Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong đó Sở Nội vụ đánh giá 3 mô hình điển hình đã góp phần làm thay đổi tư duy, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức (CBCC) theo hướng phục vụ nhân dân…
Việc triển khai bố trí nhân viên bưu điện tại bộ phận “một cửa” cấp xã đã phát huy hiệu quả. Trong ảnh: Nhân viên bưu điện tiếp nhận hồ sơ như cán bộ “một cửa” tại UBND phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một
Đường dây “nóng” hoạt động hiệu quả
Theo đánh giá của UBND tỉnh, từ khi triển khai đến nay, hệ thống đường dây “nóng” 1022 đã hoạt động hiệu quả. Đường dây “nóng” đã tiếp nhận, xử lý và trả lời gần 1.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về TTHC, an ninh trật tự, an toàn giao thông…
Theo đó, khi người dân, doanh nghiệp cần giải đáp thắc mắc, phản ánh, kiến nghị chỉcần thực hiện liên lạc một trong các hình thức như: Gọi đến đầu số(0274)1022; thư điện tử (email), tin nhắn SMS; sử dụng các ứng dụng trên internet như: Zalo, Viber, Skype… Việc xây dựng hệ thống đường dây “nóng” là cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp thông qua việc nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm của CBCC trong việc tiếp nhận, hướng dẫn, xửlývà trả lời các nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Từđó, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của hệ thống đường dây “nóng” 1022, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp tập trung nêu cao tinh thần trách nhiệm của CBCC, viên chức trong việc tham gia tiếp nhận, giải quyết và trả lời phản ánh, kiến nghị trên hệ thống đường dây “nóng” 1022 và tổ chức thực hiện theo đúng các quy định đã được UBND tỉnh ban hành; đồng thời mong muốn người dân, doanh nghiệp phản ánh trung thực những kiến nghị đầy tâm huyết qua hệ thống đường dây “nóng” 1022 để chính quyền địa phương có thể phục vụ tốt hơn, hoạt động công khai, minh bạch hơn.
Bố trí nhân viên bưu điện tại bộ phận “một cửa”
Việc triển khai thực hiện đề án bố trí nhân viên bưu điện tại bộ phận một cửa của UBND cấp xã thuộc UBND TP.Thủ Dầu Một đã cho những kết quả ban đầu đáng ghi nhận, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong việc giao dịch với cơ quan các cấp giải quyết TTHC theo hướng nhanh gọn, giảm thời gian đi lại...
Từ khi UBND tỉnh phê duyệt đề án thí điểm bố trí nhân viên bưu điện tại bộ phận “một cửa” của UBND cấp xã thuộc UBND TP.Thủ Dầu Một để thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC các cấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, có 5 phường của TP.Thủ Dầu Một thực hiện thí điểm đề án này, gồm: Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Mỹ, Phú Thọvà Định Hòa. Sau thời gian bố trí thí điểm, nhân viên bưu điện tại các phường này đã tiếp nhận được trên 10.000 hồ sơ các loại, chuyển về cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả kết quả tại nhà hoặc tại điểm tiếp nhận hồ sơ. TTHC mà nhân viên bưu điện tiếp nhận và trả kết quả thời gian qua gồm 10 TTHC cấp xã, 14 TTHC cấp huyện, 9 TTHC cấp tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, các địa phương có bố trí nhân viên bưu điện cần tạo điều kiện cho nhân viên bưu điện tìm hiểu, tiếp cận các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết để hỗ trợ công chức “một cửa” hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả việc giải quyết TTHC; bố trí chính thức quầy cho nhân viên bưu điện thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận “một cửa”, tạo điều kiện cho nhân viên bưu điện được sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị được bố trí, trang bị để phục vụ cho việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC theo đề án.
Cùng với đó, các địa phương giao cho nhân viên bưu điện tiếp nhận và trả kết quả các TTHC theo danh mục đã được UBND tỉnh phê duyệt; công chức “một cửa” của phường theo dõi, giám sát việc tiếp nhận và trả kết quả của nhân viên bưu điện. Song song đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ một cách hiệu quả nhất.
Thanh toán không dùng tiền mặt
Trong tháng 12-2019, TP.Thuận An tổ chức lễ công bố ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt qua máy POS, internet banking, mobile banking trong nộp thuế, phí, lệ phí đối với các giao dịch TTHC có phát sinh phí, lệ phí tại bộ phận “một cửa” hiện đại của TP.Thuận An. Ứng dụng này đã cung cấp các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC; là kênh giao tiếp trực tuyến giữa công dân với chính quyền, giúp công dân dễ dàng hơn trong việc nộp và tra cứu hồ sơ, thủ tục hành chính; hướng đến sự công khai, minh bạch, phòng ngừa tiêu cực trong quản lý nhà nước và mang đến sự hài lòng trong phục vụ nhân dân.
Cùng với đó, TP.Thuận An cũng phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam triển khai thanh toán không dùng tiền mặt qua máy POS, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để thanh toán tiền phí cho các dịch vụ do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố quản lý. Trong năm 2020, thành phố tiếp tục triển khai cho tất cả các quầy tại bộ phận một cửa, kể cả thanh toán các loại thuế khi thực hiện TTHC.
HỒ VĂN