Những thương binh sống đẹp giữa đời thường

Cập nhật: 22-07-2013 | 00:00:00

Kỳ 4: Tham gia các hoạt động thiện nguyện

Âm thầm làm việc thiện

Nhiều năm qua, thương binh 4/4 Nguyễn Hữu Vận ở xã Phước Hòa (Phú Giáo) đã âm thầm giúp đỡ những gia đình đồng đội, người nghèo khó, bất hạnh đang gặp khó khăn. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng ở Nghệ An, năm 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Vận đã cầm súng tham gia cách mạng tại Trung đoàn 22 A, Tiểu đoàn 7, Quân khu 4. Rời quân ngũ năm 1976, chàng thanh niên ấy phải mang thương tật 21% và trở thành thương binh 4/4. “Là người con cách mạng được đào tạo trong quân đội, với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tôi biết đời sống của một số đồng đội, bà con ở vùng sâu, vùng xa vẫn khó khăn. Vì thế, tôi đã tích cực tham gia công tác từ thiện để giúp đỡ đồng chí, đồng đội nghèo phấn đấu vươn lên, vượt qua khó  khăn trong cuộc sống”, ông Vận chia sẻ. 

Ông Đoàn Minh Chiến (thứ 3 từ phải sang) tại lễ tôn vinh chủ trang trại tiêu biểu bà Nguyễn Thị Hường ở ấp 1 B, xã Phước Hòa, Phú Giáo

Bao năm qua, ông Vận cật lực làm việc dành dụm, chắt mót từng đồng lương để làm từ thiện. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013, ông cùng địa phương thăm tặng quà chúc tết các cụ thọ trên 90 tuổi ở xã Phước Hòa (Phú Giáo); hỗ trợ 20 phần quà cho học sinh nghèo hiếu học trường Tiểu học Phước Hòa B; tặng tập vở vào đầu năm học cho học sinh nghèo ở trường Tiểu học Sóc Ứng (tỉnh Bình Phước); thăm và tặng quà cho người mù, người khuyết tật huyện Phú Giáo với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Hàng tháng ông còn hỗ trợ cho 6 gia đình hộ nghèo gặp bệnh hiểm nghèo ở địa phương, trong đó có 2 hộ cựu chiến binh và đóng góp quỹ chi hội cựu chiến binh ở xã để giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình. Riêng trong những tháng đầu năm 2013, ông Vận đã ủng hộ xây tặng 1 căn nhà tình thương, 1 căn nhà đồng đội ở xã Phước Hòa với số tiền 60 triệu đồng.

Chuyện âm thầm làm việc thiện của người thương binh Nguyễn Hữu Vận xuất phát từ cái tâm của ông, nên bao năm qua, vợ con ông cũng luôn bên cạnh động viên, gánh vác “trách nhiệm” hỗ trợ ông trên con đường “hành hiệp” trả nghĩa cuộc đời như ông đã tâm sự.

Tấm gương sáng cho con cháu noi theo

Năm 15 tuổi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông  Đoàn Minh Chiến ở xã Tân Bình (Tân Uyên) lên đường nhập ngũ tại Đại đội C61 Bến Cát. Trong lần tham gia đấu tranh với địch tại xã Chánh Phú Hòa, ông bị thương chân phải. Dù vậy, ông vẫn quyết tâm bám chiến trường, bám đơn vị để tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu tại các trận đánh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc. Khi rời quân ngũ ông Chiến là thương binh 2/4 với 16 mảnh đạn trong người. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, khắc phục khó khăn, ông tăng gia phát triển kinh tế, khai hoang, phục hóa vùng đất trống đồi trọc ở giữa rừng chiến khu Đ để trồng rừng và sản xuất nông nghiệp nhằm khôi phục màu xanh trở lại. Đến cuối năm 2001, ông đã hoàn thành mô hình kinh tế trang trại tổng hợp với tổng diện tích hơn 60 ha và được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận thương hiệu “Trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến”. 

Ông Nguyễn Hữu Vận trao quyết định tặng nhà tình thương cho

“Đi hơn nửa cuộc đời người, dù tuổi cao sức yếu nhưng bản chất người lính cụ Hồ không cho phép tôi thờ ơ với những gia đình đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh, hiến dâng cả tuổi xuân trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và những cảnh đời nghèo khó cần giúp đỡ. Tình yêu dành cho quê hương, đất nước, đồng đội luôn nằm trong tâm khảm của tôi nên khi có điều kiện tôi sẵn sàng “nhường cơm xẻ áo” để thực hiện tâm niệm của mình”, ông Chiến bộc bạch. Thực hiện ý nguyện đó, hơn 10 năm qua ông Chiến đã làm những việc thiện một cách lặng lẽ, âm thầm. Ông bảo: “Làm việc thiện là xuất phát từ cái tâm của mình, không cần phải phô trương”. Những việc làm thiện nguyện của ông như ủng hộ Hội Cựu chiến binh xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho đồng đội, hỗ trợ Ban liên lạc truyền thống Sư Đoàn, đóng góp vào phong trào đền ơn đáp nghĩa và Quỹ động viên tuyển quân với số tiền hàng trăm triệu đồng…

Nhìn trên bức tường treonhững tấm bằng Huân chương Lao động hạng ba, nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trao tặng, chúng tôi hiểu đó là kết quả quá trình phấn đấu không mệt mỏi và ý chí của người thương binh Đoàn Minh Chiến. Ông là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

Làm việc thiện để trả ơn cho đời

Rời chiến trường với nhiều vết thương trên cơ thể, với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, thương binh 2/4 Nguyễn Tiến Đạt (SN 1966) ở xã Hưng Định, TX.Thuận An đã thực hiện được. Ông xứng đáng được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng bằng khen là đối tượng chính sách, khắc phục khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất…

Tiếp nối truyền thống cách mạng, năm 1984, ông Đạt gia nhập quân đội. Sau khi được huấn luyện, về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 196, Sư đoàn 309, Mặt trận 479 làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Cumpuchia. Đến năm 1985, không may ông bị thương ở nhãn cầu phải và nhiều vết thương phần mềm khác với tỷ lệ thương tật 70%. Khi trở về quê hương, trong người mang nhiều thương tật nên ông phải đối mặt với bao khó khăn. Thực hiện lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”, ông cố gắng làm đủ thứ nghề để kiếm sống qua ngày. Nhờ chắt chiu và chịu khó làm ăn nên thu nhập của ông ngày một khá hơn.

Thực hiện được lời hứa với đồng đội “Người nào may mắn trở về khi có điều kiện thì phải giúp đỡ những gia đình đồng chí, đồng bào không may”. Chính vì vậy, việc tôi làm từ thiện cũng là chút lòng để trả ơn cho đời”, ông Đạt chia sẻ. Thực hiện tâm nguyện ấy trong nhiều năm liền, hàng tháng, ông đã hỗ trợ tiền cho Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh và lực lựơng dân quân ở địa phương; xây tặng 2 căn nhà tình thương cho hộ nghèo ở xã Hưng Định. Nhân dịp 27-7, ông cũng đã đi thăm và tặng quà cho một số gia đình chính sách…

Là những người yêu nước, thương dân, những thương binh không những giỏi cầm súng chiến đấu mà còn sống gương mẫu, giàu tình đồng đội, lòng nhân ái giữa đời thường mà 3 thương binh đó chỉ là những trường hợp cụ thể. Họ không chỉ xứng danh anh bộ đội cụ Hồ, mà còn xứng đáng là những hạt nhân trong các phong trào tại địa phương, đặc biệt là phong trào xã hội từ thiện.

Kỳ cuối: Sống gương mẫu

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên