Những “mái ấm” nghĩa tình

Cập nhật: 23-09-2017 | 12:54:18

Chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, khốn khó của công nhân lao động (CNLĐ), chúng tôi mới hiểu hết được ý nghĩa nhân văn cao cả của những “Mái ấm công đoàn”. Nhờ những mái ấm nghĩa tình ấy, biết bao CNLĐ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được tiếp thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống để an cư lạc nghiệp trên quê hương Bình Dương .

Trao yêu thương

Vượt qua 70 km, chúng tôi có mặt tại gia đình chị Trần Thị Thanh Tươi ở xã Định Hiệp (huyện Dầu Tiếng). Con đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo đưa chúng tôi vào sâu trong ấp Định Phước. Chị Tươi đón chúng tôi bằng nụ cười phấn khởi. Trước đây, chị Tươi là đoàn viên công đoàn năng động, nhiệt tình nhưng hoàn cảnh lại không may mắn. Cái nghèo đeo đuổi cái nghèo, với chị Tươi dù tần tảo lao động, tăng ca ngày đêm nhưng vẫn không thoát cảnh nghèo. Năm nay 30 tuổi nhưng trông chị già dặn hơn so với tuổi của mình. Nhà nghèo, không đủ tiền nuôi các con ăn học nên đứa con lớn của chị phải nghỉ học phụ mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ngoài công việc là công nhân cạo mủ cao su, thời gian rảnh, chị Tươi còn đúc bánh xèo, bánh bèo bán ngoài chợ, làm bất kỳ công việc gì miễn có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Nhận quyết định trao nhà mới, chị Tươi xúc động: “Thời gian qua, gia đình tôi phải sống trong căn nhà tạm, với mức lương 5 triệu đồng/tháng thì việc trang trải, lo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình rất chật vật nên không mơ đến căn nhà kiên cố. Được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh mà mẹ con tôi mới có ngôi nhà mới để ở. Tôi không biết lấy gì cảm ơn, cố gắng làm việc chăm chỉ để lo cho các con”.


Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
(thứ 4 bên trái qua) trao tặng “Mái ấm công đoàn” cho CNLĐ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Phú Giáo

Rời gia đình chị Tươi, chúng tôi có mặt trong căn nhà xập xệ của chị Lê Thị Hạnh, ấp Tiên Phong, xã Long Hòa (huyện Dầu Tiếng). 5 tháng trước, chồng chị qua đời vì bị tai nạn giao thông. Khi căn nhà còn đang xây dang dở, chị Hạnh với 2 con thơ nhận hung tin của chồng. Nén đau thương, chị cố gắng vượt qua hoàn cảnh. Trong căn nhà còn thơm mùi tường mới, chị Hạnh nói: “Có nhà mới tôi sẽ chăm chỉ làm ăn, cạo mủ khéo, luyện tay nghề để thoát khỏi cảnh nghèo khó”.

Khác với hoàn cảnh của chị Tươi, chị Hạnh là hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH MTV Châu Hoa Việt. 2 vợ chồng làm chung công ty nhưng cuộc sống rất khó khăn bởi anh hay đau bệnh liên miên lại thêm 2 con còn nhỏ. Gánh nặng đè lên đôi vai gầy yếu của chị, chị Thắm chia sẻ: “Từ sau ngày cưới, 2 vợ chồng chị phải thuê nhà trọ để sinh sống qua ngày, cuộc sống khó khăn hơn khi gia đình đón thêm thành viên mới, mong muốn xây dựng ngôi nhà kiên cố để ở vẫn là mơ ước, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi”. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, các cấp công đoàn đã chung tay hỗ trợ để chị có điều kiện xây dựng ngôi nhà mới. Công ty TNHH Quốc tế Sài Gòn trực thuộc Công ty TNHH Hoàn Cầu Việt Nam đã hỗ trợ trao 40 triệu đồng xây nhà, biến ước mơ của chị thành hiện thực.

Chung tay xây ngôi nhà mơ ước

Thực hiện chương trình “Mái ấm công đoàn” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, LĐLĐ tỉnh đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trực thuộc tổ chức tuyên truyền vận động xây dựng Quỹ “Mái ấm công đoàn”, thường xuyên nắm bắt, khảo sát tình hình nhà ở, đời sống, việc làm, thu nhập của đoàn viên, công nhân viên chức lao động để kịp thời hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Trong quá trình triển khai thực hiện, LĐLĐ tỉnh đã nghiên cứu thay đổi, áp dụng những biện pháp mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp công đoàn triển khai vận động, huy động được mọi nguồn lực để xây dựng mái ấm. Từ năm 2006 đến nay, các cấp công đoàn đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 1.000 mái ấm cho CNLĐ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí hỗ trợ hàng chục tỷ đồng. Kết quả thực hiện chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” đã vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đã đề ra.

Điểm nổi bật là chương trình nhận được nhiều tình cảm, sự chung tay góp sức của nhiều tổ chức, nhà hảo tâm trở thành cầu nối hạnh phúc, giúp ước mơ thoát nghèo của CNLĐ trở thành hiện thực. Đặc biệt, sự đóng góp của đoàn viên công đoàn, CNLĐ, các doanh nghiệp đã tạo nên dấu ấn riêng của chương trình. Chúng ta không lạ khi khắp nơi, các tổ chức công đoàn cơ sở dấy lên phong trào “Nhường cơm sẻ áo”, bớt một phần quà sáng để xây nên ngôi nhà mơ ước cho CNLĐ nghèo. Hay hình ảnh Đội Công nhân xung kích tới những xóm trọ dạy chữ cho trẻ em lang thang, chăm sóc người già yếu không nơi nương tựa, cứu giúp người gặp nạn... Công trình đã phát huy giá trị và tinh thần đoàn kết của dân tộc. Chúng ta hy vọng chương trình “Mái ấm công đoàn” sẽ tiếp tục lớn mạnh và mang đến nhiều ngôi nhà ấm áp cho CNLĐ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Hiện nay, cuộc sống của một số CNLĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy họ luôn cố gắng lao động, vươn lên để thoát nghèo, ổn định cuộc sống nhưng cái nghèo vẫn bám lấy. Chương trình “Mái ấm công đoàn” ra đời từ năm 2006 do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động nhằm hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững, tạo động lực cho CNLĐ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên ổn đnh cuộc sống. Mái ấm công đoàn đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Hầu hết những ngôi nhà được xây đều vượt chỉ tiêu. Mỗi mái ấm đưc xây là chắp thêm ưc mơ khát vọng cho CNLĐ nghèo”.

 

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=811
Quay lên trên