Những người có công tiêu biểu

Cập nhật: 27-07-2016 | 07:30:08

 Đây là 3 cá nhân tiêu biểu đại diện cho những người có công trong tỉnh vừa tham dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2016 tại TP.Cần Thơ. Mỗi người mỗi chiến công, nhưng ở họ đều cùng toát lên tinh thần yêu nước, nguyện cống hiến tất cả cho dân tộc.

 Quên mình vì nghĩa lớn

 Tham gia cách mạng khi tuổi đời còn rất nhỏ, cô Nguyễn Thị Xừ (ảnh) ở ấp An Mỹ, xã An Điền, TX.Bến Cát đã “cháy” hết mình với nhiệt huyết cách mạng. Nhiều phen vào sinh ra tử vì bị địch tra tấn nhưng cô vẫn giữ khí tiết của người cộng sản, trung thành với Đảng, hết lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng nên cô Xừ sớm có tinh thần yêu nước. Tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi. Ban đầu cô làm giao liên, sau đó tham gia lực lượng du kích xã, tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ cán bộ, đảng viên hoạt động nằm vùng, đấu tranh trực diện với chính quyền tay sai. Những năm 1960 hoạt động mạnh mẽ của đội du kích xã trên chiến trường Bến Cát làm nhiều cơ sở địch bị lung lay. Cô Xừ trở thành cái gai trong mắt quân ngụy. Chúng cho mật thám đi lùng sục khắp thôn, ấp để moi bằng được tin tức về cô. Nhiều lần chúng phát lệnh truy nã, ra giá nếu ai bắt sống cô sẽ được thưởng tiền. Mặc dù vậy, cô Xừ vẫn kiên cường bám đất, bám làng xây dựng, củng cố cơ sở cách mạng hoạt động mạnh mẽ, xóa sạch “vùng trắng”, đến các gia đình giúp đỡ, lo cơm cháo cho trẻ em, giúp đỡ làm nhà, an ủi, hỏi thăm từng gia đình. Năm 1963, trong khi đang rải truyền đơn ở ngã ba An Điền (Bến Cát) cô bị bắt vào nhà tù Bình Dương và đưa xuống Thủ Đức. Cô Xừ kể lại: “Chúng nó cùm tay, cùm chân tôi vào một, dùng hình phạt đau đớn nhất. Tôi nhớ đến lời thề không bao giờ làm tay sai cho Mỹ - ngụy, trung thành với Đảng với nhân dân, giữ vững khí tiết, tinh thần người cộng sản. Lúc này tôi biết rằng chỉ một lời khai của mình là hàng trăm mạng người chết trong chốc lát”. Vì vậy, không một đảng viên, cơ sở nào của ta lọt vào tay chúng.

Sau ngày ấy cô vẫn tiếp tục con đường cách mạng của mình, ngày 30-4-1975 cô cùng quân và dân tổ chức chiếm giữ, tiếp quản trụ sở xã An Điền, thu giữ tài liệu, quân trang, quân dụng của quân địch. Cô được Chủ tịch nước tặng thưởng Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, nêu cao tinh thần kiên trung bất khuất, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

 Luôn tin tưởng vào thế hệ tương lai

 Có lẽ không có giấy mực nào có thể ghi chép lại hết được tội ác của kẻ thù trong chiến tranh. Thế nhưng, với những người đã từng vào sinh ra tử, bị tra tấn tù đày tội ác của kẻ thù chỉ là động lực để họ viết tiếp ước mơ, cùng cháu con xây dựng quê hương đất nước. Sống không giận, không hờn, không ghét để thấy yêu hơn hai chữ “tự do”. Đó là tất cả những gì chúng tôi thấy vui khi được trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Ruộng (ảnh), vợ liệt sĩ, cán bộ tù đày ở phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát...

