầu năm 2010 tôi tham gia luyện thi học viên giỏi nghề cấp bộ và học viên tay nghề trẻ tỉnh Bình Dương và các em đều đoạt giải nhất cấp tỉnh, cấp bộ và giải khuyến khích cấp quốc gia nghề hàn năm 2010. Riêng bản thân tôi tiếp tục tham gia giáo viên dạy giỏi cấp khoa rồi cấp trường, cấp tỉnh và tôi đã đoạt giải nhất giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2011”, cô cho biết. Đoạt các giải như thế nhưng bản thân cô Hồng cũng còn nhiều băn khoăn bởi trường có thiết bị và đội ngũ giáo viên có chuyên môn về nghề nhưng tuyển sinh năm 2011 thì nghề hàn của trường lại rất ít học sinh. Qua đây, cô cũng mong nhà nước quan tâm hơn nữa về chế độ cho giáo viên dạy nghề để giáo viên an tâm đứng lớp.

Văn Sơn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=323
Quay lên trên
X