Họp xong đại hội, chị Minh Khai và anh Hoàng Văn Nọn được giữ lại theo học Trường đại học Phương Đông (viết tắt chữ Nga là KYTB) cho đến đầu năm 1937 mới lần lượt lên đường về nước. Anh Nọn được cử về hoạt động ngay giữa thành phố Hà Nội, và được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp nhận trách nhiệm lãnh đạo các hội đoàn hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp.
Anh tiếp tục mang tên Hoàng Lương Hữu, đóng vai một nghệ sĩ nhiếp ảnh, và trực tiếp ở trong Ban lãnh đạo Hội Ái hữu Nhiếp ảnh, trong phong trào Đông Dương đại hội.
Khu di tích Nặm Lìn, Cao Bằng.
Tập Hồi ký cách mạng Hà Sơn Bình (Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Hà Sơn Bình xuất bản năm 1981) trang 22, ghi hồi ký của Dương Nhật Đại, viết: "Đến khoảng cuối năm 1937, chúng tôi liên lạc được với anh Hoàng Lương Hữu, lúc ấy anh Hữu làm Bí thư Xứ ủy. Từ đó, chúng tôi lại hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của anh Hữu. Anh, người Cao Bằng, tiếng nói hơi khó nghe, song rất vui tính, cởi mở, tận tình giúp đỡ bồi dưỡng cho chúng tôi trong công tác. Mỗi lần đến hiệu ảnh Dân Chúng tìm gặp anh, tôi cảm thấy thoải mái như về nhà mình vậy.
Từ ngày gặp anh, biết anh là Đảng viên, đã nhiều lần tôi định bày tỏ nguyện vọng muốn xin vào Đảng với anh. Song cứ đắn đo suy nghĩ mà chưa dám thổ lộ tâm tình... Nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938, Đảng ta tổ chức một cuộc mít tinh rất lớn ở Đấu Xảo, Hà Nội. Chúng tôi vận động quần chúng Hà Đông ra tham dự rất đông. Gặp anh Hữu ở cuộc mít tinh này, anh dặn tôi: "Lát nữa xong, lại hiệu ảnh Dân Chúng, mình có câu chuyện muốn nói với cậu".
Dự mít tinh xong, tôi vội vàng lại ngay hiệu ảnh Dân Chúng, vừa lúc anh Hữu về tới nơi. Anh vui vẻ hỏi tôi về phong trào Hà Đông rồi kéo tôi ra góc nhà, nói nhỏ: "Ở Hà Đông, phong trào quần chúng phát triển đã khá, nhưng chưa có tổ chức Đảng. Cậu thì được rồi đấy, cậu hãy chọn lấy một người nữa, mình cũng sẽ giới thiệu một người nữa, thế là đủ ba người để thành lập một Chi bộ Đảng".
Sách Lịch sử Đảng bộ Hà Tây (Tỉnh ủy Hà Tây xuất bản năm 1992) trang 90, viết: "Đồng chí Hoàng Lương Hữu, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, là người trực tiếp bồi dưỡng lựa chọn quần chúng tích cực để xây dựng Chi bộ Đảng..."; trang 92 viết tiếp: "Cuối năm 1938, đồng chí Hoàng Lương Hữu, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đã về trực tiếp chủ trì hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Đông, họp tại làng Vạn Phúc. Thay mặt Xứ ủy, đồng chí chỉ định Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm có 5 ủy viên"; trang 107, viết tiếp: "Trong Hội nghị Tỉnh ủy tháng 5/1939, tại làng Vạn Phúc, đồng chí Hoàng Lương Hữu thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ về dự, đã tuyên bố chuyển Ban Tỉnh ủy lâm thời thành Ban Tỉnh ủy chính thức...".
Khi Mặt trận Bình dân bên Pháp đổ vỡ, thực dân Pháp ở Đông Dương lập tức trở mặt, quay sang khủng bố những người lãnh đạo các hội "ái hữu". Anh rút vào bí mật, được Trung ương trao trách nhiệm làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.
Cuốn Lịch sử cách mạng huyện Hoài Đức 1930-1945 (Nhà xuất bản Hà Nội-1982) trang 42 viết: "Mùa Xuân năm 1939, tại làng Vạn Phúc, Xứ ủy Bắc Kỳ triệu tập hội nghị các bí thư chi bộ để thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hà Đông. Hội nghị họp dưới sự chủ tọa của đồng chí Hoàng Lương Hữu, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ". Mấy tháng sau, anh Nọn bị thực dân Pháp quây bắt, nhưng vì không có chứng cứ gì xác thực, chúng đày anh đi "an trí" trên trại Bá Vân (Thái Nguyên).