Chúng tôi, thế hệ hậu sinh không trực tiếp chứng kiến chiến tranh nhưng qua phim ảnh, sách báo chúng tôi cũng hiểu được phần nào tội ác của kẻ thù. Vậy mà, có dịp chuyện trò cùng những người từng vào sinh ra tử, từng bị tù đày họ lại xem chiến tranh nhẹ tựa lông hồng. Lằn ranh giữa sự sống và hy sinh như lẽ đương nhiên để giành lại độc lập, tự do cho quê nhà. Bà kể, năm 17 tuổi bà đã làm cán bộ mật, quân báo dân vận huyện Bến Cát. Từ năm 1962 đến 1967 là y tá quân y huyện Bến Cát. “Dù chỉ học hết lớp 2 nhưng khi quê hương cần thì việc gì cũng phải sẵn sàng, học tập và làm hết khả năng của mình…”, bà Ruộng nói. Năm 1967, bà cùng đồng đội, trong đó có chồng bà là Phan Văn Đức (Tư Hùng) đã tổ chức cướp tua Cầu Quang. Thắng lợi nhưng đã bại lộ nên cả hai vợ chồng bà phải thoát ly hoạt động công khai, mỗi người một đơn vị. Và sau chiến thắng ấy cũng chính là lý do để kẻ thù lấy cớ bắt bà giam cầm, đánh đập và 2 lần ngồi nhà tối tại khám đường Bình Dương.

Với bà Nguyễn Thị Ruộng đau thương nhất khi 2 con nhỏ phải gửi lại cho người thân chăm sóc, bản thân ngồi khám đường Bình Dương bị tra tấn dã man. Không dưới 5 lần bà bị chúng quay điện, chết đi và sống lại nhưng bà vẫn giữ nguyên lời khai “không biết!”. Đau hơn cả là chính ngay tại nhà giam, bà lại hay tin chồng mình đã hy sinh. Và nước mắt lại phải nuốt vào trong để tiếp tục hoạt động, chờ một niềm tin vào ngày giải phóng.

Một bà mẹ hết sức nhẹ nhàng, luôn biến đau thương thành hành động, tiếp tục thay chồng nuôi con. Giờ đây, hai người con của bà đã trưởng thành, đã tiếp tục con đường của chồng, cống hiến phục vụ cho quê hương đó là hạnh phúc, là niềm vui. Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho những người có công được hưởng chế độ, được giao lưu trò chuyện cùng thế hệ trẻ lại là một hạnh phúc khác. Đó chính là cái để con cháu viết tiếp ước mơ của thế hệ cha ông đã hy sinh cho một quê hương an bình…

 Người thương binh tàn nhưng không phế 

 Ông Tô Hữu Phúc, ở ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên là thương binh hạng 4/4. Năm 1960, ông nhập ngũ tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre và tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Năm 1968, trong lúc tham gia chiến đấu cùng đồng đội, ông bị thương, bị mất sức lao động 35%. Từ năm 1979- 1987 là chuyên gia quân y giúp Campuchia cứu thương, chuyển thương tải đạn. Các danh hiệu mà ông Phúc đã được Nhà nước trao tặng, như: Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, nhì, ba và Huân chương Chiến công hạng nhì, ba.

Từ chiến trường trở về ông Phúc quyết tâm xây dựng kinh tế gia đình, tạo dựng cuộc sống vững chắc. Năm 1998, ông Phúc vay mượn bạn bè, đồng đội mua 5 ha đất trồng hoa màu. Những năm đầu bắt tay vào làm kinh tế khó khăn trăm bề nhưng với nghị lực người lính đã được tôi luyện trong chiến trường đã giúp ông Phúc vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Năm 2005, ông Phúc đầu tư trồng bưởi, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật nên vườn bưởi ông đạt năng suất cao, thu nhập hàng năm đạt từ 300 - 400 triệu đồng. Ông Phúc cho biết: “Với chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, gia đình tôi giờ đây đã thoát nghèo, có cuộc sống đủ đầy, con cháu hiếu thảo, gia đình hạnh phúc”. Để đáp lại sự quan tâm của các cấp, chính quyền, ông Phúc cố gắng vươn lên trở thành “người công dân kiểu mẫu”, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tích cực giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc.

K.HÀ - C.DANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên