Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực: Tăng trưởng trong chật vật!

Cập nhật: 28-09-2011 | 00:00:00

Bất chấp khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung, trong nước nói riêng, 9 tháng qua, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù so với kế hoạch đề ra thì mức đạt được vẫn còn khiêm tốn. Theo thông lệ thời điểm cuối năm là mùa cao điểm của các mặt hàng này do có các hợp đồng đã được ký kết, tuy nhiên vẫn còn đó những băn khoăn bởi kinh tế thế giới chưa ổn định, thị trường Mỹ có nhiều biến động...  Theo Sở Công Thương, dự báo kim ngạch xuất khẩu giày dép cả năm 2011 ước đạt 800 triệu USD, đạt 97,6% so với kế hoạch

Kim ngạch vẫn tăng

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, cao su trong 9 tháng năm 2011 nhìn chung đều có mức tăng trưởng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gỗ ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 71,6% so với kế hoạch năm. Còn mặt hàng dệt may cũng tăng 13,9% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, đạt 78,2% so với kế hoạch, chiếm tỷ trọng 14,6% tổng kim ngạch cả tỉnh và chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước. Đối với mặt hàng giày dép kim ngạch đạt 615 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ và đạt 75% so với kế hoạch năm. Mặt hàng này cũng chiếm 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh và chiếm 13% trong lĩnh vực giày dép cả nước. Thủ công mỹ nghệ cũng tăng 16,1% so cùng kỳ, đạt 88,67 triệu USD, so với kế hoạch cả năm chỉ mới đạt 59,9%. Còn mủ cao su đạt hơn 170.000 tấn, tăng gấp 1,5 lần so cùng kỳ, đạt 80,8% so với kế hoạch...

Mặc dù xuất khẩu các mặt hàng chủ lực nhìn chung đều tăng trưởng nhưng doanh nghiệp cũng phải vật lộn với không ít khó khăn. Đó là giá cả nguyên liệu tăng cao làm tăng chi phí đầu vào, nhu cầu thị trường giảm, lãi suất ngân hàng cao... Chẳng hạn như đối với mặt hàng giày dép dù EU đã bãi bỏ thuế chống bán phá giá với Việt Nam (hàng giày, mũ, da) nhưng lại ảnh hưởng bởi nhu cầu của thị trường sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, còn phải chịu áp lực cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp trong khu vực. Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp đã phải thay đổi chiến thuật, mở rộng thị trường, cho ra đời sản phẩm mới phù hợp hơn như Công ty Giày Thái Bình chẳng hạn. Công ty này đã chủ động sản xuất mặt hàng túi xách nhằm đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường mới.

Chưa hết băn khoăn

Theo thông lệ, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực thường có những bước nước rút vào thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này cũng phải đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trước đó mới kỳ vọng hoàn thành nhiệm vụ như mục tiêu đề ra.

Nhìn vào các con số của 9 tháng qua cho thấy hầu hết kim ngạch của các mặt hàng mới đạt từ 70 - 80% so với kế hoạch. Mặc dù một số mặt hàng có triển vọng nhưng với điều kiện là không có sự phá vỡ hợp đồng đã ký kết với các đối tác nước ngoài. Một số doanh nghiệp đã ký được các hợp đồng đến đầu năm 2012 nhưng nếu thị trường xuất khẩu bất ổn thì vẫn chưa thể nắm chắc phần thắng. Cụ thể như Hoa Kỳ là thị trường lớn của ngành xuất khẩu dệt may Việt Nam nhưng đây lại là điểm mà một số doanh nghiệp đang thấp thỏm bởi tính bất ổn của nó. Trong khi đó, thông tin xấu về thị trường Hoa Kỳ đang ngày càng nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do lạm phát nên tình hình tiêu thụ tại thị trường hàng đầu này của ngành hàng dệt may Việt Nam không thể không chịu ảnh hưởng.

Làm việc với các sở ngành mới đây về tình hình này, bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng băn khoăn không kém bởi thị trường tiền tệ biến động, lãi suất vẫn còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, chính sách tiền lương lại điều chỉnh liên tục, lao động thì thiếu ảo... Những vấn đề đó đã tác động không nhỏ đến quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngành gỗ của Bình Dương là một thế mạnh nhưng cũng đang có những dấu hiệu chậm lại bởi những tác động nhiều chiều, chẳng hạn trong lĩnh vực xây dựng bị chậm lại không chỉ kéo theo sắt, thép, xi măng... mà cả sản phẩm gỗ. Theo đánh giá của Sở Công Thương, từ quý II đến nay, các doanh nghiệp đã ký kết được nhiều hợp đồng mới từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) và dự báo đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gỗ sẽ đạt 1,4 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải thấy là giá nguyên liệu đầu vào sẽ cao bởi sự đầu cơ của các doanh nghiệp từ Trung Quốc. Trong khi đó, quốc gia này vẫn là nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, gam màu xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực ở Bình Dương từ đây đến cuối năm không hẳn hoàn toàn là một màu hồng.

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=307
Quay lên trên