Sau những năm 1940-1941, thấy phong trào đấu tranh vũ trang cách mạng ở Thái Nguyên - Bắc Kạn ngày càng lan rộng, thực dân Pháp bèn đưa anh Nọn về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội, định chờ tàu chở vào miền Trung giam trên các miền núi cao. Nhưng chúng chưa kịp làm việc đó, đầu năm 1945, anh Nọn đã cùng nhiều đồng chí khác (trong đó có các đồng chí Đỗ Mười, Trần Đăng Ninh, Lê Trung Hà...) tổ chức vượt ngục ra bên ngoài, lúc đầu về cơ sở Chương Mỹ ở Hà Đông, sau về nhiều tỉnh khác tiếp tục hoạt động cách mạng và lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám, ông Hoàng Văn Nọn, tức Hoàng Lương Hữu chuyển sang bí danh mới là Hoàng Vĩnh Tuy, được giao công tác làm Thanh tra ở Bộ Nội vụ, chuyên lo công tác củng cố, tăng cường chính quyền nhân dân ở cấp tỉnh, thành. Cuối năm 1945, ông được Đảng đưa ra ứng cử làm Đại biểu Quốc hội tỉnh. Và đây là nội dung một bài đăng trên báo Việt Nam độc lập số 235 ra ngày 15 tháng 12 năm 1945. "Về tiểu sử ông Hoàng Văn Nọn: 44 tuổi, nông dân, tham gia phong trào cách mệnh từ năm 1930. Lãnh đạo dân chúng chống phu thuế. Năm 1934-1935, bị truy tố, hoạt động trong vòng bí mật. Năm 1936, tham gia Mặt trận Bình dân. Đã 3 lần bị đế quốc Pháp kết án làm cách mạng".
Ông tham dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phiên họp diễn ra trong không khí nước sôi lửa bỏng, chỉ vỏn vẹn có một buổi sáng ngày 2-3-1945, mà làm được bao nhiêu việc tày đình: cử ra Chính phủ đoàn kết dân tộc, đánh bại âm mưu của các thế lực phản động trong và ngoài nước định lật đổ chính quyền ta, cử ra ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, ông Hoàng Văn Nọn mang tên mới là Hoàng Vĩnh Tuy miệt mài hết năm này sang tháng khác, đi các tỉnh và các huyện lo việc củng cố các cơ quan chính quyền của nhân dân ta mới xây dựng. Bảo bối ông có trong tay là bức thư của Bác Hồ gửi các đồng chí Trung - Bắc Kỳ, trong đó Bác Hồ phê bình khá nặng lời các tệ nạn đang chớm nở trong một số người được cử ra làm chính quyền nhân dân.
Có một lần, ông đến một huyện ở tỉnh Nghệ An, yêu cầu gặp đại diện chính quyền cách mạng, ông bị người ta hỏi giấy tờ. Thôi thì chuyện ấy cũng được vì anh em chưa quen biết nhau, nhưng sau đó người ta tịch thu giấy giới thiệu của ông và bắt giam ông..., với lý do là "giấy giả", nhưng thật sự là lúc ấy huyện đang muốn che giấu một chuyện thối nát trong quan hệ với dân chúng. Lại có lần ông bị trói dẫn ra cánh đồng vắng, suýt nữa thì nguy hiểm đến tính mạng, chỉ vì dân quân du kích khám thấy trong cái mũ nồi ông đội có nhãn hiệu đủ ba màu xanh, trắng, đỏ trong quốc kỳ của... Tây!
Nhưng những nỗi cơ cực ấy chỉ là chuyện vặt, cái vất vả trăn trở nhiều nhất đối với ông là tranh luận, thuyết phục để các tỉnh, huyện hiểu ra cần mau mau chấn chỉnh bộ máy chính quyền các cấp của ta, một tình trạng đau đầu nhất lúc đó là những chuyện trục trặc giữa hệ thống Ủy ban Hành chính (thường có đông đại biểu các giới thân hào, thân sĩ, công chức cũ thời trước Cách mạng) với hệ thống các Ủy ban Kháng chiến (thường là có đông đại biểu của tỉnh bộ và huyện bộ Việt Minh - thực tế là đại diện cấp ủy địa phương).
Cái khó của ông Hoàng Vĩnh Tuy lúc đó là quyền hạn được định ra khá mơ hồ, công việc không thể không có hiệu quả đẩy mạnh đoàn kết để kháng chiến, nhưng nếu không thuyết phục được mọi người thì lại dễ mang tội là "can thiệp quá sâu vào nội bộ". May mắn là sau khi cặm cụi với địa phương, ở nơi nào ông cũng để lại những sự vì nể và biết ơn, vì ông đã làm cho mọi người tỉnh thức thấy trách nhiệm của người cán bộ trước nhân dân và đất nước đang còn muôn vàn khó khăn.
Đến năm 1950, khi chiến dịch giải phóng biên giới thắng lợi, ông được Trung ương điều động về tham gia củng cố cấp ủy và cơ sở cách mạng tỉnh Cao Bằng quê cũ. Tuy là địa bàn quen thuộc và thân thương, nhưng đối với ông Hoàng Văn Nọn, Cao Bằng lại là nơi vừa mới trải qua nhiều năm quằn quại trong ách chiếm đóng, khủng bố và băng hoại của đế quốc; nhiều việc như xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, hầu như phải làm lại từ đầu, khó khăn và phức tạp hơn xưa rất nhiều.
Sau nhiều năm rất vất vả trong cương vị Ủy viên thường vụ, đến lúc tuổi đã cao, sức khỏe sút kém, ông xin rút về làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho đến khi lâm bệnh nặng, ông phải nằm dưỡng bệnh một chỗ. Mặc dầu được Trung ương, Tỉnh ủy và bà con anh em thân thiết ra sức chăm nom, cứu chữa, nhưng vì căn bệnh hiểm nghèo, ông từ trần trong niềm thương tiếc vô hạn của bà con và Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, hoàn thành cuộc đời một chiến sĩ cộng sản vẹn toàn cống hiến sức lực tài trí cho dân, cho Đảng.
(Theo CAND)